Gần 20 năm trước, chính quyền TP.HCM đã quyết tâm thực hiện cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng nguồn vốn ngân sách TP. Hơn 7.000 căn hộ sống dọc kênh đã được giải tỏa, làm đường ven kênh và tạo cảnh quan đô thị dọc 2 bờ kênh. Sau đó, được sự chấp thuận chủ trương của Chính phủ, DA cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (sau đó đổi tên là DA Vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giai đoạn 1) đã được đưa vào danh mục vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) tài khóa 2000 - 2001 và WB đã quyết định cho vay để thực hiện. Khối lượng của DA gồm xây dựng một tuyến cống bao dài khoảng 9 km (đường kính 2,5 m và 3 m), 59 công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn phân bố dọc bờ kênh để nối hệ thống thu gom vào tuyến cống bao; xây dựng 1 trạm bơm có thiết bị lược rác với công suất là 64.000 m3/giờ và hệ thống điều khiển để vận hành trạm bơm. DA cũng đã hoàn thành xây dựng khoảng 18 km bờ kè đứng dọc 2 bờ kênh; nạo vét giai đoạn 2 khoảng 1,1 triệu m3 bùn; thay thế và mở rộng khoảng 64 km cống thoát chung cấp 2 và cấp 3 trong lưu vực và cải tạo khoảng 5,5 km cống vòm hiện hữu dựa trên kết quả khảo sát hệ thống cống bằng kỹ thuật vô tuyến. Hiện toàn bộ nước thải sinh hoạt của các hộ dân trên lưu vực với khoảng 1,6 triệu người, không còn đổ xuống kênh mà chảy vào tuyến cống bao, được bơm xả ra, pha loãng với nước sông Sài Gòn. Trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ còn tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn.
|
Để tăng thêm vẻ mỹ quan dọc 2 bờ kênh, UBND TP.HCM đã sử dụng nguồn vốn ngân sách thực hiện DA cải tạo và mở rộng 2 bên đường dọc kênh, lắp đặt đèn chiếu sáng và trồng cây xanh, suốt chiều dài 2 bên tuyến kênh từ thượng lưu (Q.Tân Bình) đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), tạo nên trục giao thông mới cho người dân TP.
Với thành công của DA, WB đã tiếp tục cho vay 450 triệu USD để thực hiện DA giai đoạn 2, bao gồm xây dựng 9 km tuyến cống bao có đường kính 3,2 m và 1 nhà máy xử lý nước thải có công suất 480.000 m3/ngày đặt tại Q.2. |
Mai Vọng
Bình luận (0)