Ngày 28.6, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố báo cáo sơ bộ công tác thăm dò và khai quật khảo cổ tại di tích tháp đôi Liễu Cốc (thôn Bàu Tháp, P.Hương Xuân, TX.Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), qua đó bước đầu phát hiện nhiều hiện vật quan trọng.
Trước đó, thực hiện Quyết định số 898/QĐ-BVHTTDL ngày 2.4.2024 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm dò và khai quật tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc trên diện tích hơn 80 m2.
Kết quả, làm xuất lộ hoàn toàn dấu tích nền móng kiến trúc tháp Bắc và xác định được vị trí tháp Cổng, hệ thống tường bao và đường đi nội bộ trong di tích, đồng thời đưa lên khỏi lòng đất một số loại hình di vật tiêu biểu.
Song song với việc làm xuất lộ quy mô kết cấu nền móng kiến trúc tháp Bắc và các dấu tích kiến trúc liên quan khác, trong quá trình khai quật, các chuyên gia khảo cổ cũng thu được một khối lượng di vật lớn gồm 4.807 tiêu bản. Trong đó, tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung, tiền kim loại...
Quan sát hiện trạng di tích, các chuyên gia nhận thấy bề mặt nền đất của di tích đã bị xáo trộn, nhiều di vật hiện đại như gạch, ngói, bát hương, bình vôi, đèn… do quá trình thờ cúng quanh tháp của người dân tấp vào; cây cỏ xâm thực mạnh, tạo thành gò nổi cao ở giữa, thấp dần ở hai bên phía bắc và phía tây của tháp.
Sau khi phát quang và mở hố khai quật, ở độ sâu từ 102 - 215 cm, kết cấu địa tầng của di tích đã được xuất lộ, có thể phân thành 4 lớp.
Lớp thứ nhất dày từ 60 - 130 cm, đất màu xám vàng, tơi xốp, lẫn nhiều gạch Chăm vỡ vụn, trong đó có nhiều mảnh gạch, ngói, bát hương hiện đại. Đây là lớp đất xáo trộn được người dân san lấp và tấp vào chân tháp trong quá trình cải tạo đất trồng hoa màu xung quanh.
Lớp thứ hai dày 20 - 30 cm, đất màu nâu vàng, kết cấu chặt, lẫn ít gạch Chăm vỡ vụn, đặc biệt chứa nhiều mảnh gốm men Việt Nam có niên đại thời Trần, Lê sơ, Mạc và đồ sứ Trung Quốc thời Minh - Thanh.
Lớp thứ ba dày 40 - 50 cm, đất màu nâu đen, mủn, trong đất có cả mảng tường cửa tháp đổ, lẫn nhiều gạch vỡ, kích thước lớn, mảnh đá trang trí góc tháp, đầu tượng Phật, mảnh bia đá, bình vôi và gốm Chăm, niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 - 12.
Lớp thứ tư dày 10 - 25 cm, đất màu nâu vàng lẫn cát mịn, thuần, bề mặt có lớp đất laterite màu nâu đỏ lẫn bột gạch đầm kỹ. Đây là lớp đất gia cố đáy móng tháp.
Qua diễn biến địa tầng, nhận thấy tháp đôi Liễu Cốc được xây dựng trên một gò đất phù sa của sông Bồ, cao hơn mực nước biển từ 3,7 - 4 m. Trước khi xây dựng tháp, người xưa đã đổ đắp thêm một lượng đất phù sa để tạo mặt bằng, sau đó đầm chắc bằng lớp đất laterite và bột gạch dày 5 - 12 cm để gia cố đáy móng tháp.
Sau năm 1306, vùng đất hai châu Ô và Lý (từ đèo Hải Vân ra đến Quảng Trị) được vua Chăm Chế Mân dâng làm vật sính lễ cho nhà Trần để cưới công chúa Huyền Trân. Nhà Trần đã đổi tên 2 châu Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu của nước Đại Việt. Kể từ đó, tháp đôi Liễu Cốc dần bị xuống cấp, không được chăm sóc, tu bổ, nhiều cấu kiện và trang trí kiến trúc bị rơi rụng và vùi lấp trong đất (lớp ba).
Từ cuối thời Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ 14 - 20), ở khu vực tháp đôi Liễu Cốc, người dân (có cả người Việt lẫn người Chăm) sùng tín đều đến đây dâng hương, lễ bái, đặc biệt nơi đây còn có miếu thờ Dương Phi. Do vậy, nhiều tàn tích vật chất như bát, đĩa, tiền đồng còn lưu lại trong lòng đất ở quanh tháp (lớp hai).
Có thể từ sau năm 1945, di tích mới thực sự bị hoang phế, kẻ gian đã đào phá cửa tháp và lòng chính điện tháp, góp phần trực tiếp làm tháp bị sụp đổ. Những năm 1980, người dân san lấp, tạo mặt bằng, lợp mái che ở phía bắc để thờ cúng, tổ chức hầu đồng… Sau này, khi hiện tượng hầu đồng không còn, chân tháp trở thành nơi tập kết các vật liệu, mảnh vỡ đồ dùng khi người dân cải tạo đất trồng hoa màu.
Theo đánh giá của đoàn khảo cổ, tháp đôi Liễu Cốc là di tích đền tháp Champa hiếm hoi còn xuất lộ trên mặt đất tính từ bắc Mỹ Sơn trở ra, và may mắn hơn lại được tọa lạc trên vùng đất Thừa Thiên - Huế, nơi còn có sự hiện diện của tháp Phú Diên và dấu tích của hàng chục di tích thành lũy, đền tháp Champa khác, góp phần sinh động cho bức tranh toàn cảnh về chiều sâu văn hóa của Huế.
Từ đầu thế kỷ 20, tháp đôi Liễu Cốc đã được người Pháp ghi danh và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương; năm 1994, di tích đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia.
Tuy nhiên, do đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhiều dấu tích bị vùi lấp trong lòng đất khiến cho việc nhận thức về di tích còn hạn chế. Vì vậy, với kết quả nghiên cứu, khai quật lần này, nhiều vấn đề khoa học đã được làm sáng tỏ; đồng thời, gợi mở nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung tư liệu để có cái nhìn tổng quan và đầy đủ hơn về di tích quý giá này.
Bình luận (0)