'Khát' nước bên công trình nửa tỉ

11/08/2018 19:34 GMT+7

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Đại Minh (H.Đại Lộc, Quảng Nam) phải sống chung với nguồn nước bị ô nhiễm ngay bên cạnh công trình nước sạch được đầu tư nửa tỉ đồng...

Chị Lương Thị Thùy Trang (thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh) cho hay hàng chục năm nay cả trăm hộ dân phải sống trong cảnh thiếu nước sạch và phải dùng nguồn nước nhiễm phèn vôi, phèn đỏ từ giếng đào, giếng khoan.
Tình trạng này khiến người dân lo lắng vì sợ nguồn nước bẩn gây nguy cơ mắc bệnh cao. Nước dù đã được lọc qua nhiều lần, nhưng chỉ cần để qua đêm lại… chuyển màu đỏ đục, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Túng thế, họ phải hứng nước mưa để sử dụng hoặc phải mua nước lọc đóng bình, rất tốn kém.
“Dù biết là nước mưa không sạch nhưng chúng tôi đành phải tích trữ để sử dụng. Khi nước đun sôi để nguội, có một lớp màng giống dầu nổi lên mặt nước, đáy ấm thì có lớp vôi trắng do nước bị nhiễm phèn quá nặng. Nhiều người xây bể chứa rồi đổ cát, than vào lọc thủ công, lấy nước dùng tạm”, chị Trang nói.
Khảo sát đảm bảo, làm chính thức thì... hỏng
Có mặt tại nhà ông Phan Văn Thịnh (55 tuổi), chúng tôi nhận thấy nước giếng khoan bơm lên có màu vàng đục. Để một lúc khoảng 15 - 20 phút, thêm một lớp váng nổi lên. Bể chứa nước thì phèn bám thành lớp vàng dày, cát được dùng để lọc cũng trở vàng ố, trông rất bẩn. Đang loay hoay bơm nước vào bể chứa để lọc nước, ông Thịnh lắc đầu ngao ngán bảo nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn nặng lắm, người dân tự làm bể lọc thủ công nhưng qua 2-3 công đoạn cũng không hết phèn, chỉ hy vọng giảm được một phần nhỏ. “Do thường xuyên phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn nặng, nhiều người mắc các bệnh về đường ruột và ngoài da, nhất là trẻ nhỏ”, ông Thịnh than vãn.
Cũng theo ông Thịnh, tại địa phương có một công trình nước sạch được xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng được ngày nào lại bỏ hoang. “Sống cạnh công trình nước sạch được đầu tư hơn nửa tỉ đồng nhưng người dân lại không hưởng được giọt nước sạch nào. Đây là một điều hết sức vô lý! Với tình trạng này, mùa nắng hạn năm nay, nguy cơ nước bị ô nhiễm cũng không có để mà sử dụng”, ông Thịnh thở dài.
[VIDEO] Hàng loạt công trình nước sạch đắp chiếu
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Năm, Chủ tịch UBND xã Đại Minh, cho biết toàn xã có gần 2.000 hộ dân thì có gần một nửa phải dùng nguồn nước ô nhiễm; tình trạng thiếu nước sạch đã kéo dài nhiều năm qua.
Trước đó, năm 2003, UBND xã làm chủ đầu tư xây dựng công trình nước sạch ngay cạnh UBND xã với kinh phí hơn 500 triệu đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh phân bổ. Trước khi làm, địa phương đã khảo sát, thăm dò và khoan độ sâu 53 m, xác định chất lượng nước đảm bảo, sau đó mới khoan chính thức. Tuy nhiên khi hoàn thành, đưa vào sử dụng nguồn nước lại bị nhiễm phèn, có mùi hôi nên công trình đành bỏ hoang.
Cũng theo ông Năm, sau khi công trình bỏ hoang, tổ chức Đông Tây hội ngộ có về kiểm tra, hỗ trợ xử lý lại nguồn nước nhưng vẫn không có kết quả. “Vấn đề nước sạch luôn được địa phương quan tâm hàng đầu, địa phương cũng đã kiến nghị lên cấp trên để có phương án giải quyết. Mặt khác địa phương đang còn nghèo nên không nguồn vốn để đưa nước sạch về cho bà con. Nếu nắng kéo dài nguy cơ nhiều hộ dân sẽ không có nước để sử dụng”, ông Năm thông tin thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.