Khám sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn là lời khuyên của các bác sĩ sản khoa đối với những bạn trẻ trong độ tuổi yêu đương.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn là lời khuyên của các bác sĩ sản khoa đối với những bạn trẻ trong độ tuổi yêu đương.
Minh họa: DAD
|
Tránh được nguy cơ tan vỡ
Trước ngày kết hôn khoảng một tháng, N.V.A (23 tuổi, sống tại Đà Nẵng) bị đau bụng dữ dội, hai bên gia đình đoán già đoán non, rồi nửa mừng nửa lo các kiểu, tưởng đã ăn cơm trước kẻng. Chú rể thì cam đoan là “chưa làm gì”. Đi bệnh viện, khi bác sĩ đưa ra kết quả thăm khám thì cả hai bên gia đình đều ngã ngửa.
|
Sau khi tìm hiểu về loại dị tật tử cung này, bạn trai của V.A vẫn quyết tâm cưới và quyết định có con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Trường hợp này được phát hiện sớm đã tránh được nguy cơ tan vỡ sau khi kết hôn, bởi những người trong cuộc đều đã chủ động với vấn đề và được chuẩn bị trước về tâm lý. Tuy nhiên, không phải ai cũng có may mắn được phát hiện sớm các dị tật, những bất thường của cơ thể để được cảm thông như vậy.
“Có rất nhiều cặp đôi, có vợ, hoặc chồng bị dị tật sinh dục, dị tật tử cung nhưng không được phát hiện trước, không được cảnh báo, dẫn đến thiếu sự chia sẻ của người còn lại, vì vậy mà khó có được hạnh phúc sau khi kết hôn”, BS Phan Hoàng Anh Đào, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản - Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hiền (28 tuổi, TP.Huế) cho biết: “Khi chưa lấy chồng, mỗi lần nghe ai nói chuyện tình dục hay sinh sản thì mình rất ngại và xấu hổ. Nên việc hiểu biết về nó cũng hạn chế. Vì thế sau khi kết hôn, vợ chồng mình gặp không ít chuyện “bi, hài” về vấn đề này”.
1.001 lý do nên khám sức khỏe sinh sản
Tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản ở các tỉnh, thành phố đều cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản. Đối với nữ, nên tiến hành các bước kiểm tra chung về các chức năng sinh sản, khám phụ khoa đối với người chưa quan hệ tình dục (QHTD), khám và phát hiện những bất thường của tử cung phần phụ, cảnh báo các loại dị tật, tư vấn chích ngừa mũi HPV (ngừa ung thư cổ tử cung, dành cho nữ từ 9 - 27 tuổi, chưa từng QHTD)... Nam thì khám hiếm muộn và các bệnh lý nam để chủ động trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản cho mình.
Đối với khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, các bạn còn được tư vấn, trang bị các kiến thức kế hoạch hóa gia đình hiệu quả, an toàn, phù hợp với điều kiện sống, sinh hoạt, hay kiến thức về các bệnh lây nhiễm khi QHTD để phòng tránh, được tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt để chủ động mang thai. “Với các cặp đôi có ý định sinh con nên được kiểm tra tình trạng sức khỏe như khám bướu giáp, các bệnh lý về gan, tiểu đường, phổi, sản phụ khoa... có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, đến em bé. Những thói quen tốt, xấu tác động đến sức khỏe sinh sản, những lời khuyên về lịch tiêm chủng, các xét nghiệm, ăn uống, sinh hoạt...”, BS Anh Đào, người có thâm niên 30 năm trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, cho lời khuyên.
Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Khoa Nguyên, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Thừa Thiên-Huế thì: “Các bạn trẻ chưa quan tâm đúng mực đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo thống kê tại trung tâm thì tỷ lệ bạn trẻ đến khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân còn rất thấp, chủ yếu là những bạn trẻ ở thành thị”.
Bình luận (0)