Lăng kính bạn đọc:

Khẩn cấp xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc

24/01/2024 06:46 GMT+7

Trước tình trạng nhiều tuyến cao tốc đang thiếu trạm dừng nghỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông, nhiều ý kiến đề nghị ngành chức năng sớm khắc phục tình trạng này.

Như Thanh Niên thông tin, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe đã nối liền dải cao tốc hoàn chỉnh từ TP.HCM đến vựa nông sản ĐBSCL với tổng quãng đường khoảng 135 km, rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ đồng hồ, thay vì 4 giờ như trước. Đáng nói, tuyến cao tốc huyết mạch đi miền Tây tuy đã nối thông nhưng cả 3 đoạn vẫn chỉ "dùng chung" 1 trạm dừng chân trên tuyến TP.HCM - Trung Lương, được đặt tại Km 28+200 (H.Thủ Thừa, Long An). Trạm dừng chân này trước cũng phải chờ tới 7 năm sau khi cao tốc TP.HCM - Trung Lương khánh thành mới được đưa vào khai thác, năm 2016. Trong suốt 7 năm đó, không ít tài xế đã phải bất khả kháng cho xe rẽ xuống các nút giao để hành khách giải quyết nhu cầu cá nhân, rồi quay đầu trở lại cao tốc.

Khẩn cấp xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc- Ảnh 1.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới khánh thành cũng không có trạm dừng nghỉ

Nam Long

Đến tháng 4.2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, chạy qua địa phận tỉnh Tiền Giang, được đưa vào sử dụng mang theo hy vọng một trạm dừng mới được hình thành. Song, tuyến này cũng không có làn dừng khẩn cấp, không có trạm dừng nghỉ do dự án được đầu tư phân kỳ, trong giai đoạn 1 chưa bao gồm những hạng mục này.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự khi các tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào khai thác nhưng không có nơi dừng chân, phải dùng "ké" trạm dừng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Thông xe cùng ngày với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Tuyên Quang - Phú Thọ cũng vừa không có trạm dừng nghỉ, vừa không có làn dừng khẩn cấp liên tục.

Bộ trưởng GTVT cam kết 'xóa trắng' trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Đi cao tốc như cực hình

Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên chia sẻ họ bị ám ảnh khi chạy xe cả trăm cây số trên cao tốc nhưng tuyệt nhiên không có nhà vệ sinh hay trạm dừng nghỉ nào. "Người lớn còn có thể cố chịu đựng, chứ người già và trẻ em thì thật sự bất lực khi có nhu cầu mà đang đi trên cao tốc. Đây giống như một cực hình", BĐ Trực Ngôn bức xúc.

Tương tự, BĐ Duy Mạnh thẳng thắn: "Vẽ cả một dự án cao tốc nhưng quên trạm dừng nghỉ. Họ không nghĩ đến hay họ chưa đi ô tô trên cao tốc bao giờ?".

Còn BĐ V.S viết: "Ai vẽ thiết kế cao tốc mà chỉ biết vẽ đường chứ không tính toán được nhu cầu đi cao tốc bao nhiêu cây số phải có làn khẩn cấp và trạm dừng nghỉ à?".

"Mời thầu ngay khi khởi công thì khi đưa vào khai thác sẽ đồng bộ thôi. Hãy thử tưởng tượng hàng chục ngàn con người xả thải bừa bãi dọc theo taluy cao tốc thì còn gì là môi trường chưa kể mất an toàn khi dừng đỗ", BĐ Khac Hung ý kiến.

Đừng để cả năm nữa mới có các trạm dừng

Bộ GTVT cho biết những bất cập về hệ thống đường cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ, thiếu làn dừng khẩn cấp đã được Bộ nhận diện và quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể. "Hiện các đơn vị đã tổ chức mời thầu, đấu thầu rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sau khi đóng hồ sơ, các đơn vị sẽ tổ chức chấm thầu, công bố nhà đầu tư trúng thầu, sau đó triển khai. Dự kiến đến quý 2 các công trình sẽ có thể khởi công. Do quy mô các trạm lớn, có trạm dừng nghỉ lên tới hơn 10 ha nên thời gian thi công có thể kéo dài từ 1 đến 1 năm rưỡi", đại diện Bộ GTVT thông tin thêm.

Tuy nhiên, BĐ Duy Minh cho rằng "cấp quản lý đề ra thời gian hoàn thành 1 trạm dừng chân từ 1 năm là rất vô lý, trong khi không hề có một yêu cầu công nghệ kỹ thuật cao siêu nào để thi công 1 trạm dừng chân". "Với trạm dừng chân trên đường cao tốc, hãy xác định nhu cầu khẩn cấp là chỗ đỗ xe, nơi ăn uống, nơi vệ sinh, hãy đặt chúng thành mục tiêu hàng đầu của gói thầu. Những công năng khác như chỗ sửa xe, rửa xe, chỗ nghỉ... hãy đặt chúng vào mục tiêu tiếp theo. Nếu cách thực hiện gói thầu như vậy thì chỉ cần không quá 6 tháng chúng ta sẽ có trạm dừng chân phục vụ nhu cầu cấp bách của hành khách và lái xe. Đừng để sau hàng năm nữa mới có các trạm dừng chân trên các đường cao tốc", BĐ này phân tích thêm.

Trong khi đó, BĐ Minh Lam đề nghị: "Để khắc phục không có trạm dừng chân, có thể tận dụng các lối thoát (exit) để các xe thoát khỏi cao tốc dừng nghỉ rồi vòng vào lại đi tiếp. Đối với các cao tốc đã có trạm thu phí tại lối ra nên xem xét có chỗ dừng nghỉ cho các phương tiện và chỗ quay đầu cho các phương tiện có thể quay đầu vào cao tốc để đi tiếp mà không phải qua trạm thu phí".

"Cần khẩn cấp "xóa trắng" trạm dừng nghỉ một cách nhanh nhất trên tất cả cao tốc đã đưa vào hoạt động. Đồng thời các trạm dừng nghỉ phải được quy hoạch luôn cả trạm xăng, trạm sạc xe điện... đối với các cao tốc đang triển khai cũng như sẽ được triển khai sau này. Có như thế mới đồng bộ không chắp vá như hiện nay", BĐ Mạnh Tú ý kiến.

Không thể tưởng tượng nổi cao tốc dài cả trăm cây số mà chả có cái nhà vệ sinh, trạm xăng nào.

Trần Dương

Việc không có trạm dừng nghỉ cũng tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông vì quá trình di chuyển tài xế mệt mỏi cần chỗ nghỉ ngơi mà không có nên dễ dẫn đến sai sót khi vận hành xe.

Việt Hiền

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc là nhu cầu thiết yếu về an toàn cho phương tiện, lái xe và hành khách. Có trạm dừng nghỉ, lái xe và khách được giải lao, hồi phục sức khỏe, phương tiện được kiểm tra nhiên liệu, lốp xe và kiểm tra an toàn chung...

T.Trai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.