|
* Bộ VH-TT-DL và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có ý định làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cho áo dài. Tuy nhiên, áo dài lại là vật thể. Vậy, hướng của hồ sơ này sẽ thế nào. Có bao nhiêu lựa chọn cho hướng làm hồ sơ?
- PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Các di sản văn hóa phi vật thể bao giờ cũng phải gắn với một cộng đồng cụ thể. Áo dài thực chất là vật thể. Muốn làm hồ sơ phi vật thể, người ta không thể làm áo dài được, mà phải là nghệ thuật áo dài, nghệ thuật may áo dài, hay cách mặc áo dài của người Việt...
* Vậy việc xác định cộng đồng với áo dài có lẽ sẽ rất phức tạp, thưa ông?
- Để làm hồ sơ di sản phi vật thể, bên cạnh cái tên hồ sơ, áo dài còn vướng một vấn đề nữa. Đó là nó phải gắn với một cộng đồng nhất định. Ví dụ như hội Gióng gắn với cộng đồng ở Phù Đổng và Sóc Sơn; dân ca quan họ gắn với Bắc Ninh. Xác định cộng đồng gắn với áo dài là ai, là những người thiết kế áo dài, mặc áo dài, hay may áo dài, đều là những câu chuyện tương đối khó khăn.
Tuy nhiên, câu chuyện này cũng không đến mức không giải quyết được. Trên thế giới cũng có một số trường hợp tương tự, rất nổi tiếng nhưng lại khó xác định cộng đồng. Ví dụ như điệu tango của Argentina, đây cũng là một hồ sơ rất khó xác định cộng đồng sở hữu di sản. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang hướng theo câu chuyện đấy: một hồ sơ theo hướng khó xác định cộng đồng sở hữu di sản, nhiều người dùng, có người sáng tạo, có người sử dụng.
* Có một hướng làm hồ sơ di sản khả thi khác là nghề may áo dài. Chúng ta có di sản phi vật thể quốc gia như nghề làm gốm Bàu Trúc... Ở Hà Nội cũng có làng Trạch Xá là làng làm áo dài. Họ cũng có hẳn một con phố Lương Văn Can với nhiều người làm nghề may áo dài ở đó. Sao chúng ta không bắt đầu như thế?
- Đấy cũng là một lựa chọn. Ngay trong buổi họp đầu tiên về hồ sơ di sản này giữa Bộ VH-TT-DL và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, nhiều người cũng đưa ra ý kiến nếu quá khó xác định cộng đồng sở hữu di sản thì chúng ta sẽ lựa chọn một số làng may áo dài ở Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM, điều đó dễ hơn. Tuy nhiên, nếu chọn theo hướng đó thì nó sẽ không tiêu biểu cho toàn bộ Việt Nam.
|
* Có thể hiểu là nếu chọn hướng tôn vinh nghề ở các làng áo dài sẽ rất khó gộp thành hồ sơ chung trình UNESCO? Và hướng đó chỉ ổn khi làm hồ sơ di sản phi vật thể cấp quốc gia?
- Đúng vậy, nếu làm hồ sơ di sản phi vật thể quốc gia thì từng địa phương một, chúng ta chỉ cần công nhận từng làng áo dài, làng nghề thôi. Nhưng mục đích của chúng ta là công nhận áo dài Việt Nam chứ không chỉ là một làng nào đấy.
Ở đây chúng ta đang mong muốn có một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Vì thế, hồ sơ quốc gia chỉ là bước đầu tiên. Điều lớn hơn là ghi danh áo dài ở danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng ta mong muốn khẳng định vị trí của áo dài trong cộng đồng thế giới. Chúng ta cũng muốn khẳng định thương hiệu áo dài là của Việt Nam. Đây cũng là một hình thức bảo vệ áo dài trong sự kiện vừa qua áo dài của chúng ta gặp một số tranh cãi, chẳng hạn như người Trung Quốc đã sử dụng áo dài của Việt Nam cho một số sự kiện của họ. Hay cũng sẽ tránh được việc cá nhân, nghệ sĩ sử dụng áo dài sai, như mặc áo dài mà không mặc quần...
* Áo dài tân thời mà chúng ta mặc bây giờ, mọi người vẫn ghi nhận là từ thời ông Cát Tường. Chúng ta cũng thấy ở Trung Quốc có người Kinh và họ cũng có áo dài hao hao chúng ta. Liệu chúng ta có thể nghĩ đến một hồ sơ đa quốc gia, giống như hồ sơ kéo co hay không?
- Vì chúng ta đang mong muốn tôn vinh áo dài Việt Nam, nên chúng ta ưu tiên hơn câu chuyện làm riêng. Có thể có nhiều nơi mặc áo dài nhưng nó sẽ có nét riêng biệt. Hồ sơ sẽ khẳng định giá trị áo dài của chúng ta, chứ không phải cứ là áo dài thì sẽ làm chung với nhau.
* Ông vừa nói đến thương hiệu áo dài quốc gia. Chúng ta nên có những chương trình bảo tồn gì để áo dài trở thành thương hiệu quốc gia?
- Ngoài nâng cao nhận thức của người dân về áo dài, chính sách tôn vinh áo dài, chúng ta cần phải nhấn mạnh một số câu chuyện riêng - đó là tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân may áo dài, các nhà thiết kế tạo mẫu áo dài ra sao để họ có thể toàn tâm, toàn ý cho trang phục này. Chúng ta cũng cần tổ chức các sự kiện, lễ hội áo dài trong và ngoài nước, đưa áo dài lên các sàn diễn thời trang thế giới để khẳng định đấy là của Việt Nam. Hay câu chuyện về nguyên vật liệu, nó phải được may trên các chất liệu của Việt Nam, tạo ra một chuỗi giá trị cho áo dài Việt Nam.
* Hiện tại, nhiều nhà thiết kế đã phải sử dụng chất liệu gấm lụa Hàn Quốc để may áo dài, kể cả áo dài cổ phục. Liệu việc xây dựng chuỗi giá trị Việt cho áo dài có phải là điều khó nhất trong các chương trình ông đưa ra?
- Chuỗi giá trị cho áo dài sẽ trải qua nhiều lĩnh vực: từ dệt may đến nông nghiệp, trồng dâu nuôi tằm... Làm được như thế mới phát triển áo dài một cách toàn diện, và việc có thương hiệu áo dài mới có ý nghĩa, có sự phát triển về kinh tế - xã hội.
* Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)