'Khủng hoảng' nhà ở xã hội: Dân nghèo ở Hà Nội chật vật tìm chốn an cư

15/05/2023 11:15 GMT+7

Việc TP.Hà Nội thực hiện không thành công chính sách phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua khiến người dân, nhất là người thu nhập thấp phải chật vật để an cư.

Chật vật xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội

Hà Nội là đô thị đặc biệt, tập trung dân số cao nhưng thiếu trầm trọng nhà ở xã hội khiến người thu nhập thấp rất chật vật để có được căn nhà. 

Những ngày gần đây, người dân phải xếp hàng bất kể ngày đêm để mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn do Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS (Công ty NHS) làm chủ đầu tư.

'Khủng hoảng' thiếu nhà ở xã hội: bình dân ở đô thị 'oằn mình' vì mua nhà - Ảnh 1.

Người dân không quản ngày đêm xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội

ĐINH HUY

Anh Nguyễn Văn Tiến (38 tuổi), quê ở TX.Sơn Tây, kể đang thuê trọ cùng 2 con nhỏ, thấy dự án NHS Trung Văn phù hợp nhu cầu nên cố gắng mua căn hộ. Theo anh Tiến, hai vợ chồng phải thay phiên nhau xếp hàng 3 ngày đêm tại trụ sở Công ty NHS mới được nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội. Mỗi ngày chủ đầu tư chỉ thu được 40 - 60 bộ hồ sơ nhưng có đến cả trăm người chờ nộp.

Nhiều người xếp hàng cho biết, nộp hồ sơ chỉ là bước đầu, còn mua được căn hộ hay không còn phụ thuộc may rủi bốc thăm. Còn muốn chắc chắn hơn thì nên "bắt mối" mua suất ngoại giao.

Chật vật mua nhà ở xã hội tại Hà Nội

Nguồn cung khan hiếm khiến nhà ở xã hội tăng giá dựng đứng

Theo chỉ dẫn, Thanh Niên đã liên hệ với một số môi giới ở gần công trường dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn ở ven đường Tố Hữu (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ban đầu, chưa tin tưởng nên đa số môi giới từ chối, chỉ nhận tư vấn làm hồ sơ mua nhà. Nhưng sau đó, một môi giới bất động sản tên Trường (khoảng 33 tuổi) rỉ tai nói có một căn gần 70 m2 là suất ngoại giao giá gốc là 19 triệu đồng/m2 nhưng phải trả thêm "phí làm hồ sơ" 350 triệu đồng. "Phí làm hồ sơ" thực chất là tiền chênh, phải trả thêm bên ngoài hợp đồng, tức chênh khoảng 5 triệu đồng/m2.

'Khủng hoảng' thiếu nhà ở xã hội: bình dân ở đô thị 'oằn mình' vì mua nhà - Ảnh 2.

Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn ở ven đường Tố Hữu đã xây lên phần thân

LÊ QUÂN

Cũng theo môi giới Trường, giá chênh đợt này cao hơn khoảng 50% dịp sau tết âm lịch do lượng hồ sơ mua nhà nộp về chủ đầu tư quá nhiều. Tính ra, giá khách mua suất ngoại giao mỗi căn hộ tại dự án là khoảng trên dưới 24 triệu đồng/m2, tương đương trên 1,7 tỉ đồng/căn 70 m2. Dù vậy, không phải lúc nào cũng có suất ngoại giao, dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn đang rất hot trên thị trường.

Do thiếu nguồn cung trầm trọng nên nhà ở xã hội dù đã cũ nhưng giá lại tăng mạnh, thậm chí giá lên gấp 2 lần. Tại dự án nhà ở xã hội The Vesta Phú Lãm thuộc Q.Hà Đông, trước năm 2018 chủ đầu tư là Công ty Hải Phát bán không quá 15 triệu đồng/m2. Đến nay, giá căn hộ tại khu chung cư này đã giao dịch từ 25 - 30 triệu đồng/m2

Nhà ở xã hội Đồng Mô ở P.Đại Kim (Q.Hoàng Mai) do Công ty Handico5 xây dựng, bán không quá 15 triệu đồng/m2. Năm 2016, người dân được bàn giao nhà, đến nay căn hộ tại đây được giao dịch với giá từ 30 - 35 triệu đồng/m2 tùy vị trí, hướng.

Tương tự, nhà ở xã hội chung cư Rice City Linh Đàm thuộc khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai) giá bán ban đầu không quá 15 triệu đồng/m2. Năm 2016, người dân được nhận nhà, đến nay đã 7 năm, giá nhiều căn hộ được rao bán từ 33 - 36 triệu đồng/m2.

'Khủng hoảng' thiếu nhà ở xã hội: bình dân ở đô thị 'oằn mình' vì mua nhà - Ảnh 3.

Căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Rice City tại Khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm tăng giá hơn gấp đôi so với thời điểm giao nhà dù đã sử dụng nhiều năm

LÊ QUÂN

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng giá nhà ở xã hội tại Hà Nội tăng mạnh do nguồn cung mới quá ít, trong khi nhu cầu lại quá mạnh. Không chỉ ở Hà Nội, mà tại nhiều đô thị khác như TP.HCM, Đà Nẵng… nhà ở cho tầng lớp bình dân đang rất thiếu.

Đồng thời, thị trường bất động sản mới trải qua đợt sốt nóng năm 2021 do dịch Covid-19 làm vận động dòng tiền trong xã hội bị nghẽn, đổ dồn vào nhà đất khiến giá các phân khúc đều tăng. Khi dịch Covid-19 tạm lắng, lo sợ lạm phát nên người dân tiếp tục đổ tiền mua nhà ở trung tâm đô thị, trong đó có chung cư khiến giá vẫn neo cao sau khi tăng mạnh.

"Giá nhà tăng mạnh càng khiến tầng lớp bình dân thêm khốn khó khi muốn chạm vào sở hữu nhà ở. Nhiều người càng cố làm lụng thì càng khó với tới nhà do thu nhập, tích lũy tăng quá chậm so với sức tăng của giá căn hộ, mà vay ngân hàng mua nhà thì không phải ai cũng đủ điều kiện, cũng chịu được lãi suất. Để giải quyết khủng hoảng thiếu nhà ở xã hội, nhiều người kỳ vọng chính sách xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội của Chính phủ. Nhưng để thành công, cần nới thêm nhiều ưu đãi về mức lãi suất, chính sách phát triển quỹ đất cho nhà ở xã hội", ông Đính nói.

Hà Nội "vỡ trận" nhà ở xã hội

Theo kết quả kiểm toán chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP.Hà Nội giai đoạn 2015 - 2018 do Kiểm toán Nhà nước thực hiện, thành phố chỉ đạt 14% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đặt ra giai đoạn 2015 - 2020. Nếu tính cả 10 dự án hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020 thì TP.Hà Nội mới đạt được 38% chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, nhiều dự án chậm tiến độ.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, theo kế hoạch, dự kiến đến đầu 2015 có 6 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành nhưng 6/6 dự án không hoàn thành như kế hoạch đặt ra (3/6 dự án chưa triển khai xây dựng; 3/6 dự án đang xây dựng nhưng chậm tiến độ).

Từ 2016 - 2020, theo kế hoạch đặt ra, dự kiến có 15 dự án nhà ở xã hội được xây dựng, hoàn thành nhưng đến đầu năm 2020 chưa có dự án nào hoàn thành (2/15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7/15 dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1/15 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2/15 dư án dừng triển khai không thực hiện được nhà ở xã hội hoặc thu hồi; 3/15 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại)…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.