Khan hiếm điện thoại 4G phím bấm trước giờ G

06/09/2024 05:55 GMT+7

Thời hạn các nhà mạng viễn thông trong nước tắt sóng 2G cũng như không hỗ trợ các thiết bị chỉ sử dụng công nghệ 2G Only đang đến gần. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu đổi sang điện thoại 4G phím bấm vẫn rất cao khiến nguồn cung dòng điện thoại này khan hiếm.

Nhộn nhịp chợ mạng

Càng gần sát ngày tắt sóng 2G, các dòng điện thoại phím bấm 4G được rao bán càng nhộn nhịp hơn trước. "Ở đây có điện thoại "cục gạch" Inteli chuẩn 4G, màn hình to, loa to, phím to, chức năng đầy đủ, pin chờ lên đến 10 ngày, bảo hành 6 tháng", Kim Yến, một chủ shop chuyên kinh doanh điện thoại, rao bán.

Khan hiếm điện thoại 4G phím bấm trước giờ G- Ảnh 1.

Điện thoại 4G phím bấm đang được rao bán nhộn nhịp trên mạng

ẢNH: CTV

Lướt một vòng quanh chợ mạng ở thời điểm hiện tại, hàng chục shop online rao bán đủ loại điện thoại phím bấm của các hãng Nokia, Viettel… Nhiều chủ shop cho biết: "Giá điện thoại 4G phím bấm hiện nay đã giảm nhiệt rồi, còn khoảng 300.000 - 400.000 đồng/cái tùy số lượng. Chọn mua điện thoại 4G phím bấm chủ yếu là người cao tuổi không quen sử dụng smartphone, hoặc nhu cầu dùng thêm 1 điện thoại có pin "trâu" để làm điện thoại phụ".

Chị Lê Thảo Nhi, chủ shop chuyên bán điện thoại và phụ kiện tại Q.10 (TP.HCM), cho biết: "Mặc dù giá không còn bị đẩy cao như trước nhưng nguồn hàng vẫn khan hiếm, nhiều cửa hàng còn phải đi tìm nơi cung cấp để mua đi bán lại kiếm lời. Nếu chọn đúng shop uy tín thì không sao, nhưng chọn nhầm các trang lừa đảo thì có khi nhận được điện thoại cũ".

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, do nguồn hàng điện thoại 2G Only ngừng nhập khẩu từ năm trước nên thị trường hiện nay cũng không có cửa hàng nào phân phối dòng điện thoại "cục gạch" này, chỉ còn mua bán trao đổi qua các hội nhóm trên mạng xã hội.

Tại các hệ thống phân phối thiết bị di động, tình trạng khan hiếm điện thoại 4G phím bấm vẫn tiếp diễn. Ông Trần Đức Tín, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động, Công ty CP Thế Giới Di Động, nhìn nhận: "Với việc tắt sóng 2G sắp đến gần, nhu cầu người dân mua điện thoại phím bấm 4G rất cao và hệ thống vẫn thiếu hàng để cung cấp. Tháng 8 vừa qua, hệ thống đã bán ra khoảng 500.000 máy điện thoại này và dự kiến trong tháng 9 số lượng bán ra sẽ tiếp tục ở mức từ 350.000 - 500.000 máy".

Khan hiếm điện thoại 4G phím bấm trước giờ G- Ảnh 2.

Điện thoại 4G phím bấm đang được rao bán nhộn nhịp trên mạng

ẢNH: CTV

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc thương mại Hệ thống FPT Shop, xác nhận: "Chúng tôi đã dừng kinh doanh sản phẩm 2G từ 6 tháng trước. Các sản phẩm hiện tại đều là các sản phẩm có tích hợp sẵn 4G trở lên (kể cả các dòng sản phẩm features phone - đều đã được trang bị 4G). Với việc tăng đột ngột từ nhu cầu đổi 2G sang 4G nên việc thiếu hàng đã diễn ra cục bộ, điện thoại 4G có phím bấm tăng mạnh gấp 7 lần so với tháng trước, các điện thoại smartphone giá rẻ (tầm giá chỉ khoảng 2 triệu đồng) cũng tăng trưởng 30 - 50% và chắc chắn sẽ còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng nhóm smartphone giá rẻ này trong thời gian tới. Với sự chuẩn bị từ trước và là đối tác lớn, FPT Shop sẽ cung ứng đến thị trường ngay trong tuần này từ 10.000 - 20.000 máy điện thoại 4G phím bấm để phục vụ nhu cầu".

Đại diện hệ thống CellphoneS ghi nhận nhu cầu mua điện thoại 4G của khách hàng tiếp tục bùng nổ và nhóm điện thoại phím bấm 4G vẫn là lựa chọn chính của khách hàng tại hệ thống. Trong tháng 8, nhóm sản phẩm này bán ra đã tăng gấp 5 lần so với trước, hiện hàng tồn kho trên hệ thống chỉ còn đủ 1 tuần bán hàng. Dự kiến, dòng điện thoại phím bấm 4G sẽ có hàng về thêm trong đầu tháng 9 và tháng 10.

Hàng về chậm nhưng sẽ không thiếu

Theo đại diện FPT Shop, nhu cầu mua điện thoại 4G phím bấm tăng lên, nhưng cũng có nhiều người chuyển đổi sang dòng smartphone giá rẻ. "Chúng tôi đã chuẩn bị cả năm qua cho chương trình trợ giá để khách hàng dễ dàng lên đời điện thoại, sở hữu smartphone mới với giá chỉ từ 2,49 triệu đồng. Chương trình đang được đón nhận tích cực từ cửa hàng khi ghi nhận doanh số tăng 1,5 lần mỗi tháng".

Từ đầu tháng 9, Tổng công ty viễn thông Viettel cũng đã hỗ trợ chuyển đổi lên 4G miễn phí cho khách hàng sử dụng máy 2G. Theo đó, Viettel Telecom sẽ tặng máy điện thoại phím bấm 4G cho khách hàng không có điều kiện nâng cấp máy điện thoại 2G lên 4G. Chương trình được triển khai tại 1.700 xã khó khăn, đối tượng được tặng máy là các hộ nghèo, hộ cận nghèo có xác nhận của chính quyền, tạo điều kiện để chuyển lên 4G không bị gián đoạn liên lạc vào ngày 16.9 tới.

Đại diện Viettel cho biết: Thực hiện theo lộ trình của Bộ TT-TT, từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu máy điện thoại 4G trên cả nước. Chỉ trong tháng 8 đã có hơn 3 triệu máy 2G được chuyển đổi lên 4G thành công. Với việc triển khai các chương trình, Viettel đã giảm số thuê bao 2G từ khoảng 10 triệu xuống còn dưới 2% tổng thuê bao Viettel trên cả nước. Mục tiêu đến ngày 15.9, 100% khách hàng đều đảm bảo duy trì liên lạc.

Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi điện thoại từ 2G lên 4G của người dân, ông Nguyễn Việt Hoàng, Tổng giám đốc HMD Global khu vực Đông Dương, thông tin: Trong thời gian tới HMD sẽ đưa về VN 1 triệu máy điện thoại Nokia phím bấm 4G. Tuy nhiên, do vận chuyển bị chậm nên một phần hàng sẽ về sau thời điểm tắt sóng 2G từ ngày 16.9, cụ thể hàng sẽ bắt đầu về từ ngày 18 - 28.9.

Bộ TT-TT đang nỗ lực triển khai hỗ trợ 400.000 điện thoại thông minh cho các hộ nghèo và cận nghèo bằng nguồn quỹ viễn thông công ích. Hạ tầng 4G cũng đang được các nhà mạng nỗ lực chuẩn bị để khi 11 triệu thuê bao 2G chuyển sang 4G vào ngày 16.9 thì đảm bảo mạng thông suốt, không bị nghẽn.

Các nhà mạng cũng đang nỗ lực hỗ trợ nhu cầu chuyển đổi máy của người dân. Đơn cử, với nhà mạng MobiFone, người dân mang theo máy 2G còn hoạt động bình thường đến cửa hàng Thế Giới Di Động có thể đổi lấy máy 4G mới. FPT Shop cũng triển khai chương trình "Tắt sóng 2G, đổi điện thoại 4G" với chính sách tặng đến 600.000 đồng cho khách hàng khi đổi từ điện thoại 2G đã qua sử dụng sang điện thoại 4G. Ngoài ra, nhà mạng còn miễn phí đổi SIM 4G cho các khách hàng đang sử dụng SIM 2G/3G.

Việc dừng công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA), tính đến giữa năm 2024, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai dừng công nghệ cũ. Đa số các nước đã tắt sóng 2G là các quốc gia tiên tiến, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã dừng 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017 và năm 2018 là Úc.

Đối với người dân, việc dừng dịch vụ 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn. Đối với doanh nghiệp sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Đối với chính phủ, việc dừng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.