Khan hiếm nhân lực trình độ cao lĩnh vực công nghệ 'hot'

16/12/2022 06:05 GMT+7

Doanh nghiệp lẫn trường ĐH cho rằng rất khó tuyển nhân lực trình độ cao lĩnh vực công nghệ 'hot' như blockchain , trí tuệ nhân tạo, big data... để có thể nghiên cứu hoặc đào tạo đội ngũ nhân lực kế cận vì nguồn này đang rất thiếu.

Liên tục đăng thông tin tuyển dụng

Đầu năm cho đến gần đây, bộ phận tuyển dụng của Công ty Samsung Display Vietnam liên tục đăng thông tin tuyển dụng tiến sĩ cho các ngành trí tuệ nhân tạo, phát triển phần mềm... để làm việc tại các trung tâm nghiên cứu nước ngoài của Tập đoàn điện tử Samsung hoặc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển điện thoại di động Samsung Vietnam.

Công việc được mô tả là ứng dụng AI, big data trong phát triển nhà máy thông minh, xây dựng hệ thống dữ liệu lớn; nghiên cứu các phương pháp cải tiến thiết bị, dây chuyền; phân tích nguyên nhân, xử lý sự cố phát sinh lớn liên quan đến dây chuyền sản xuất; phân tích bản chất lý hóa của vật liệu và các mẫu liên quan đến lỗi sản phẩm; chuyển giao, đào tạo kiến thức và cố vấn kỹ thuật cho các kỹ sư... Thu nhập mà công ty này đưa ra là 20.000 - 40.000 USD/năm.

Bên cạnh đó, rất nhiều viện nghiên cứu thuộc các trường ĐH trong và ngoài nước cũng đang “săn lùng” ứng viên có trình độ tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh ở các mảng công nghệ đang rất “nóng” hiện nay như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data... để phục vụ các dự án về công nghệ.

Doanh nghiệp lẫn trường ĐH tại VN cho rằng rất khó tuyển nhân lực trình độ cao lĩnh vực công nghệ “hot” như blockchain, trí tuệ nhân tạo, big data...

T.s

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, giảng viên chuyên ngành kinh doanh trên ứng dụng blockchain, đang làm việc tại Trung tâm công nghệ tài chính và tài chính mã hóa Trường ĐH RMIT VN, cho biết thời gian qua đang cần tuyển nghiên cứu sinh cho một dự án nghiên cứu về quản trị blockchain.

Trong khi đó, phòng thí nghiệm tại ĐH Oulu (Phần Lan) cũng đang muốn tuyển nghiên cứu sinh đến từ VN cho ngành thị giác máy tính và điện toán biên siêu cục bộ cho các ứng dụng 6G với mức lương khoảng 3.700 - 4.200 euro/tháng.

GS-TS Lê Bảo Long, Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia, ĐH Quebec (Canada), cho hay hằng năm phòng thí nghiệm của mình cũng cần tuyển các nghiên cứu sinh đến từ VN để thực hiện các đề tài nghiên cứu về blockchain, học máy và ứng dụng, công nghệ di động 5G/6G, công nghệ lõi cho chuyển đổi số như lưới điện thông minh, giao thông thông minh...

Nhưng không dễ tuyển

Theo GS-TS Lê Bảo Long, việc tuyển dụng này thường tốn khá nhiều thời gian và công sức vì phòng thí nghiệm cần các ứng viên có khả năng tạo ra các kết quả xuất sắc và đóng góp hiệu quả cho các dự án nghiên cứu, không dễ dàng bỏ cuộc khi phải đương đầu các vấn đề nghiên cứu khó khăn.

“Trong các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt các mảng nóng như blockchain, AI, big data, các doanh nghiệp công nghệ lớn đang rất cần nhóm làm nghiên cứu chuyên sâu để giải các bài toán quan trọng trong việc hình thành các sản phẩm cho doanh nghiệp hay thậm chí góp phần đưa ra định hướng công nghệ cho tương lai. Nhiều người có khả năng nghiên cứu ngang tầm đội ngũ giáo sư tại các ĐH nghiên cứu. Tuy nhiên, lực lượng nghiên cứu chuyên sâu và xuất sắc ở các mảng này thường luôn trong tình trạng thiếu người vì quá trình đào tạo một chuyên gia mất rất nhiều thời gian, khoảng tầm 10 năm hay nhiều hơn nếu tính từ bậc ĐH”, GS-TS Long nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng thừa nhận tuyển dụng tiến sĩ ở những mảng “hot” như AI, blockchain... về để giảng dạy và nghiên cứu không hề dễ dàng. “Các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ lớn hiện cũng đang rất cần nhân lực trình độ cao ở các chuyên ngành hẹp này. Họ sẵn sàng trả mức lương rất cao để thu hút, nên đó chính là rào cản đối với các trường ĐH”, tiến sĩ Minh Khang cho hay.

Việt Nam đang thiếu nhân lực các ngành công nghệ cao để có thể nghiên cứu hoặc đào tạo đội ngũ kế cận

mỹ quyên

Cạnh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp và trường ĐH

Tại VN, các doanh nghiệp công nghệ lớn, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài, sau thời gian tập trung phát triển các công nghệ và sản phẩm giản đơn, đã bắt đầu đi vào chiều sâu và tiến hành ngày càng nhiều các công đoạn nghiên cứu và phát triển sâu nên rất cần lực lượng chuyên gia có trình độ cao ở bậc tiến sĩ.

“Không loại trừ khả năng sẽ có làn sóng cạnh tranh nhân lực trình độ tiến sĩ giữa ĐH và doanh nghiệp công nghệ tại VN trong những năm tới, như đã và đang xảy ra tại các nước phát triển. Trong đó, các giáo sư hay các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm tại các trường ĐH nghiên cứu được chào mời với các đãi ngộ rất hấp dẫn từ giới kỹ nghệ. Thu nhập của lực lượng có bằng tiến sĩ làm việc tại các tập đoàn công nghệ thường rất cao, ở mức vài trăm ngàn đến ngưỡng triệu USD một năm là không quá hiếm cho những chuyên gia xuất sắc”, GS-TS Lê Bảo Long chia sẻ.

Đối với công nghệ blockchain, ông Đỗ Văn Long, Giám đốc chiến lược vùng của Infinity Blockchain Labs, kiêm Giám đốc điều hành Blockchain Vietnam Corporation, cho rằng sự cạnh tranh càng gay gắt hơn do tiến sĩ ở mảng này cực kỳ hiếm. Ông Long lý giải: “Trên thế giới lẫn VN vẫn chưa có nhiều chuyên gia blockchain có trình độ tiến sĩ, nếu có thì chủ yếu là người có kiến thức chuyên môn về an toàn bảo mật thông tin hoặc mật mã học rồi nghiên cứu thêm về blockchain. Người có trình độ cao có thể đào tạo cho người khác ở VN chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Du học sinh có sẵn sàng về VN sau làn sóng sa thải ở các Big Tech?

Những tháng cuối năm 2022, hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu ở Mỹ (gọi là Big Tech) sa thải hàng ngàn nhân viên và tạm ngừng tuyển dụng. Chẳng hạn, Meta sa thải 11.000 nhân viên, Google thông báo sa thải 10.000 người, Twitter 4.400… Tình trạng này khiến nhiều du học sinh VN hoang mang lo lắng.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực công nghệ, đặc biệt các chuyên gia có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại thị trường VN lại đang rất rộng mở. Liệu những du học sinh này có sẵn sàng về VN làm việc?

GS-TS Lê Bảo Long nhìn nhận: “Có thể sẽ có một lực lượng trở về nhưng đối với nhân lực trình độ cao như tiến sĩ thì cơ bản VN vẫn chưa đủ hấp dẫn, chưa có môi trường làm việc giúp họ có cơ hội phát triển sự nghiệp. Số đông có thể vẫn ưu tiên đến các nước phát triển vì thu nhập cao và môi trường tốt hơn. Vì thế, bài toán thu hút nhân lực công nghệ trình độ cao cho VN ở diện rộng vẫn là bài toán khó”.

Dự đoán được sự thiếu hụt này, từ 6 - 7 năm trước, ông Long và các cộng sự đã đi tới hơn 30 trường ĐH để cùng xây dựng các phòng thí nghiệm và thay đổi nhận thức về blockchain để thu hút người học, đặc biệt là học lên trình độ cao. Vì lâu nay nhiều người vẫn hiểu sai blockchain là đồng tiền mã hóa, họ tiếp cận để kinh doanh tiền ảo chứ chưa coi blockchain là một công nghệ có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, logistics, y tế, chất lượng thực phẩm, nông nghiệp…

Theo GS-TS Long, ở các nước phát triển, nghiên cứu sinh tiến sĩ trong các ngành công nghệ hầu như được tài trợ 100% các chi phí học tập, nghiên cứu tại ĐH và được lãnh một khoản lương đủ sống trong quá trình làm nghiên cứu. Các hỗ trợ trong quá trình đào tạo này cùng với các mức thu nhập và đãi ngộ tiềm năng rất cao khi họ hoàn thành tiến sĩ là các động lực thu hút người làm nghiên cứu ở bậc đào tạo này.

“Tại VN theo tôi được biết, các trường ĐH vẫn còn đang rất khó khăn để có thể cung cấp các hỗ trợ toàn phần cho các nghiên cứu sinh. Thực tế đa phần người học phải tốn thêm tiền trong quá trình đi học. Ngoài ra, có lẽ các đãi ngộ từ các công ty công nghệ trong nước cho nhân lực trình độ tiến sĩ dù có tăng lên trong những năm gần đây, vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đông đảo người làm tiến sĩ”, TS Long nói.

Tuy nhiên, theo ông Long, sự quan tâm và hỗ trợ tài chính từ các tập đoàn công nghệ và nhà nước ngày càng lớn chắc chắn sẽ là các yếu tố tạo ra sự thay đổi cơ bản cho bậc đào tạo này trong các năm tới đây, giúp VN tiệm cận và ngang bằng trình độ của các nước láng giềng rất mạnh về công nghệ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore....

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.