Sáng 2.12, mực nước sông Ba tại trạm Phú Lâm, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã xuống dưới báo động 1 là 0,21 m. Tranh thủ lũ rút, người dân sống ở vùng hạ du sông Ba tất tả dọn bùn. Lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng (BĐBP) và đoàn viên thanh niên cũng tỏa về các địa phương để giúp dân.
Giáo viên Trường mầm non Anh Đào (Tuy Hòa, Phú Yên) dọn bùn sau khi lũ rút |
ĐỨC HUY |
Tại TP.Tuy Hòa, nhân viên vệ sinh môi trường lo thu dọn rác, bùn trên các tuyến đường; người dân lo vệ sinh nhà cửa, hàng quán. Tại Trường mầm non Anh Đào, cô Hiệu trưởng Đặng Thị Hiền cho biết sau khi nước rút, nhà trường huy động tất cả giáo viên đến dọn vệ sinh. Theo cô Hiền, năm nay lũ lên nhanh và lớn khiến các phòng học bị ngập. Còn tại Trường tiểu học Trưng Vương, các thầy cô vừa quét dọn vệ sinh sân trường vừa phải dội rửa ghế học sinh. Cô Đặng Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết học sinh bắt đầu đi học lại từ ngày 28.11, nhưng đến ngày 30.11 thì bị lũ ngập trường nên phải nghỉ học. “Hôm qua đến nay nước rút nên nhà trường tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường lớp sạch sẽ để đón học sinh đi học trở lại”, cô Thanh nói.
Lũ lớn đi qua, người dân TP.Tuy Hòa khổ sở dọn bùn, rác |
Ngày 2.12, nước lũ trên các sông ở tỉnh Bình Định đã rút, chỉ còn vài vùng hạ du thuộc các huyện Phù Cát và Tuy Phước còn bị cô lập. Trong ngày vẫn còn 25.000 học sinh ở tỉnh Bình Định chưa đến trường được do trường học, đường giao thông còn bị ngập. Tại phường Nhơn Bình và Nhơn Phú, 2 địa phương ngập nặng nhất tại TP.Quy Nhơn trong đợt lũ vừa qua, đoàn viên thanh niên, BĐBP… đã hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Tỉnh đoàn Bình Định và Thành đoàn Quy Nhơn huy động 60 đoàn viên thanh niên dọn dẹp bùn đất tại các trường học trên địa bàn 2 phường này. Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn (thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định) huy động 50 cán bộ chiến sĩ dọn vệ sinh, sửa chữa lại các phòng học tại Trường THCS Nhơn Bình và Trường mẫu giáo Nhơn Bình.
Theo ông Trương Tứ, Chủ tịch UBND H.An Lão (Bình Định), đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện miền núi này lên các xã vùng cao bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Trong đó, tuyến đường từ xã An Trung đi xã An Vinh có hàng chục điểm sạt lở, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Còn ông Hồ Đắc Chương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định về việc giao cho các địa phương, sở, ngành khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó, Sở Y tế sẽ xử lý môi trường để hạn chế dịch bệnh sau lũ; ngành LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định thống kê, kiểm tra thiệt hại về người, nhà cửa để có phương án hỗ trợ phù hợp.
Kon Tum Cơ bản khắc phục xong sự cố mất điện
Ngày 2.12, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết mưa lớn những ngày qua làm 1 người chết vì bị lũ cuốn trôi và nhiều điểm giao thông bị sạt lở, mất điện. Tại Km 177 đường Trường Sơn Đông, sạt lở đã kéo theo trụ điện trung thế xuống vực sâu, gây mất điện tại xã Ngọc Tem, H.Kon Plông với khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngành điện khẩn trương khắc phục và đến nay đã hoàn thành việc cấp điện trở lại cho các hộ dân tại xã Ngọc Tem.
Tuyến Nha Trang - Đà Lạt đã thông trở lại
Chiều 2.12, ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Khánh Hòa (đơn vị thi công sửa chữa QL27C, đường Nha Trang - Đà Lạt), cho biết tuyến QL27C đoạn qua đèo Khánh Lê đã thông tuyến lúc 15 giờ 15 cùng ngày.
Đơn vị sửa chữa đèo Khánh Lê khắc phục sự cố sạt lở |
Hiền Lương |
Trước đó, vào các ngày 30.11 - 1.12, mưa lớn kéo dài đã khiến khu vực đèo Khánh Lê liên tục bị sạt lở nhiều điểm với tổng khối lượng sạt lở khoảng 40.000 m3. Sau hơn 2 ngày bị tắc đường hoàn toàn, đến nay các phương tiện đã có thể lưu thông trở lại qua tuyến đường này.
Hiền Lương
Bình luận (0)