Khát khao con chữ trên đỉnh Màng Ten

11/08/2021 06:31 GMT+7

Bé thơ ê a đánh vần con chữ giữa rừng tựa tiếng chim hót chốn non cao. Bàn tay nhỏ cầm bút nắn nót viết vào trang vở kê trên khúc cây khô khiến bao người thương cảm...

Mùa nắng hạ, nhiều cặp vợ chồng dân tộc HRê ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) đưa con vào rừng “sống đời Digan”. Ngày, cha mẹ nhọc nhằn cưa hạ, lột vỏ keo thuê. Đêm, cả gia đình quây quần trong lán trại trên đỉnh cao lộng gió. Tiếng trẻ thơ ê a đánh vần con chữ giữa rừng khiến họ xót thương phận mình, rồi nhủ lòng phải gắng sức đưa con đến trường cho đời vơi khổ.

Đời cha thiếu chữ...

Đêm trên đỉnh Màng Ten (giáp ranh Ba Tơ và Đức Phổ), tôi đã nghe những câu chuyện của nhóm người ở thôn Hố Sâu, xã Ba Khâm, H.Ba Tơ đi khai thác keo thuê mà xót lòng. Do ít học và thiếu đất sản xuất nên nhiều người HRê phải chịu cảnh nghèo khổ, sống đời làm thuê, rong ruổi khắp núi rừng.
Phận nghèo lan sang con cháu như định mệnh, khổ cực bám lấy những con người hiền lành, chất phác. Hơn 40 tuổi, vợ chồng anh Phạm Văn Héo và chị Phạm Thị Biết trải qua bao nỗi cơ cực nơi núi rừng. Ngày ngày, anh cùng người làng rong ruổi khắp rừng tìm lâm sản mang về bán cho thương lái miền xuôi. Chị cặm cụi chăm bón sào ruộng lúa bậc thang bạc màu nên thu nhập chẳng đáng là bao. Rồi rừng keo trải dài, bao phủ núi gần lẫn non xa. Khoản tiền thu từ keo làm giàu cho chủ rừng, nhưng gây ảnh hưởng đến sinh kế của bao cư dân miền sơn cước. Lâm sản khan hiếm nên những chuyến đi rừng dài ngày trở về với tiếng thở dài nghe não lòng. Mạch nước ngầm cạn kiệt, ruộng lúa chỉ sản xuất một vụ trong năm. Sống giữa rừng nhưng chẳng thể dựa vào rừng, họ đành dắt nhau rời làng mưu sinh nơi xa.
Chớm đông, vợ chồng anh Héo gửi con nhỏ rồi bắt xe lên Tây nguyên hái cà phê, làm thuê cho chủ vườn. Chừng đôi tháng, anh chị về nhà khi hết việc làm trên miền cao nguyên đất đỏ. Niềm vui khi được ôm con vào lòng xen lẫn âu lo vì “những ngày sắp tới làm gì ra tiền” lởn vởn trong tâm trí. Dịp may đến với anh chị khi người làng rủ vào rừng cưa hạ cây keo và lột vỏ thuê. Niềm vui vì có việc làm xua đi khổ cực lẫn nỗi lo hiểm nguy cận kề. “Vợ chồng tôi đều không biết chữ nên có việc làm là tốt lắm rồi. Bao đời ông bà rồi đến mình đều khổ. Vậy nên hai vợ chồng ráng làm kiếm tiền cho con ăn học”, chị Biết tâm sự.
Anh Phạm Văn Thủy rì rầm kể chuyện đời mình giữa rừng đêm. Học đến lớp 6, vì “đường sá gập ghềnh, trường xa, nhà khó” nên anh nghỉ học như bao thiếu niên cùng làng. Rồi theo bạn bè đi làm. Lần đầu tiên trong đời, anh mừng rơi nước mắt khi cầm trên tay 900.000 đồng tiền công cả tháng hái cà phê thuê cho chủ vườn ở Tây nguyên. Và kiếp làm thuê cơ cực vận vào đời anh từ đấy. Mùa khô, anh cùng vợ và người làng cưa hạ, lột vỏ keo thuê trên những miền rừng xa thẳm. Khi những cơn mưa tắm mát núi đồi, cây lá tốt tươi, anh cùng nhiều người lom khom phát chồi thuê dưới tán keo xanh mướt. Lao động cực nhọc và cận kề hiểm nguy, nhưng đó là điều may mắn vì có việc làm.
Khát khao con chữ trên đỉnh Màng Ten1

Trẻ thơ đánh vần con chữ trong đêm

ẢNH: TRANG THY

Thấm nỗi cơ cực vì thiếu học nên anh luôn cố gắng làm mọi việc để kiếm tiền lo cho con đến trường. Những ngày hè, vợ chồng anh mang hai con vào rừng để được quây quần trong lán trại sau những giờ lao động vất vả. Bước vào năm học, anh gửi con cho người chị gái đón đưa đến trường mỗi ngày. Chiều muộn, vợ chồng anh cưỡi xe máy vượt hàng chục cây số về nhà để được trông thấy con, dù nhiều bữa các bé ngủ vùi mang cả đợi chờ vào trong giấc mơ.

Ê a con chữ giữa rừng

Bé Phạm Thị Trần (8 tuổi, con gái của vợ chồng anh Héo) cặm cụi làm phép tính cộng trừ dưới ngọn đèn điện tỏ mặt người. Bàn học là khúc gỗ keo khô kiệt vì nắng nóng, ghế là đôi dép nhựa lót trên nền đất nâu giữa rừng. Những ngón tay nhỏ gầy cầm bút nắn nót viết từng con số vào trang vở mỏng như lá rừng. Nghe lời khen khi làm phép tính đúng, bé mỉm cười, vẻ mặt bẽn lẽn ngước lên nhìn khách lạ rồi cặm cụi bên trang giấy.
Vợ chồng anh Héo nở nụ cười tươi làm phai mờ những vết nhăn trên gương mặt sạm đen sau bao ngày dãi dầu mưa nắng. Mùa thu tới, bé vào lớp 3 với quãng đường đến trường chừng 9 km trập trùng đèo dốc. Vì không biết lái xe nên chị Biết phải vào rừng làm thuê, anh Héo ở nhà đưa đón con đến lớp mỗi ngày. “Dù mình tôi đi làm ít tiền hơn nhưng cũng để chồng ở nhà đưa đón con. Phải cho con học để biết thêm cái chữ. Đến hè cả hai vợ chồng cùng đi làm và dẫn con vào rừng...”, chị bộc bạch.
Khi cha mẹ bận rộn công việc ngoài rừng, bé Trần trông chừng em nhỏ, con của những người chung nhóm cưa hạ và lột vỏ keo thuê. Bé vào vai cô giáo chỉ bảo các em ê a đánh vần con chữ bên lán trại. Những đôi mắt ngây thơ nhìn vào trang vở, miệng líu lo như chim hót đón chào nắng ban mai. Tóc rám nắng lòa xòa, phất phơ trước gió. Các cháu hồn nhiên đọc chữ, đùa vui giữa núi rừng. Trẻ thơ chơi chán rồi học, học rồi lại chơi. “Con bày chữ mấy em đọc chứ viết chưa được. Mấy em ưng chơi học chữ lắm”, bé Trần rụt rè cho biết.
Khát khao con chữ trên đỉnh Màng Ten2

Sau giờ bóc vỏ keo, Phạm Văn Tuấn (14 tuổi) dạy các em phép tính

Các cháu bé trú ngụ cùng cha mẹ trên đỉnh Màng Ten hào hứng đón nhận chiếc bảng nhựa mỏng cùng hộp phấn trắng bạn tôi mang vào rừng. Các cháu xúm quanh chiếc bảng treo lên chạc cây, hí hoáy viết chữ, xóa sạch rồi lại viết, gương mặt lộ vẻ thích thú. Sau giờ lột vỏ keo, em Phạm Văn Tuấn (14 tuổi) cầm phấn đứng trước bảng dạy các em thơ. Các cháu chăm chú lắng nghe, miệng há tròn như nuốt từng lời. Những đôi mắt mở to nhìn lên bảng, vẻ mặt đầy háo hức.
Sau tiếng đọc của Tuấn, giọng các cháu hòa theo rập ràng trong gió ngàn xào xạc. “Nhiều em chưa biết chữ và con số, nhưng ưng học lắm. Đọc xong bữa sau quên mất nhưng vẫn ưng học. Cháu theo mấy cô, chú lột vỏ keo đến khai giảng năm học mới thì nghỉ làm để đến trường. Lúc đó, cháu có tiền mua sách vở và phụ giúp gia đình rồi. Hè sang năm tiếp tục vào rừng làm nữa...”, Tuấn cho biết.
Nhìn con dõi theo dòng chữ trên bảng, anh Thủy thỏa lòng ước nguyện, gương mặt rạng ngời niềm vui. Anh nhắc vợ mua quần áo mới cùng dụng cụ học tập cho 2 con: đứa lớn sắp vào lớp 5, nhỏ vào lớp 2. Căn nhà tạm bợ, khoản tiền thu nhập từ việc làm thuê thất thường, nhưng anh dự định tìm cô giáo dạy thêm cho con lớn để sức học theo kịp chúng bạn. “Dù nghèo khổ tôi vẫn gắng cho con ăn học cái chữ. Có ăn học kiếm cái nghề thì đời mới bớt cơ cực. Nếu không thì chỉ quẩn quanh, làm thuê trong rừng, biết bao giờ mới hết khổ!”, anh khẳng định.
Tôi cùng bạn rời đỉnh Màng Ten với những cánh tay bé nhỏ vẫy chào tạm biệt. Ngoảnh nhìn, dáng đứng trẻ thơ tựa cây non vươn lên trong nắng sớm. Tiếng ê a đánh vần con chữ theo mỗi bước chân qua đèo dốc điệp trùng.
Ông Lữ Đình Tích, Phó chủ tịch UBND H.Ba Tơ (Quảng Ngãi), cho biết: Theo số liệu thống kê, có hơn 1.000 người dân trong huyện làm nghề khai thác cây keo thuê. Những lúc nông nhàn, họ đi làm thuê để kiếm thêm nguồn thu nhập. Cuộc sống của bà con được cải thiện hơn so với trước, nhưng nhiều người vẫn còn khó khăn. Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí cho con em hộ nghèo và những học sinh ở xa trường nhằm khuyến khích, động viên các em đến lớp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.