Vào năm 2013, Chính phủ đã ra quyết định công nhận Vườn Xuân Trung Nam Bắc là bảo vật quốc gia. Bức tranh, mô tả cảnh các thiếu nữ vui chơi trong không gian mùa xuân tươi đẹp, được Nguyễn Gia Trí vẽ trong 20 năm (hoàn thành năm 1988), thể hiện nhiều tìm tòi sáng tạo đỉnh cao của ông trong cả nghệ thuật và kỹ thuật vẽ sơn mài. Bức tranh hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Bảo vật xuống cấp
Vừa vào tham quan phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ông Đỗ Quốc Thái (ở Q.6, TP.HCM), một người yêu hội họa, vô cùng bất ngờ và hoảng hốt vì sự xuống sắc nghiêm trọng của bức tranh quý.
Ông Thái bức xúc nói với PV Thanh Niên: “Vườn Xuân Trung Nam Bắc là một siêu phẩm của nghệ thuật sơn mài VN, tôi đã nhiều lần vào bảo tàng chủ yếu để ngắm bức sơn mài này. Nhưng hôm nay tới đây, tôi rất ngạc nhiên, không biết họ đã vệ sinh tác phẩm này như thế nào mà lớp sơn và lớp trứng trên bề mặt tranh mất gần hết, thậm chí lớp dát vàng được xem là cái hồn của bức tranh cũng không còn nữa… Tôi thật sự đau lòng khi nhìn tác phẩm hoàn toàn khác đi”.
Ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, thừa nhận bức tranh đã bị ảnh hưởng sau quá trình thực hiện vệ sinh. Ông nói: “Sau khi thực hiện vệ sinh phòng ngừa và chỉnh lý trưng bày phòng tranh Nguyễn Gia Trí, khi đưa ra trưng bày thì có một số vấn đề cần phải đánh giá xem xét lại. Mặc dù trong quá trình thực hiện vệ sinh, bảo quản bảo tàng đã tiến hành đầy đủ các bước xây dựng kế hoạch, thông qua hội đồng nội dung thực hiện và đều có báo cáo gửi Sở VH-TT TP.HCM xin chủ trương và được chấp thuận. Tuy nhiên thực hiện xong đưa ra trưng bày thì có nhiều nhận xét, như: độ bóng của bức tranh khác lạ so với ban đầu, phần cẩn trứng bị mất đi bề mặt, một ít vàng bị trôi, độ sâu của tranh cũng bị ảnh hưởng”.
Trước đây, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã có nhiều biện pháp bảo vệ bức tranh Vườn Xuân Trung Nam Bắc như lắp đặt máy lạnh, gia cố lại khung tranh và đưa tranh xa khỏi tường 40 cm để khỏi bị ẩm, tuy nhiên bức tranh vẫn bị xuống màu. “Bức tranh đã 30 năm tuổi rồi. Theo thời gian, khi nhiệt độ nóng ẩm thất thường cũng khiến cho tranh xuống màu là điều khó tránh khỏi…”, ông Yên nhận xét.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín (Hội Mỹ thuật TP.HCM) cho rằng có vấn đề trong quá trình vệ sinh bảo quản. “Khi đọc quy trình vệ sinh bảo quản, tôi nghĩ cái thiếu sót của chúng ta là sử dụng bột chu. Bột chu có tính ăn mòn. Lớp phủ bên trên đó chính là màu thời gian, nó giúp cho sơn mài cổ kính hơn… Bột chu đã làm ảnh hưởng tới phần bề mặt này…”.
Tìm phương án bảo vệ và phục chế
Tại cuộc họp hội đồng khoa học mở rộng do Sở VH-TT TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa tổ chức, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người học trò thân tín nhất của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, đề nghị: “Ánh sáng trưng bày chưa phù hợp, vì vậy giải pháp đơn giản nhất là điều chỉnh lại và theo dõi một thời gian. Nếu còn vướng mắc thì có phương án khác là giải quyết cho màu trắng của trứng chìm xuống, có thể thêm vàng một vài chi tiết cho tranh cân bằng lại. Nên theo dõi một thời gian thấy chưa ổn thì mới thực hiện giải pháp tiếp theo. Kiên trì để ít nhất 10 - 15 năm tranh sẽ bình thường trở lại”.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín đề nghị bảo tàng nên làm rào chắn, không để khách đến quá gần bức tranh có thể đụng chạm gây hư hại cho tranh. Anh cũng cho rằng ánh đèn chiếu không nên dùng ánh sáng trực tiếp vì sẽ làm dậy son lên, mất ánh vàng của bức tranh.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười đề nghị, khi tiến hành phục chế tranh, cần mời thêm những người từng đi mua bức tranh trước đây về cùng tham gia vào hội đồng. “Ngoài ra, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng nên mời cơ quan phục chế tranh của Bảo tàng VN - đơn vị này có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phục chế cùng phối hợp thực hiện, để bảo vật quốc gia Vườn Xuân Trung Nam Bắc được gìn giữ một cách tốt nhất cho muôn đời sau, chứ không nên bó hẹp trong một số quá ít thành viên”, ông Mười nói.
Bình luận (0)