Khán giả đầy kín khán phòng, ngồi chật cả lối đi xem tác phẩm xây dựng trên kịch bản của Lưu Quang Vũ.
Dù tác phẩm đã được viết cách đây 30 năm nhưng câu chuyện trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổi Trẻ, tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Nguyễn Sĩ Tiến) lại thể hiện rõ tính thời sự của ngày hôm nay, khi mà cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ, cuộc sống hiện đại cuốn con người vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, đôi khi làm đánh mất những bản chất tốt đẹp trong con người mình, hay quên đi sự quan tâm với những người thân yêu.
Hoàng - một nhà sáng chế khoa học tài ba (do Chí Huy thể hiện), vì giận hai người bạn của mình là họa sĩ Vân (Thanh Sơn đóng) và cô giáo Liên (Thu Quỳnh đóng) - đã quyết định chế tạo ra hai người máy có ngoại hình giống hệt họ nhưng lại có phẩm chất, trí tuệ và tình cảm hoàn hảo hơn người thật. Hoàng mong mỏi hai người máy ấy sẽ không phụ tình cảm của mình.
Thế nhưng, cho dù Hoàng đã cố tình chia cắt Vân và Liên trong phiên bản người máy thì cuối cùng họ vẫn đến với nhau và trốn chạy khỏi phòng thí nghiệm. Những phẩm chất tốt đẹp mà họ đang có khiến họ lạc lõng giữa thế giới loài người thật sự. Họ đã nhìn thấy phiên bản thật của mình, một họa sĩ Vân luôn bứt rứt về một tác phẩm để đời; một cô giáo Liên luôn loay hoay trong cuộc sống đời thường...
Hai người máy Vân và Liên rõ ràng là những “cái tôi” tốt đẹp đáng mơ ước trong mỗi con người chúng ta. Nhưng những cái hoàn hảo ấy chẳng lẽ mãi không có trong đời thực khi hai người máy ấy rồi cũng sẽ chìm sâu xuống đầm lầy lúc đi tìm hái những bông hoa cúc xanh - hình tượng về cái đẹp trong cuộc đời... Hoàng ray rứt: “Mùa này có hoa cúc xanh không, liệu tôi có thể hái được những bông cúc xanh để tặng cho bạn tôi mà không bị lún xuống đầm lầy kia không? Dứt khoát, phải hiện hữu đâu đó ngoài đầm lầy kia chứ, cũng giống như trong trái tim của chúng ta, những điều tốt đẹp dứt khoát phải còn hiện hữu...”.
Phong cách dàn dựng hiện đại
Đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến cho biết: “So với kịch bản gốc, câu chuyện trong vở đã được biên tập lại để hiện đại hơn, với không gian, thời gian, địa điểm không bị mặc định ở một chỗ nào cả, từ trong nhà hay ngoài đường, không gian ấy sẽ làm khán giả tưởng tượng nhiều hơn...”. Với cách dàn dựng mới này, vở đã dễ dàng chinh phục khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, khi câu chuyện trong kịch bản gốc vốn xảy ra từ thời bao cấp nhưng lại diễn biến trên sân khấu một cách rất hiện đại như mới xảy ra hôm nay.
Các diễn viên trẻ của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã hoàn thành tốt vai diễn khi thể hiện tính cách các nhân vật một cách tự nhiên, trẻ trung. Đặc biệt, Thanh Sơn và Thu Quỳnh đã tạo sự thú vị cho người xem khi cùng lúc thể hiện hai vai nhưng đã rất khéo chuyển đổi tính cách liên tục giữa Vân - Liên người máy và Vân - Liên người thật. Thiết kế sân khấu của vở cũng rất ấn tượng khi được NSƯT Doãn Bằng tạo nên như một phòng thí nghiệm, và khi những bông hoa cúc xanh xuất hiện lung linh trong những buồng chế tạo người máy vào cuối vở, thiết kế sân khấu đó đã góp phần không nhỏ giúp vở chuyển tải những thông điệp muốn gửi gắm.
Những tràng pháo tay vang lên không dứt, khán giả lưu luyến không muốn rời khán phòng Nhà hát Quân đội TP.HCM sau khi vở diễn kết thúc... Phải chăng, thông điệp về cuộc đời, về hạnh phúc từ những bông hoa cúc xanh sẽ vẫn còn mãi để chúng ta sống cuộc đời này tốt đẹp hơn...
Trao huy chương vàng cho 4 vở diễn
Tối 25.4, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018 diễn ra lễ bế mạc và trao giải tại Nhà hát Quân đội TP.HCM. Ban tổ chức đã trao 4 huy chương vàng (HCV) cho các vở diễn: Tiếng giày đêm (Công ty TNHH giải trí Hero Film; tác giả: Lê Chí Trung; đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc), Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổi Trẻ; tác giả: Lưu Quang Vũ; đạo diễn: Nguyễn Sĩ Tiến), Bão tố Trường Sơn (Nhà hát Kịch VN; tác giả: Trương Minh Phương; đạo diễn: NSND Anh Tú), Vùng lạnh (Nhà hát Kịch Hà Nội; tác giả: Xuân Đức; đạo diễn: NSND Hoàng Tiến Dũng).
Ngoài ra, liên hoan cũng trao tặng huy chương bạc cho 6 vở diễn, 39 HCV cho các diễn viên xuất sắc... Giải Tác giả xuất sắc được trao cho Lê Chí Trung (vở Tiếng giày đêm), Đạo diễn xuất sắc là NSƯT Trần Minh Ngọc (vở Tiếng giày đêm), Nhạc sĩ xuất sắc cho Đức Trịnh (vở Khi con tốt sang sông), Họa sĩ xuất sắc cho NSƯT Lê Sơn (vở Bão tố Trường Sơn), Đạo diễn trẻ xuất sắc cho Lê Đăng Khoa (vở Hiu hiu gió bấc).
|
Bình luận (0)