* Thanh Hóa: Sau một ngày mưa phùn, gió bấc, đến chiều tối 29 tết, thời tiết ở Thanh Hóa đã tạnh ráo với cái rét ngọt khoảng 18 độ C, rất thuận tiện cho việc du xuân ngắm pháo hoa đón chào năm mới của người dân. Tại thời điểm này, rất đông người đang tập trung về các tụ điểm sinh hoạt văn hóa ở TP.Thanh Hóa như Quảng trường Lam Sơn, Quảng trường Lê Lợi, Công viên Hội An để du xuân và xem các tiết mục văn nghệ.
Tại Quảng trường Lam Sơn, các đoàn nghệ thuật đang chuẩn bị cho một đêm văn nghệ hoành tráng đón giao thừa.
Phía sau Quảng trường và trên một số tòa nhà cao tầng, lực lượng bộ đội đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho màn pháo hoa đón chào giờ phút thiêng liêng của năm Quý Tỵ sắp đến...
Dạo một vòng quanh TP.Thanh Hóa, đâu đâu PV Thanh Niên Online cũng chứng kiến một không khí nhộn nhịp, khẩn trương mà tươi vui của người dân trong đêm giao thừa.
Các chủ cửa hàng đang khẩn trương dọn dẹp hàng hóa để chờ đón Tết.
Các công nhân làm vệ sinh môi trường đang hối hả quét sạch những con đường trước thời khắc giao thừa gõ cửa.
Tại các đền chùa, các bà, các mẹ đang thành kính đốt hương cầu phúc.
Để tránh việc người dân tự phát bẻ lộc đầu năm, các nhà chùa đã chuẩn bị sẵn những cành lộc bằng kim tuyến và mía cây... để ban phát cho người dân khi họ đến lễ chùa, hái lộc...
Tuy nhiên, hiện nay, trên các tuyến đường chính của TP.Thanh Hóa đang xuất hiện nhiều tốp thanh niên đi xe không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Theo thông tin từ Công an TP.Thanh Hóa, từ đầu tối đến khoảng 22 giờ, lực lượng CSGT đã bắt hàng chục mô tô vi phạm an toàn giao thông. Hầu hết những nhừng người điều khiển mô tô đều không đội mũ bảo hiểm và có nhiều biểu hiện say rượu… (Ngọc Minh)
* Bình Định: Khoảng 22 giờ, một trận mưa to đã bất ngờ trút xuống TP.Quy Nhơn khiến nhiều người tụ tập tại Quảng trường trước Trung tâm thương mại Quy Nhơn để đón chờ thời khắc giao thừa bị ướt nhẹp, phải đội áo mưa, che dù. Theo lịch trình, đêm dạ hội giao thừa sẽ diễn ra từ diễn ra từ 21 giờ 30 đến 23 giờ đêm 29 tháng chạp.
Ông Đào Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, cho biết: “Dạ hội giao thừa sẽ có nhiều tiết mục hát, múa, biểu diễn võ thuật đặc sắc, giới thiệu một số nét đặc trưng văn hóa truyền thống Bình Định”.
Kế đến là tiết mục bắn pháo hoa, thời gian bắn 15 phút dự định bắt đầu từ 23 giờ đêm 29 Tết với 180 giàn pháo hoa có tổng kinh phí 600 triệu đồng. (Tin, ảnh: Trần Thị Duyên)
|
* Bà Rịa-Vũng Tàu: Tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại 5 điểm: Đài tưởng niệm liệt sĩ TP.Vũng Tàu; Cầu tàu 914 H.Côn Đảo; Công viên bờ hồ thị trấn Phước Bửu, H.Xuyên Mộc; Trung tâm Hành chính - Chính trị tỉnh tại TP.Bà Rịa và xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành.
Tại mỗi điểm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ bố trí 120 giàn (mỗi giàn có từ 25 - 50 quả pháo các loại) để bảo đảm pháo hoa được bắn liên tục trong khoảng thời gian 15 phút (từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút đêm giao thừa).
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, pháo hoa năm nay được sản xuất kế theo tên của rất nhiều loại hoa như: hoa cúc đơn, hoa buông đỏ, liễu rủ, hoa hướng dương, hoa nhụy vòng…
Pháo hoa năm nay có ánh sáng lấp lánh hơn, tán sáng rộng hơn, thời gian sáng trên bầu trời lâu hơn.
Lần đầu tiên, tại xã Hắc Dịch có pháo hoa nên từ nhiều ngày qua người dân tại địa phương và các xã lân cận rất háo hức.
|
Anh Nguyễn Thanh Sáng (43 tuổi, ngụ xã Sông Xoài, H.Tân Thành) cho biết, đây là lần đầu tiên anh đi xem bắn pháo hoa.
Có mặt tại điểm bắn pháo hoa xã Hắc Dịch từ lúc 22 giờ, anh Sáng cho hay, nhà anh cách điểm bắn pháo hoa khoảng 5km.
“Đã đến tuổi này nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem bắn pháo hoa. Vì trước đây, pháo hoa chỉ được bắn ở trung tâm huyện và các trung tâm thành phố nên tôi không thể đi xem được. Cả nhà tôi ngồi đây lâu rồi để đợi xem bắn pháo hoa”, anh Sáng nói.
Không riêng gì anh Sáng, bác Nguyễn Văn Điển (74 tuổi, ba ruột anh Sáng) cũng là lần đầu tiên đi xem bắn pháo hoa.
Bác Điển chia sẻ: “Từ đó giờ chỉ xem qua ti vi. Đây là lần đầu tiên chứng kiến tận mắt pháo hoa nở rộ trên bầu trời. Mong năm nào pháo hoa cũng được bắn ở vùng nông thôn để người dân được đi xem”.
Từ 21 giờ, ở các điểm bắn pháo hoa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều người dân đến tìm chỗ đứng thích hợp để chờ tới giờ đón giao thừa, xem pháo hoa. (Nguyễn Long)
* Năm nay Bình Thuận có 7 điểm bắn pháo hoa trong thời khắc giao thừa. Các điểm bắn pháo hoa gồm: Cầu Lê Hồng Phong (TP.Phan Thiết), P.Tân An, TX.La Gi, thị trấn Liên Hương (H.Tuy Phong), thị trấn Thuận Nam (H.Hàm Thuận Nam), thị trấn Ma Lâm (H.Hàm Thuận Bắc), xã Tân Thắng (H.Hàm Tân) và điểm bắn pháo hoa cuối cùng chính là đảo Phú Quý.
Mới từ 21 giờ, các con đường dẫn đến cầu Lê Hồng Phong của TP.Phan Thiết đã chật cứng người. Ai cũng muốn tiến đến gần để được nhìn pháo hoa rực rỡ nhất trong thời khắc thiêng liêng của năm mới. Năm nay, trong số hàng trăm nghìn du khách đến Phan Thiết đón Tết, còn có khoảng 30.000 người là khách quốc tế đang lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng như Mũi Né, Hàm Thuận Nam cùng đến xem bắn pháo hoa.
Hai bên bờ sông Cà Ty của TP.Phan Thiết, ánh đèn trang trí lung linh những dát vàng óng ánh. Dòng sông Cà Ty trong đêm giao thừa lộng lẫy sắc màu.
Pháo hoa trên dòng Cà Ty sắc màu
Trước đó, vào thời điểm chờ đón giao thừa, tại tất cả các địa bàn huyện, thị xã đều có chương trình ca nhạc đặc biệt đón Xuân. Tại các resort ở Mũi Né - Hàm Tiến (TP.PhanThiết), du khách quốc tế còn được thưởng thức nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc mang phong cách cổ truyền Việt như múa lân, múa rối nước, đờn ca tài tử… (Quế Hà)
* An Giang: Năm nay tỉnh tổ chức bắn pháo hoa sớm tại hai điểm TP.Long Xuyên, thị xã Châu Đốc (cùng bắn lúc 21 giờ 30) và thị xã Tân Châu (vào lúc 22 giờ) cho người dân thưởng lãm pháo hoa xong về vui tết, đón giao thừa. Vì thế, người dân đi xem rất đông.
Từ lúc 19 giờ đêm, đường phố TP.Long Xuyên, An Giang đã đông nghẹt dòng người, dòng xe hướng về Quảng trường Trưng Nữ Vương, phường Mỹ Long xem bắn pháo hoa đón giao thừa.
Lúc 20 giờ, các đường phố chính trong nội ô TP.Long Xuyên đã đông nghịt người, lực lượng cảnh sát giao thông, công an… khá vất vả mới giải tỏa được áp lực ùn tắc. (Thanh Dũng)
* Quảng Ninh: Bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng ngàn người dân thành phố Hạ Long đã náo nức kéo về Công viên Lán Bè, P.Bạch Đằng, TP.Hạ Long, Quảng Ninh để chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa mừng giao thừa. Năm nay Hạ Long tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp 15 phút, bắt đầu từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút.
Trước đó, tại Quảng trường Trung tâm văn hóa thể thao Cột 3, P.Hồng Hải, TP.Hạ Long, người dân Hạ Long đã tham dự Lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân Quý Tỵ với những màn ca múa nhạc đặc sắc, múa rồng lân và trình chiếu ánh sáng nghệ thuật bên bờ vịnh Hạ Long.
Được biết, theo kế hoạch, TP.Hạ Long là 1 trong số 11 địa phương trên địa bàn Quảng Ninh được tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp mừng Xuân Quý Tỵ 2013. Các địa phương còn lại là Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều, Cô Tô, Hoành Bồ, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn và Bình Liêu.
Tuy nhiên, TP.Cẩm Phả, H.Đông Triếu sau đó đã quyết định dừng việc bắn pháo hoa để dành số tiền này (khoảng 500 triệu đồng) vào việc chi hỗ trợ thêm cho các hộ nghèo ăn tết và xây trụ sở cho người Hội người mù. (Mộc Lan)
* Thừa Thiên-Huế: Màn pháo hoa tầm cao lung linh sắc màu trên nền trời cố đô Huế đã chính thức gõ cửa năm mới Quý Tỵ trong tiết mưa xuân se lạnh. Năm nay, giao thừa tại Thừa Thiên-Huế pháo hoa được bắn tại Quảng trường Ngọ Môn và tại thị trấn Sịa, H.Quảng Điền. Lần đầu tiên được thưởng thức pháo hoa nên từ rất sớm người dân ở các xã trong huyện đã nô nức đổ về trung tâm huyện để xem pháo hoa.
Trước thời khắc giao thừa tại sân khấu trước Ngọ Môn, dưới chân Kỳ đài Huế đã diễn ra chương trình nghệ thuật tổng hợp đặc sắc.
|
Năm nay, chợ hoa xứ Huế trong chiều cuối năm hút hàng hơn mọi năm. Gần đến giờ bế mạc, nhiều người đã tranh thủ đến chợ hoa để lựa chọn cho mình những chậu hoa ưng ý. Hai loài hoa được ưa thích nhất mà hầu như gia đình nào cũng mua là cúc vàng và hoa mai. Hoa ly mặc dù đã trồng ở Huế, nhưng vẫn được yêu thích nên giá bán cũng khá cao, mỗi nhành lên tới 60 đến 100 ngàn đồng.
|
Chiều cuối năm cũng là thời điểm mà nhiều người dân nghèo tranh thủ kiếm tiền. Lẫn trong sắc màu rực rỡ hoa xuân, đây đó trên phố người đi đường vẫn bắt gặp những gương mặt lam lũ đẫm mồ hôi nhọc nhằn mưu sinh. Đồng hành với họ là những công nhân vệ sinh môi trường làm việc xuyên đêm cho gương mặt phố phường sạch đẹp cho ngày đầu năm, những chiến sĩ CSGT, CS trật tự giữ gìn cho đêm giao thừa bình an. (Bùi Ngọc Long)
* Nam Định: Từ 21 giờ đêm giao thừa, các ngả đường nội thành Nam Định đều chật cứng người, một số đường khu trung tâm như Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Trần Phú… có nhiều đoạn bị tắc nghẽn.
Ngày cuối cùng của năm Nhâm Thìn, tại Nam Định mưa suốt buổi sáng. Tuy nhiên, từ khoảng 13 giờ trời ngớt mưa, không khí dần khô ráo. Sau khi cúng tất niên và chuẩn bị xong mâm cỗ đón giao thừa, hầu hết người dân thành phố Nam Định đều đổ ra đường.
Điểm tập trung đông người nhất thời điểm trước giao thừa là khu vực Chùa Vọng Cung, Chùa Cả. Hầu hết cư dân theo đạo Phật đều tập trung về đây như một thói quen để cầu mong một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng.
Ngoài khu vực cửa chùa, các hàng bán cây lộc kéo dài hàng cây số. Mỗi người dân sau khi đi lễ chùa đều mua cho mình và gia đình một cành lộc lấy may. Đây là điểm khác với mọi năm, người dân bẻ cành, hái hoa ở các điểm công viên, công cộng khiến buổi sáng diện mạo thành phố trở nên xơ xác.
|
Là địa phương có nhiều đồng bào công giáo (khoảng trên 20%), hầu hết giáo dân đều đến nhà thờ để làm lễ. Tập trung cao điểm nhất khoảng 22 giờ, hầu như các nhà thờ trên địa bàn đều đông kín giáo dân.
Trong dòng người đi đón Tết, có những bạn trẻ kết hợp để đi làm từ thiện. Anh Ngô Ngọc Tuấn, chủ nhiệm Chương trình Bánh chưng xanh 2013 cho biết, tối nay cũng như tối 23 tháng chạp, anh và các thành viên đã tổ chức đi trao bánh chưng và quà Tết cho những người lang thang cơ nhỡ với mong muốn trước thời khắc năm mới, mọi người đều có điều kiện đón Tết.
Năm nay, Nam Định bắn pháo hoa ở khu vực Công viên hồ Vị Xuyên. Người dân từ các chùa, nhà thờ đều đổ về khu vực này. Các trục đường dẫn đến khu vực bắn pháo hoa như Lê Hồng Phong, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Du, Hùng Vương… đều chật cứng người. Lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự đô thị phải lập rào chắn ngăn xe máy từ cách xa hàng cây số nhưng vẫn diễn ra tình trạng tắc đường.
|
Đến 21 giờ 30 phút, bờ hồ Vị Xuyên chật cứng, người dân phải đứng trên các hè đường để đợi xem bắn pháo hoa. Ước tính có đến trên một vạn người đã tập trung về đây. Đúng giao thừa, cả vạn người đồng thời cất tiếng reo hò khi những chùm pháo hoa đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Thành Nam.
Sau 15 phút xem pháo hoa, người dân Nam Định lại đi chơi trên các đường phố rồi mới trở về nhà đón chào năm mới Quý Tỵ. Phải đến hơn 2 giờ sáng ngày mùng 1 Tết, đường phố Nam Định mới dần trở lại tĩnh lặng. (Hoàng Long)
* Lý Sơn, Quảng Ngãi: Người dân trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - quê hương của đội Hùng Binh Hoàng Sa trong giờ khắc giao thừa tết Quý Tỵ 2013 đã lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến những chùm pháo hoa đủ màu sắc ngay trên bầu trời quê hương.
Tại tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn, thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới 2013, không khí thật rộn ràng trước khi những màn pháo hoa lung linh sắc màu được bắn lên.
Các tiết mục văn nghệ Mừng Đảng - Mừng Xuân - Mừng quê hương đổi mới được đoàn viên thanh niên trong huyện trình diễn đã thu hút hàng ngàn khán giả. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo vô cùng vui mừng, hạnh phúc vì có một đêm giao thừa thật ý nghĩa, một mùa xuân thật vui tươi và ấm áp.
Trong giờ phút thiêng liêng chào đón năm mới Quý Tỵ 2013, người dân trên đảo,đã tận mắt thưởng thức những chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời.
|
Có mặt để thưởng thức các tiết mục văn nghệ và màn bắn pháo hoa tại chân tượng Đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, ông Bùi Văn Hà, 80 tuổi, ở thôn Đông, xã An Hải vui mừng cho biết "lần đầu tiên trong đời được tận hưởng những màn pháo hoa đẹp và rực rỡ sắc màu như thế. Bước sang năm mới 2013, chúng tôi cầu mong sao quê hương Hùng binh Hoàng Sa ngày càng phát triển để xứng đáng là đảo tiền tiêu của Tổ quốc".
Giống như ông Hải, hàng ngàn người dân đất đảo đều có chung cảm nhận về một đêm giao thừa tuyệt vời đầy màu sắc này.
Màn pháo hoa trong đêm giao thừa Quý Tỵ 2013 đã thực sự là sự kiện trọng đại đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Lý Sơn, góp phần làm cho không khí vui xuân đón tết của người dân trên đảo thêm rộn ràng và phấn khởi ngay những thời khắc đầu xuân mới. (Văn Mịnh)
* Cà Mau: Từ hơn 19 giờ, từng dòng người đổ về TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) để xem bắn pháo hoa ken cứng các ngả đường. Tại khu trung tâm thị trấn các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Thới Bình... người dân cũng đổ về xem bắn pháo hoa ngày một đông.
Đến khoảng 22 giờ 30 phút những trục đường chính các thị trấn nêm cứng người.
Đường phố ở TP.Cà Mau và các trung tâm huyện được trang trí đèn hoa rực rỡ. Riêng đường Phan Ngọc Hiển, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo - đường dẫn vào Trung tâm Cửu Long Plaza, điểm bắn pháo hoa được trang trí đèn hoa sáng rực cả khu vực. Không khí xuân tràn ngập khắp nơi.
22 giờ 45 phút, toàn thành phố vang tiếng reo hò của người dân đón chào năm mới cùng với những chùm pháo hoa đầu tiên được bắn lên bầu trời. (Gia Bách)
>> Mỹ Tâm trải lòng cùng "Lần đầu tôi kể
>> Bạc Liêu tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa
>> Bắn pháo hoa đêm giao thừa tại đảo Lý Sơn
>> Đón giao thừa trong... toilet siêu thị
>> Hơn 1.100 xe bị đốt trong đêm giao thừa
>> 1.193 xe hơi ở Pháp bị đốt đêm giao thừa
Bình luận (0)