'Khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc, không kê khai'

06/09/2024 11:54 GMT+7

Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá, nhiều trường hợp sau khi cơ quan điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc; tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều.

Sáng ngày 6.9, Ủy ban Tư pháp Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14 để cho ý kiến, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, trong đó có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng 2024 (kỳ báo cáo từ 1.10.2023 - 1.10.2024).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nhóm nghiên cứu của ủy ban đánh giá, thời gian qua, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã tiếp tục được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

'Khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc, không kê khai'- Ảnh 1.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng 2024

ẢNH: GIA HÂN

Minh chứng là đã có 16.351 người được xác minh tài sản thu nhập năm 2023. Qua đó, có 19 người bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, kỷ luật bằng hình thức cách chức…).

Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu nhận định việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tiếp tục được chú trọng, kiên quyết xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách.

Năm 2024 có 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (trong đó, có 14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức).

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

"Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét thì mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc. Qua phản ánh của dư luận, cử tri cho thấy tình trạng kê khai tài sản, thu nhập không trung thực diễn ra còn nhiều", ông Cường nêu.

'Khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc, không kê khai'- Ảnh 2.

Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội

ẢNH: HOÀNG QUỲNH

Nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức

Nêu đánh giá chung về tình hình tham nhũng, nhóm nghiên cứu cho rằng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.

Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Điển hình là các vụ án tại Công ty Phúc Sơn; Thuận An...

"Tình trạng này cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức", ông Cường nhấn mạnh.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho hay, nhóm nghiên cứu đề nghị, khẩn trương nghiên cứu, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử...

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý tài sản công...

'Khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không rõ nguồn gốc, không kê khai'- Ảnh 3.

Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn nêu ý kiến tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

"Giám sát hoạt động công vụ rõ ràng là yếu kém"

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn nêu mặc dù các cơ quan pháp luật đã cố gắng rất nhiều, các chỉ tiêu Quốc hội giao cũng đều hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế thì tội phạm vẫn tăng, tranh chấp dân sự cũng tăng.

"Đã đến lúc nghiên cứu tổng thể, vì sao mình làm tốt mà tội phạm, tranh chấp vẫn cứ tăng. Công tác phòng ngừa như thế nào?", ông Phàn đặt vấn đề.

Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cũng bày tỏ lo lắng với tình hình tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc cán bộ nhà nước cấu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp để trục lợi, khi tưởng những vấn đề đó đã được giải quyết, được ngăn chặn và giảm đi nhưng không phải.

Ngược lại, theo ông Kim, nó vẫn rất nặng, đặc biệt nhiều vụ việc không phải mới mà đã lâu dài, "khi phát hiện đã là nghiêm trọng, thậm chí rất bất ngờ".

Ông Vũ Trọng Kim cho rằng, công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực vẫn còn yếu, đặc biệt là giám sát hoạt động công vụ của cán bộ còn yếu kém. Ông đề nghị, với từng vụ việc phải nêu lên được trách nhiệm của các cơ quan theo dõi, giám sát, đánh giá, quản lý hoạt động của doanh nghiệp cũng như đội ngũ cán bộ.

"Kiểm kê, kê khai tài sản của cán bộ là vấn đề từ lâu rồi. Nhưng vấn đề trực tiếp là giám sát hoạt động công vụ rõ ràng là yếu kém", ông Vũ Trọng Kim nói, nhấn mạnh, nếu không theo dõi, kiểm điểm, đánh giá kịp thời sẽ dẫn tới những chuyện bất ngờ. "Không chỉ chúng ta ngỡ ngàng mà thế giới cũng ngỡ ngàng về những hiện tượng ở Việt Nam", ông Kim nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.