Người viết có người bà con đưa con từ quê vào ở nhờ nhà mình để đưa cháu đi khám bệnh tiêu chảy cho tiện vì đã uống nhiều kháng sinh nhưng không khỏi. Tôi dặn người bà con, sau khi chăm sóc cháu thì cần rửa tay sạch sẽ. Ấy vậy mà đứa trẻ sau 2 ngày rời khỏi nhà tôi thì con tôi mắc bệnh tiêu chảy. Rồi mới sáng hôm qua thôi, có người bạn gặp tôi và bảo sẽ tặng tôi cặp chim cút nuôi ăn chơi. Nhưng bạn hứa nửa tháng sau mới tặng vì cút vừa mới mua về, để cho con cút chạy long nhong thải hết kháng sinh rồi mới ăn được.
Những ngày đi viết bài, gặp gỡ các chuyên gia về đề tài kháng kháng sinh, họ bảo mọi người đều có thể kháng kháng sinh từ môi trường sống, gia đình, cộng đồng, thức ăn và bệnh viện. Ban đầu, con người “bị” sử dụng kháng sinh bừa bãi do chính bản thân mình (tự mua, tự kê toa...) một cách thiếu ý thức. Đến bác sĩ thì được bác sĩ kê toa kháng sinh chiều theo tâm lý người bệnh, hoặc ý chí của… nhà cung cấp kháng sinh, hoặc tâm lý bác sĩ muốn “đánh bao vây”, “đánh kháng sinh mạnh” để bệnh nhân chóng khỏi. Bệnh nhân đến bệnh viện thì bị lây nhiễm bởi môi trường bệnh viện với nhiều vi khuẩn kháng thuốc... Và cuối cùng nguy cơ hiện hữu là hằng ngày con người dù không bệnh nhưng vẫn bị “ăn, uống” kháng sinh một cách thụ động - tức ăn và uống những loại thực phẩm được nuôi trồng bằng những loại thuốc kháng sinh.
Một loạt những nguy cơ con người bị đề kháng kháng sinh hiện hữu buộc các ngành quản lý và cá nhân phải giải quyết (tự cứu mình) trước khi quá muộn - tức hết thuốc chữa. Cá nhân phải tự ý thức, cộng đồng cần có trách nhiệm và cơ quan quản lý cần có giải pháp mạnh với việc sử dụng kháng sinh. Bởi, kháng sinh là “dao 2 lưỡi” vì nó mang lại nhiều lợi ích: mau hết bệnh tật và mau làm giàu cho người mua bán, kê toa nhưng cũng làm cho người ta bệnh nặng hơn khi bị kháng thuốc.
Bình luận (0)