Trong bài viết: "Khán giả bình phim Việt: Nút mở ân oán 'Trạm cứu hộ trái tim' như trò đùa" đăng trên Thanh Niên Online có chỉ ra tình tiết nhảm nhí mà biên kịch "vẽ" ra để tạo nên mối hận thù của An Nhiên đối với bà Hạ Lan và Ngân Hà. Theo tôi đây chỉ là một trong những "hạt sạn" mà thôi. Bởi nếu theo dõi phim từ những tập đầu, có thể thấy trong Trạm cứu hộ trái tim những tình huống gây xung đột và giải quyết xung đột rất vớ vẩn, như kiểu "từ trên trời rơi xuống", không đủ sức thuyết phục người xem.
Chẳng hạn như bà Hạ Lan, mấy chục năm sống cay nghiệt, tẩy chay con gái chỉ vì Ngân Hà năm ấy 12 tuổi không đánh ghen cùng bà mà níu tay bà lại, cản mẹ đánh ghen rồi bà Hạ Lan tự ngã cầu thang dẫn đến đôi chân bị tật nguyền. Vậy mà người mẹ ấy đã nuôi thù hận rồi xem con như kẻ thù. Lý do cho sự căm ghét này dường như quá nhỏ bé và thiếu logic, khiến cho hành động của bà Hạ Lan trở nên quá đà và khó hiểu hoặc với nhân vật Nghĩa, vì nghĩ rằng ông Trường gây ra cái chết cho bố mình mà ôm mối thù ấy, quyết tâm bắt gia đình ông Trường phải trả giá. Thậm chí biến người vợ đầu ấp tay gối của mình thành con cờ để trả thù mặc dù chưa rõ nguyên nhân cho đến gần đây ông Trường mới xác nhận là bản thân ông cảm thấy có trách nhiệm trong cái chết của bố Nghĩa. Như vậy là nguyên nhân quyết tâm trả thù nhà Ngân Hà của Nghĩa thiếu đi sự minh bạch và logic trong hành động của anh ta.
Phim Trạm cứu hộ trái tim đã khiến công chúng quan tâm khi lên sóng, song sự nổi bật của bộ phim không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cho chất lượng chuyên môn. Trên thực tế, việc giải quyết xung đột trong phim Việt Nam nói chung và Trạm cứu hộ trái tim đang gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề liên quan đến trình độ của các biên kịch và những tác phẩm thiếu logic ngày càng xuất hiện nhiều.
Trong ngành điện ảnh, giải quyết xung đột là yếu tố quan trọng quyết định đến sự hấp dẫn và thuyết phục của tác phẩm. Tuy nhiên, nhiều phim Việt Nam, trong đó có Trạm cứu hộ trái tim, theo tôi biết đã ít nhiều bị chỉ trích vì sự đơn giản và thiếu logic trong cách giải quyết các tình huống xung đột. Những tình tiết quá đơn giản, dàn dựng không thực tế, và các pha giải quyết dường như "cho có" đã khiến cho câu chuyện phim trở nên nhạt nhòa và thiếu thuyết phục. Khi xây dựng nội dung phim cần phải đi sâu vào tâm lý nhân vật, đặt các nhân vật vào các tình huống đầy thử thách và đối đầu, từ đó tạo nên sự căng thẳng và hấp dẫn cho người xem. Thay vì như vậy thì nhiều bộ phim Việt hiện nay dường như chỉ tập trung vào việc "cắt cúp" những tình tiết cảm động, tạo kịch tính mà thiếu đi sự kết nối logic và nhân văn giữa các tình huống.
Biên kịch của phim Trạm cứu hộ trái tim đã cố gắng đưa ra những xung đột phức tạp giữa các nhân vật nhằm tạo nên sự căng thẳng và hấp dẫn cho câu chuyện. Tuy nhiên, việc lựa chọn và giải quyết các lý do gây xung đột lại khiến cho khán giả như tôi cảm thấy không thực tế và khó để đồng cảm. Việc biên kịch đưa ra những xung đột có thể tạo ra sự kích thích tạm thời trong câu chuyện, nhưng để thuyết phục người xem, những xung đột này cần phải có tính logic và hợp lý hơn. Điều này giúp cho khán giả có thể cảm nhận và hiểu rõ hơn về những động cơ và hành động của các nhân vật, từ đó tăng tính thuyết phục và sự hấp dẫn của phim.
Mọi ý kiến, bài viết bình luận về phim Việt, độc giả có thể gửi về địa chỉ email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Bình luận (0)