Khát nước sạch giữa lòng thành phố

02/05/2018 13:06 GMT+7

Nhiều hộ dân ở P.An Sơn (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) hơn 10 năm nay vẫn không có nước sạch để dùng.

Ông Trần Đình Cương (58 tuổi, ở khối phố 7, P.An Sơn) bức xúc cho biết gia đình ông là một trong 60 hộ dân cùng khối phố ở tuyến đường Ông Ích Khiêm hơn 10 năm nay, tuy nhiên đường ống dẫn nước sạch vẫn chưa được đầu tư xây dựng, đành phải dùng nước giếng khoan bị nhiễm phèn hoặc xây bể chứa nước mưa để dùng.
“Sống giữa lòng thành phố đô thị loại 2, nhưng hơn 10 năm qua, chúng tôi không có nước sạch. Muốn có nước, phải kéo đường ống lấy nước tạm thời từ khu dân cư khác về nên chảy rất yếu”, ông Cương nói.
Tại các cuộc họp từ cấp phường đến cấp tỉnh, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Mỗi lần đề cập đến việc thiếu nước sạch là y như rằng chúng tôi nhận được “điệp khúc hứa”. Cứ thế mỏi mòn chờ đợi, trong khi đó nước giếng khoan bị nhiễm phèn và đá vôi làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân”, ông Cương bức xúc.

Ông Nguyễn Tâm, Trưởng khối phố 7, cho biết P.An Sơn được công nhận phường loại 1 và theo quy định, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch phải đạt 100%. Thế nhưng không chỉ khối phố 7, mà nhiều hộ dân ở các khối phố 1, 2, 3 và 4 cũng chưa có nước sạch.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Bộ, Phó tổng giám đốc Công ty cấp thoát nước tỉnh Quảng Nam, cho biết nhà máy đang phục vụ toàn bộ mạng lưới trên TP.Tam Kỳ cũng như các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh. Đối với P.An Sơn thì mạng lưới đường ống đã bao phủ, cơ bản đảm bảo cung cấp nước. Nhưng tỷ lệ người dân P.An Sơn dùng nước đến nay chỉ khoảng 80%.
“Khách hàng có nhu cầu phải trực tiếp liên hệ, lên công ty đăng ký thì chúng tôi mới cho người đi khảo sát, ký hợp đồng, lắp đặt. Còn việc bảo không có nước sử dụng là hoàn toàn không chính xác”, ông Bộ nói.
Tuy nhiên, ông Phạm Bá Sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.An Sơn, khẳng định tuyến đường Ông Ích Khiêm không có hệ thống ống dẫn nước chính, phải kéo từ xa. Vì thế, muốn có nước sử dụng, người dân phải đóng khoảng 4 triệu đồng/hộ. Thế nhưng theo quy định, doanh nghiệp muốn bán nước bắt buộc phải có hệ thống ống dẫn nước chính qua khu dân cư, chứ không thể bắt người dân đóng tiền để đầu tư đường ống chính.
Trong khi các nơi khác chỉ phải đóng khoảng 1 triệu đồng/hộ để đăng ký dùng nước sạch, thì người dân ở nơi đây phải trả từ 4 - 5 triệu đồng/hộ. Chính vì bất hợp lý này nên người dân không đồng tình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.