Khánh thành đền thờ hơn 300 liệt sĩ Trung đoàn 88 hy sinh ở vùng bưng biền Long An

19/09/2020 17:53 GMT+7

Ngày 19.9, UBND H.Tân Hưng ( Long An ) tổ chức khánh thành Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt s ĩ Trung đoàn 88 đã hy sinh tại vùng bưng biền - kênh 62 (Long An).

Tham dự lễ khánh thành Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 88 (đặt tại ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng) có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại diện lãnh đạo Quân khu 7, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Long An cùng đông đảo thân nhân các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 88…

Khánh thành đền thờ cũng là dịp để những đồng chí, đồng đội gặp nhau, ôn lại chuyện xưa

ẢNH: B.B

Ông Huỳnh Thanh Hiền, Phó chủ tịch UBND H.Tân Hưng, cho biết Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 88 được xây dựng với tổng kinh phí 6,5 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa, trong đó phần lớn là do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động. Đền thờ được xây dựng trên khu đất rộng 5.000 m2 do gia đình ông Lê Hoàng Tư (ngụ H.Tân Hưng) hiến tặng.
Về trận đánh trên kênh 62 (xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng, Long An) vào tết Canh Tuất (1970), ông Hiền thông tin: Trung đoàn 88 được điều động từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Tây Nguyên, Nam bộ vào năm 1965. Đầu năm 1970, 3 tiểu đoàn K7, K8, K9 (chủ yếu là người miền Bắc) thuộc Trung đoàn 88 được điều xuống chiến trường Kiến Phong (Đồng Tháp), Kiến Tường (Long An). Tiểu đoàn 7 sau khi được củng cố, bổ sung lực lượng đã tổ chức thành 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội hỏa lực và các trung đội trực thuộc tiểu đoàn với tổng quân số hơn 400 người do đồng chí Tô Thành Sóc làm Tiểu đoàn trưởng. 

Đông đảo thân nhân liệt sĩ tụ họp về dâng hương tưởng niệm người thân đã hi sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc

ẢNH: B.B

Sáng 6.2.1970 (mùng 1 tết Canh Tuất), 2 cánh quân của Tiểu đoàn 7 họp lại tại rừng tràm kênh 62 (xã Vĩnh Đại, H.Tân Hưng). Lúc 13 giờ cùng ngày, nơi đồn trú của Tiểu đoàn 7 bị địch phát hiện và chúng đã điều động 5 tiểu đoàn trong khu vực và dùng máy bay, phi pháo tấn công. Bộ đội của Tiểu đoàn 7 nổ súng chống trả quyết liệt, song do không có công sự chiến đấu, phần đông là chiến sĩ miền Bắc mới vào chưa quen địa hình đồng bằng sông nước, không có chi viện… Hơn 300 bộ đội đã hy sinh, số quân còn lại vượt ra khỏi vòng vây, tụ họp được với Trung đoàn 88 tại Campuchia. Sau trận đánh, quân địch vẫn tiếp tục bao vây, đồng thời cài mìn trên xác của bộ đội nhằm tiêu diệt lực lượng ta đến lấy xác của đồng đội mình về chôn cất.
Từ năm 1982, Đảng bộ, chính quyền địa phương và các thân nhân các liệt sĩ đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm nhưng đến nay hơn 200 hài cốt liệt sĩ thuộc Trung đoàn 88 vẫn còn thất lạc tại vùng bưng biền này. Khoảng 10 năm trước, chính quyền và người dân địa phương xã Vĩnh Đại đã dựng tạm ngôi nhà nhỏ ở đây để hương khói cho vong linh các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 88.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ hai từ phải sang) mặc niệm tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại vùng bưng biền H.Tân Hưng

ẢNH: B.B

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị chính quyền tỉnh Long An, H.Tân Hưng tiếp tục đầu tư để Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 88 ngày càng trở thành trung tâm văn hóa - giáo dục, củng cố truyền thống yêu nước, nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước, mang lại hòa bình và cuộc sống bình yên cho các thế hệ sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.