Nhiều mỏ đất không đạt chuẩn
Dự án cao tốc bắc nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm NĐT. Ngày 6.5.2021, dự án đã được Bộ GTVT ký hợp đồng triển khai thực hiện với Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải và Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Theo kế hoạch, dự án đã khởi công hôm 30.6 nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên hoãn lại cho đến nay.
Theo hồ sơ thiết kế, tổng khối lượng đất đắp phục dự án cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm khoảng 6,33 triệu m3, trong đó khối lượng đất tận dụng từ nền đường hiện có khoảng 0,77 triệu m3 và quỹ đất đáp ứng kỹ thuật đắp nền hiện có khoảng 0,8 triệu m3. Như vậy, khối lượng đất đắp còn thiếu khoảng 4,76 triệu m3.
|
Qua khảo sát của NĐT và đơn vị tư vấn, hiện nay các mỏ đất dự kiến phục vụ cho việc đắp nền đường của dự án không đảm bảo chất lượng, khối lượng. Nguyên nhân, qua khảo sát cho thấy thực địa các mỏ đất cung cấp cho dự án là đất phong hóa, chủ yếu đá, chỉ bóc được lớp đất mặt nên không đảm bảo kỹ thuật cũng như khối lượng để sử dụng làm đất đắp nền đường. Trước những khó khăn đó, NĐT đề nghị Sở TN-MT cùng các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa sớm tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp phục vụ dự án.
Trong các kiến nghị lên tỉnh Khánh Hòa, NĐT đề nghị địa phương vận dụng cho việc cải tạo quỹ đất được đánh giá phù hợp để đắp nền đường, tuy nhiên kiến nghị này vẫn đang chờ.
Đến nay, Chính phủ đã có Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16.6.2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp phép khai khoáng làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án, trong đó có việc miễn đấu thầu các mỏ khoáng sản. Theo tỉnh Khánh Hòa, hiện các mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, qua khảo sát chủ yếu là đá, tuy khối lượng, trữ lượng lớn nhưng phần lớn không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để san nền.
Cấp thiết có cơ chế đặc thù
Theo tỉnh Khánh Hòa, dự án cao tốc bắc nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49,1 km, đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng và bàn giao mặt bằng cho NĐT. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa đang gặp khó khăn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu đắp nền dự án. Riêng các mỏ đất (khoảng 12 mỏ) đạt chất lượng đất đắp nền đã được Bộ GTVT và NĐT, đơn vị tư vấn lựa chọn nếu cấp phép khai khoáng thì hiện đang vướng thủ tục, bởi đa số nằm ngoài vùng quy hoạch khoáng sản hiện có. Vì thế, tỉnh và NĐT đang rất “đau đầu” giải bài toán này.
Cụ thể, nếu hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết như bấy lâu nay để được cấp phép, bổ sung quy hoạch các mỏ đất đạt chuẩn (12 mỏ) sẽ mất thời gian 8 tháng đến 1 năm. Ngoài ra, việc cấp giấy phép khai thác theo quy định của luật Khoáng sản năm 2010 cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thỏa thuận với chủ sử dụng đất và trình tự, thủ tục hành chính… Nên rất khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ cho NĐT khai thác đất san nền, đặc biệt trong năm thi công thứ nhất.
Đối với các điểm mỏ nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất tại các khu vực này đều là đất trồng rừng sản xuất, đất nông nghiệp, do đó không có cơ sở để cấp phép khai thác khoáng sản theo Nghị quyết số 60. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 có thể thực hiện theo Nghị quyết 751 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bổ sung các điểm mỏ mới. Tuy nhiên, quy trình để điều chỉnh và sau khi điều chỉnh thì việc cấp phép theo quy định của pháp luật Khoáng sản rất tốn thời gian.
|
Đối với những điểm mỏ nằm ngoài quy hoạch nhưng đảm bảo về chất lượng đã được tư vấn lựa chọn trong giai đoạn lập dự án đầu tư do Bộ GTVT đề xuất, NĐT đề nghị cấp phép: Áp dụng theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 64 luật Khoáng sản 2010, có bổ sung yêu cầu đối với NĐT: Thăm dò, đánh giá trữ lượng trình thẩm định, phê duyệt; xây dựng phương án khai thác, phê duyệt và tự chịu trách nhiệm; xây dựng phương án phục hồi môi trường, trình thẩm định, phê duyệt…
Bình luận (0)