Phim Hoa sữa về trong gió là câu chuyện gia đình quen thuộc nhưng mới mẻ được khai thác đầy chiều sâu. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của gia đình bà Trúc (NSƯT Thanh Quý) và hai người con là Hiếu (NSƯT Bá Anh) và Thuận (Huyền Sâm). Đạo diễn Bùi Tiến Huy đã đưa những câu chuyện đời thường được kể lại một cách đầy tinh tế, đem đến cho khán giả không chỉ sự đồng cảm mà còn là những suy ngẫm sâu sắc về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại.
Khai thác chủ đề gia đình, một đề tài mà không ít người cho rằng đã trở nên nhàm chán và không còn hấp dẫn trong bối cảnh của những bộ phim hiện đại đầy kịch tính, chính là điểm nhấn của Hoa sữa về trong gió.
Bộ phim đã vượt qua được sự rập khuôn nhờ cách tiếp cận mới lạ, không chỉ xoay quanh những mâu thuẫn gia đình thông thường mà còn khám phá sự hòa hợp giữa các thế hệ thông qua những chi tiết tinh tế, nhẹ nhàng.
Nhân vật trung tâm, bà Trúc, hiện lên với hình ảnh của một người mẹ, người bà tần tảo, hết lòng vì con cháu. Ở tuổi 70, bà vẫn lo toan, chăm sóc cho gia đình con trai, con gái và cháu nội. Đây là hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt Nam, khi người phụ nữ được xem là trụ cột tình cảm của gia đình.
Tuy nhiên, cách bà Trúc đối xử với con dâu Linh (Thanh Hương) lại là một điểm đột phá. Thay vì những mâu thuẫn thường thấy giữa mẹ chồng và nàng dâu trong nhiều bộ phim Việt, thì Hoa sữa về trong gió chọn cách thể hiện mối quan hệ đầy thấu hiểu và yêu thương.
Linh, người con dâu không chỉ làm tròn trách nhiệm của mình trong gia đình mà còn chăm lo chu đáo cho mẹ chồng, thậm chí tinh tế nhận ra và lo lắng từng chút một cho sức khỏe của bà Trúc. Sự thay đổi này trong cách kể chuyện không chỉ tạo nên sự mới mẻ mà còn giúp khán giả cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái.
Nếu phim tiếp tục khai thác những mâu thuẫn "kinh điển" như mẹ chồng - nàng dâu hoặc con cái tranh cãi với cha mẹ, có lẽ nó sẽ dễ dàng gây chú ý qua các đoạn "cut" ngắn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận khác của đạo diễn Bùi Tiến Huy đã khiến bộ phim trở nên khác biệt, khi tập trung vào những tình cảm chân thành và giản dị trong gia đình.
Hoa sữa về trong gió phản ánh những vấn đề thực tế mà nhiều gia đình Việt Nam đang đối mặt như việc cha mẹ áp đặt ước mơ lên con cái. Trong phim, nhân vật Trang bị bố ép buộc phải theo đuổi con đường mà họ cho là ổn định, mặc cho bản thân cô không cảm thấy hạnh phúc. Đây là một vấn đề mà nhiều gia đình hiện đại gặp phải, đặc biệt là khi các bậc phụ huynh thuộc thế hệ trước vẫn mang nặng tư tưởng về sự an toàn, ổn định trong sự nghiệp, trong khi thế hệ trẻ Gen Z lại khát khao tìm kiếm sự tự do và đam mê cá nhân.
Cách bộ phim mô tả những xung đột này một cách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc đã tạo nên một sợi dây kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khán giả, đặc biệt là những gia đình có con trẻ đang trưởng thành. Những tình huống tương tự cũng diễn ra với Phương (Chu Diệp Anh) - cháu gái của bà Trúc, người bị mẹ mình liên tục thúc ép học hành để trở nên "toàn năng".
Bộ phim phản ánh hiện thực các bậc cha mẹ đặt kỳ vọng quá cao lên con cái, đôi khi không để ý đến những mong muốn thực sự của chúng. Điều này không chỉ tạo nên những mâu thuẫn gia đình mà còn làm nổi bật sự khác biệt trong cách nhìn nhận về cuộc sống giữa các thế hệ.
Hoa sữa về trong gió còn gây ấn tượng bởi khung cảnh bình dị và thơ mộng của Hà Nội. Nhịp phim chậm rãi, từng chi tiết được chăm chút kỹ lưỡng, giúp khán giả có thời gian để cảm nhận sâu hơn về từng khoảnh khắc của cuộc sống gia đình.
Với những yếu tố mới mẻ trên có thể thấy Hoa sữa về trong gió không phải là bộ phim chạy theo trào lưu hay cố gắng tạo nên những tình huống giật gân để thu hút người xem. Thay vào đó, nó nhẹ nhàng đưa khán giả đi qua những câu chuyện đời thường, đầy cảm xúc về tình cảm gia đình, sự khác biệt giữa các thế hệ và những giá trị cốt lõi vẫn còn vẹn nguyên giữa cuộc sống hiện đại.
Mọi ý kiến, bài viết bình luận về phim Việt, độc giả có thể gửi về địa chỉ email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Bình luận (0)