Năm nào cũng cháy
Hai ngày sau khi xảy ra vụ cháy làm thiêu rụi hoàn toàn nhà tổ của di tích quốc gia chùa Tĩnh Lâu (Tây Hồ, Hà Nội), nguyên nhân cháy vẫn chưa được công bố. Sự việc này khiến nhiều người lo lắng, liệu với thời tiết hanh khô và gió lớn, sau Tĩnh Lâu có thể di tích nào đó sẽ làm mồi cho bà hỏa. Bởi hầu như năm nào cũng xảy ra cháy lớn ở các di tích quốc gia.
Tháng 8.2015, di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp, Bắc Ninh cháy tại gian Phủ Thờ. Chiếc hương án được đánh giá là một trong những hương án đẹp nhất VN đã bị cháy rụi hoàn toàn. Một hiện vật gỗ có tuổi đời 300 năm như thế là rất hiếm.
Tháng 7.2014, di tích lịch sử kiến trúc - đền Nhạn Tháp, Nghệ An cũng cháy lớn. Khi lửa tàn, toàn bộ hậu cung bị lửa thiêu rụi, mái ngói đổ sập, đồ thờ tự cũng hư hại nặng.
Tháng 7.2013, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia - chùa Hội Sơn, TP.HCM cũng bị bà hỏa ghé thăm. Chính điện, hậu cung, tượng gỗ quý, hoành phi do vua Khải Định ban tặng bỗng chốc thành than. Chỉ 5 tháng sau, đền thờ Trung túc vương Lê Lai thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thanh Hóa cũng bốc cháy dữ dội.
Tháng 8.2012, chùa cổ Tắc Gồng - ngôi chùa được cho là cổ nhất tỉnh Sóc Trăng cháy. Nhiều bức hoa văn trong chùa bị biến dạng. Cũng năm đó, phố cổ Hội An cũng có hai đám cháy lớn trong khu vực di tích.
Tháng 1.2011, chùa Tảo Sách (Hà Nội) - Di tích lịch sử quốc gia - cũng cháy, lửa thiêu toàn bộ gian Tam bảo. Trước đó, năm 2007 chùa Dơi (Sóc Trăng), di tích quốc gia trên 400 năm tuổi, bị cháy. Tượng Phật chính của chùa cũng cháy sém, tượng đất nung nổ tan, mái ngói sụp xuống. Đàn dơi quý ở đây cũng hoảng loạn.
|
Cần tổng kiểm tra lửa và điện
“Nếu nhìn lại các vụ cháy di tích sẽ thấy nguyên nhân thường là do hương, nến và điện...”, KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nói. Theo ông Vinh, hương và nến là nguồn gây cháy chủ yếu. Tuy lửa từ hương và nến nhỏ, nhưng không có người túc trực sau khi thắp, và khoảng cách từ hương, nến xuống bàn gỗ lại rất gần. Ngoài ra còn thêm yếu tố vàng mã, vải là đồ dễ cháy. Một số nơi sử dụng hương điện nhưng nếu hệ thống điện được lắp đặt một cách tùy tiện, sơ sài thì cũng rất dễ gây cháy nổ. Bên cạnh đó, bát hương hóa cũng là nguy cơ gây cháy cao.
KTS Đỗ Vũ Lợi, Viện Nghiên cứu kiến trúc, cũng lưu ý đến sự nguy hiểm từ các đường dây điện trong các di tích. “Điện ở di tích thường được lắp một cách tùy tiện”, ông nói. Chính vì lắp thêm tùy tiện nên sức tải của đường điện ở nhiều di tích không được tính đầy đủ và nguy cơ quá tải cao. “Chưa kể, nếu tự bắt thì có nhiều loại dây không đồng bộ với nhau dễ gây chập ở các mối nối hoặc khi quá tải”, ông Lợi phân tích. Nhìn lại, vụ cháy chùa Dơi, Sóc Trăng được cho là do ngọn nến nặng 10 kg thắp suốt đêm bị đổ nên cháy lan ra rồi bùng phát cháy to khi bén vào vải màn. Vụ cháy chùa Hội Sơn, TP.HCM lại được xác định nguyên nhân do chập điện.
Nguy cơ cũng đến từ việc thiếu quy định cụ thể cho phòng chống cháy nổ tại từng di tích. Còn nhớ, sau vụ cháy ở chùa Hội Sơn, TP.HCM, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo khi đó đã yêu cầu toàn bộ cơ sở Phật giáo trong thành phố khi nào cúng xong phải tắt nến, và tuyên truyền để phật tử cảm thông vì nến dễ đổ gây cháy. “Thực ra, các vụ cháy bắt nguồn từ người sử dụng rất nhiều. Vì thế cần phải quy định cụ thể đến từng việc nhỏ để hướng dẫn người ta làm theo”, ông Vinh nói.
PGS-TS Trang Thanh Hiền lại nhấn mạnh vào việc nên chủ động đưa hương nhang ra ngoài sân di tích và cũng hạn chế đốt nhang. “Nhiều nơi đã đưa hương ra sân để tránh nguy cơ cháy. Làm thế là hợp lý vì hương nhang sẽ không làm đen tượng lại tránh được nguy cơ cháy”, bà Hiền nói.
Bình luận (0)