Khẩn cấp hỗ trợ Đà Nẵng vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19

31/07/2020 07:42 GMT+7

Trước tình trạng liên tục gia tăng ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng , Bộ Y tế khẩn trương xuất cấp hỗ vật tư chống dịch . Các đơn vị điều trị sẵn sàng tiếp nhận ca bệnh nặng từ Đà Nẵng.

Bộ Y tế sáng 31.7 cho biết, GS - TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đã ký quyết định xuất cấp vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Ngay hôm nay, sẽ có 3.500 khẩu trang y tế các loại, 200 bộ quần áo phòng hộ chống dịch và 300 chai cồn sát khuẩn tay tăng cường cho Đà Nẵng.
Trước đó, Bộ Y tế đã tăng cường máy thở, thuốc điều trị, thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm đến Đà Nẵng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Viện Pauster TP.HCM cũng đã đưa lực lượng đến Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm. Bệnh viện của Bộ Công an cũng lập labo xét nghiệm và Bộ Quốc phòng cũng hỗ trợ Đà Nẵng bằng việc đưa labo xét nghiệm di động đến. Năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 của Đà Nẵng đã được nâng lên rất nhiều, hiện đạt hơn 7.000 mẫu mỗi ngày.
“Tinh thần là thực hiện nhanh nhất xét nghiệm trên diện rộng cho Đà Nẵng", GS Long nhấn mạnh.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng ngày 31/7: Kỷ lục thêm 45 ca bệnh mới ở Đà Nẵng

"Chia lửa" điều trị

GS Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, cùng với hỗ trợ về nhân lực, vật lực, xét nghiệm, Bộ Y tế đã triển khai việc phân luồng chuyển bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng, có bệnh lý nền từ Bệnh viện Đà Nẵng ra điều trị ở Bệnh viện T.Ư Huế nhằm “chia lửa” cho Đà Nẵng,
Theo đó, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện T.Ư Huế sắp xếp phân luồng bệnh nhân tại cơ sở 2 về cơ sở 1, dành cơ sở 2 để tập trung hỗ trợ điều trị bệnh nhân cho Đà Nẵng.
Hiện đã có một số bệnh nhân Covid-19 nặng, kèm bệnh lý nền như ung thư, tim mạch, suy thận mạn... đã được chuyển ra Bệnh viện T.Ư Huế điều trị.
Bệnh viện C Đà Nẵng đang điều trị 2 bệnh nhân Covid-19, là bệnh nhân 420 và bệnh nhân 445. Trong đó, bệnh nhân 420 có tiến triển tốt hơn, không còn cảm giác khô miệng, vận động tay chân bình thường, thông khí phổi tốt.

Bộ Y tế thành lập "Bộ chỉ huy tiền phương" chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng

Một số bệnh nhân Covid-19 nặng tại Đà Nẵng sẽ được chuyển tới Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2 và một số bệnh viện khác

ẢNH BỘ Y TẾ CUNG CẤP

TS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết tại bệnh viện này đang điều trị cho 19 bệnh nhân, trong đó 2 ca nặng phải sử dụng ECMO, 2 bệnh nhân thở máy. Đáng lưu ý, bệnh nhân 428 suy thận nặng, thở máy, vừa hồi sức cấp cứu tích cực, hiện các thông số tạm ổn định.
Bệnh viện Hoàn Mỹ báo cáo có 1 bệnh nhân nặng phải thở máy, đề nghị chuyển đến Bệnh viện T.Ư Huế.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, GS Nguyễn Quang Tuấn, hiện đang cùng đoàn bác sĩ trực tiếp hỗ trợ điều trị cho Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam, cho biết về cơ sở vật chất, bệnh viện này có thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, nhưng nhân lực và trang thiết bị bệnh viện còn thiếu nhiều.
GS Tuấn đề nghị Bộ Y tế bổ sung nhân lực (bác sĩ, điều dưỡng) về hồi sức tích cực cho Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam.
Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, GS - TS Nguyễn Như Hiệp, cho biết bệnh nhân 438 từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến, hiện đã có tiến triển tốt hơn rất nhiều, không phải nằm hồi sức tích cực.
Bệnh viện này cũng đang chuẩn bị tiếp nhận thêm các ca bệnh từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và chuẩn bị khu tiếp nhận bệnh nhân nặng.
Về công tác xét nghiệm, do nhu cầu xét nghiệm quá lớn, các Bệnh viện Đà Nẵng và Quảng Nam đề nghị bổ sung 20 máy xét nghiệm.

Bản tin Covid-19 ngày 30.7: Thêm nhiều tỉnh, thành cách ly xã hội

Theo PGS - TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các bệnh nhân mắc Covid-19, hiện có 2 bệnh nhân phải chạy ECMO - tim phổi nhân tạo gồm: bệnh nhân 437 và 416. Cả hai đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.
Trong đó, bệnh nhân 437 (61 tuổi) ở Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng diễn tiến rất nặng, tiên lượng xấu. Bệnh nhân có nhiều bệnh nền: tăng huyết áp, gút, tim, từng bị phù phổi cấp, suy thận đã chạy thận 2 năm nay, có đợt rung nhĩ, đã có những tổn thương nặng do phù phổi cấp, phải chạy ECMO và thở máy.
Các thầy thuốc đang tập trung điều trị về đa kháng thuốc, lọc thận, chống nấm, chống đông máu và các biện pháp cận lâm sàng khác, theo dõi sát bệnh nhân từng giờ. Bệnh nhân 437 hiện tiên lượng dè dặt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.