Khẩn trương cập nhật hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh do vi rút Adeno

02/10/2022 05:21 GMT+7

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi T.Ư ( Hà Nội ), số bệnh nhi nhiễm và nhập viện do Adenovirus (vi rút Adeno) tăng liên tục từ tháng 8 đến nay.

Không chỉ gây bệnh nặng ở trẻ nhỏ, vi rút này còn gây bệnh ở người lớn và dễ lây lan. Bộ Y tế đang khẩn trương cập nhật hướng dẫn chẩn đoán điều trị ca bệnh do vi rút Adeno.

Xét nghiệm Adenovirus tại BV Nhi T.Ư giúp việc chẩn đoán, điều trị hiệu quả

Thúy Anh

Số ca mắc tăng mạnh từ tháng 8

Theo Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, tổng số ca nhiễm Adenovirus ghi nhận trong toàn BV từ đầu năm 2022 đến ngày 22.9 là 1.406 ca, trong đó có 811 bệnh nhân (BN) nội trú (chiếm gần 58% các ca nhiễm), 7 ca tử vong. Đáng lưu ý, số ca mắc vi rút Adeno tăng mạnh từ tháng 8. Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 22.9, tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 BN nội trú.

Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm hô hấp, BV Nhi T.Ư, Adenovirus có hơn 50 type gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não… Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân hè hoặc thu đông.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh do vi rút Adeno là bệnh vi rút cấp tính với hội chứng lâm sàng đa dạng, thông thường bị nhiễm vi rút cấp ở đường hô hấp trên với triệu chứng nổi trội là viêm mũi. Trường hợp đặc biệt vi rút gây bệnh ở đường hô hấp dưới bao gồm viêm phế quản nhỏ và viêm phổi.

Trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus kèm theo một trong các tiêu chuẩn sau cần nhập viện:

Khó thở: thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.

Suy hô hấp hoặc giảm ô xy máu: tím, SpO2 dưới 94%.

Có dấu hiệu toàn thân nặng: nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng.

Bệnh nền nặng: bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…

Tổn thương trên X-quang phổi: tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, abces phổi, TDMP, TKMP.

Tiêu chuẩn chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus điều trị ổn định kèm theo các tiêu chuẩn:

Không suy hô hấp: SpO2 từ 94% trở lên, không tím.

Giảm khó thở; hết sốt; ăn được bằng đường miệng. Các rối loạn nặng đã được kiểm soát.

Khởi đầu BN có sốt nhẹ (khoảng 3 - 5 ngày), sau đó xuất hiện viêm mũi, viêm họng, sưng hạch 2 bên cổ, đau mắt, sợ ánh sáng, mắt mờ. Khoảng 7 ngày sau, có tới 50% BN xuất hiện trên giác mạc có những đám thâm nhiễm tròn, nhỏ và cuối cùng có thể tạo thành những đám loét. Bệnh có thể kéo dài đến 2 tuần. Bệnh nặng có thể để lại những vết mờ trên giác mạc làm ảnh hưởng đến thị giác trong vài tuần hoặc đôi khi để lại sẹo vĩnh viễn.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do Adenovirus ở người lớn thường do type 4, type 7. BN có biểu hiện sốt đến 39 độ C, viêm họng với triệu chứng ho, sổ mũi và sưng hạch bạch huyết vùng cổ. Khám thấy sưng phù họng lan tỏa đến amidan. Nếu bệnh tiến triển đến viêm phổi thì phải khám phổi và chiếu X-quang để phát hiện vùng phổi bị thâm nhiễm. Ngoài ra, có thể gặp các ca bệnh tiêu chảy cấp do vi rút type 40 và 41, bệnh thường gặp ở tuổi trẻ; bệnh viêm bàng quang xuất huyết do type 11 và 21 gây nên…

Ứng phó Adenovirus có khả năng lây lan nhanh

Theo PGS Hanh, trẻ nhiễm Adenovirus thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hóa. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.

“Vi rút Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi”, PGS Hanh cho hay.

TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi T.Ư, cho biết hệ thống giám sát các ca bệnh truyền nhiễm trong BV đã được thiết lập từ nhiều năm trước. Vì thế, rất sớm, ngay từ trung tuần tháng 8.2022, BV đã kịp thời nhận ra khuynh hướng số BN mắc Adenovirus đến khám và điều trị tại BV đang gia tăng nhanh và khác với thông lệ. Cùng với đó, các ứng phó quản lý ca bệnh, dự phòng lây nhiễm đã được BV triển khai kịp thời.

Để phòng bệnh do vi rút Adeno, y tế các địa phương cần tuyên truyền giáo dục sức khỏe. Cung cấp cho nhân dân những thông tin cần thiết về bệnh do vi rút Adeno, nhất là khi có nguy cơ bùng nổ dịch và khi có dịch để nhân dân biết tự phòng tránh cho mình và cho cộng đồng.

Vệ sinh phòng bệnh như: đảm bảo có nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. Trong mùa mưa, lũ lụt phải thau rửa và khử trùng nước giếng bằng cloramin B. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng. Thường xuyên giám sát và kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường tại các bể bơi công cộng.

Các viện vệ sinh dịch tễ, viện pasteur tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh của các địa phương khu vực phụ trách để phân tích, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh.

(Nguồn: Bộ Y tế)

Theo TS Ngãi, khi có ca bệnh Adenovirus xuất hiện hoặc nhập viện, BV triển khai ngay các biện pháp cách ly, dự phòng lây nhiễm và quản lý điều trị. Theo đó, ca bệnh Adenovirus trong BV được thu dung điều trị tập trung tại Trung tâm bệnh nhiệt đới và Trung tâm hô hấp; không để ca bệnh Adenovirus lưu tại các đơn vị bệnh mạn tính, đơn vị có nguy cơ cao. Các phòng bệnh nhi nhiễm Adenovirus được thiết lập theo đúng quy định phòng cách ly ca bệnh lây theo giọt bắn và tiếp xúc. Nhân viên y tế, người lao động được yêu cầu tuân thủ phòng ngừa chuẩn, dự phòng lây truyền qua giọt bắn và dự phòng lây truyền qua tiếp xúc, chú trọng vệ sinh tay, vệ sinh môi trường bề mặt. BN và người nhà được tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe để phòng bệnh và hạn chế lây lan trong BV.

Cập nhật phác đồ mới

Theo PGS-TS Phùng Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư, khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi, xét nghiệm xác định căn nguyên bằng kỹ thuật Realtime PCR.

Những lưu ý cha mẹ cần biết để phòng bệnh cho trẻ

Cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 2 tuổi.

Chế độ ăn dặm của trẻ hợp lý, đủ các thành phần dinh dưỡng.

Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

Vệ sinh mũi, họng cho trẻ thường xuyên: nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (với trẻ nhỏ), trẻ lớn hơn cho súc miệng nước muối sinh lý.

Vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.

Cần đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ em bị ốm, bệnh.

Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

(Nguồn: BV Nhi T.Ư)

Xét nghiệm được lấy từ dịch hô hấp của người bệnh để chẩn đoán xác định Adenovirus và type vi rút Adeno gây bệnh. Thời gian xét nghiệm dao động từ 70 phút đến 5 tiếng và độ chính xác lên tới 95 - 99%.

Thông tin về điều trị các ca bệnh do vi rút Adeno, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết ngay trong đầu tuần tới, hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế sẽ họp thẩm định để sớm cho ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị ca bệnh do vi rút Adeno bản cập nhật. Đây là hướng dẫn được BV Nhi T.Ư cập nhật, giúp điều trị hiệu quả hơn nữa. Vi rút Adeno là vi rút lưu hành, không phải là vi rút mới, gây một số bệnh khác nhau; ví dụ như bệnh đau mắt đỏ mà trong nước vẫn ghi nhận.

Theo ông Khoa, như với các ca bệnh do vi rút khác, ca bệnh do vi rút Adeno được điều trị triệu chứng. Trong nước hoàn toàn có đủ điều kiện về xét nghiệm, thuốc cũng như kinh nghiệm điều trị. Các bệnh nhi nhiễm Adenovirus tử vong ghi nhận gần đây đều là các trường hợp có bệnh nền. Để phòng bệnh lây lan bảo vệ sức khỏe trẻ em, cộng đồng, các địa phương cần có truyền thông hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng chống cũng như các triệu chứng cần đến cơ sở y tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.