Khát phim tâm lý, chữa lành thế giới nội tâm

26/09/2021 07:00 GMT+7

Đa số phim truyền hình Việt Nam xoay quanh những câu chuyện mang tính bề nổi cuộc sống, ít đề cập các vấn đề tâm lý mà con người đang đối mặt.

Trong khi đó, như nhận định của một số chuyên gia tâm lý, phim ảnh, âm nhạc hay các hình thức nghệ thuật cũng có những tác động tích cực tới sức khỏe tinh thần.

Không dám liều lĩnh đầu tư ?

Vừa kết thúc trên HTV2 là phim gia đình Cây táo nở hoa. Trong đó, nam chính là người anh cả gánh vác vai trò làm cha, mẹ, nuôi nấng, dạy dỗ, bảo bọc đàn em lẫn trụ cột cho gia đình nhỏ của mình. Trong khi đó, ở VTV3 vừa phát xong Thương con cá rô đồng với nữ chính là người chị cả trong gia đình, vì nghịch cảnh đã phải thay thế chức phận của người mẹ, thậm chí cả cha, để lo lắng cho đàn em thơ dại. Trên THVL, khán giả đang theo dõi Canh bạc tình yêu với những bi kịch không còn lạ trên màn ảnh, vì yêu… Nhìn lại các phim phát sóng thời gian gần đây, chủ yếu là phim gia đình với những xung đột thế hệ, mẹ chồng nàng dâu hay các mâu thuẫn thường thấy trong bất kỳ tổ ấm nào.
Một trong số ít phim có đề cập đến những bất ổn tâm lý của con người trong cuộc sống gia đình hiện đại là Hãy nói lời yêu (vừa được phát trên VTV3). Cụ thể, đó là câu chuyện của những đứa con luôn cảm thấy áp lực đè nặng trước kỳ vọng, sức ép quá lớn từ những bậc làm cha mẹ; một người phụ nữ tham vọng, sĩ diện, độc đoán muốn kiểm soát mọi thứ theo ý mình đến mức trở nên điên cuồng… Biên kịch Huyền Lê (phim Hãy nói lời yêu) cho hay viết một kịch bản có những yếu tố tâm lý không dễ. “Nỗi đau, sự bất ổn và giằng xé về mặt tâm lý là những thứ vô hình. Việc biểu hiện những điều đó ra bên ngoài như thế nào, qua tình huống gì cũng cần phải nghiên cứu cẩn thận”, chị nói. Hãy nói lời yêu không phải là bộ phim dễ xem và có phần kén khán giả. “Đó là bộ phim có phần tâm lý khá nặng nên khi bắt đầu, tôi cũng đã băn khoăn rất nhiều”, biên kịch Huyền Lê cho hay. Sau đó, chị đã bàn bạc với biên tập viên và đạo diễn để quyết định đi theo hướng bất ổn tâm lý như một sự cảnh tỉnh. “Dù tôi biết sẽ khó, bởi với những người viết như chúng tôi, việc đào sâu tâm lý, đẩy đến tận cùng sự thật không dễ dàng gì”, nhà biên kịch bày tỏ.
Nói về lý do chưa có nhiều bộ phim đề cập đến những bất ổn tâm lý, nhà biên kịch Huyền Lê cho rằng không phải không có những biên kịch chạm được đến vấn đề này, mà do có thể chưa có nhiều biên kịch quan tâm đến. Trong khi đó, theo chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, “nút thắt cổ chai” liên quan đến việc thiếu mảng đề tài này ở cả phim truyền hình lẫn điện ảnh nằm ở khâu kiểm duyệt khi nhiều vấn đề bị né hoặc khó được thông qua. Nhà sản xuất Nguyễn Minh (Giám đốc Công ty Kịch Bản Việt) cũng cho rằng “chúng ta thiếu mảng phim này vì suy nghĩ an toàn: biên kịch - an toàn trong đề tài quen thuộc, nhà sản xuất - an toàn trong đầu tư còn các đài - an toàn kiểm duyệt”.

Phim gia đình: Thương con cá rô đồng (ảnh trên) và Cây táo nở hoa vẫn là các bộ phim “an toàn”

Ảnh: ĐPCC

Các vấn đề tâm lý sẽ là “hàng thiết yếu”

Theo ông Phước, khán giả Việt luôn có nhiều yêu cầu lẫn nhu cầu tìm hiểu khám phá những vấn đề tâm lý con người trong xã hội hiện đại, tương tự như bao khán giả trên khắp thế giới. “Bằng chứng là mọi bộ phim ngoại nhập có chủ đề như thế vẫn thường được giới phê bình cùng cư dân mạng cùng bàn luận mổ xẻ, mỗi khi có phim hay. Với những vấn đề tâm lý của thời đại, người Việt thời nay xem ra cũng đâu thể là thành phần dị biệt so với thế giới hoặc sẽ miễn nhiễm với mọi vấn nạn xã hội về phương diện tâm lý, bao gồm cả những sang chấn tâm lý thời đại dịch và hậu Covid”, ông Phước nhìn nhận. Theo ông, đề tài và chủ đề về tâm lý này trong phim ảnh Việt ở giai đoạn hiện tại và sắp tới cũng sẽ luôn là “hàng thiết yếu” với công chúng.
Ở góc độ tâm lý, TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH KHXH & NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Nhà làm phim, nhất là đạo diễn, có vẻ không quan tâm nhiều các vấn đề tâm lý, trong khi họ vốn phải rất giỏi về tâm lý, phải học và hiểu tâm lý, đặc biệt các thuyết về nhân cách, hành vi phi ngôn ngữ… của con người. Khi đó, phim ảnh nói chung và phim liên quan vấn đề bất ổn tâm lý nói riêng, mới phản ánh thật sự cuộc sống, và người xem mới giải tỏa được cảm xúc khi theo dõi”.
TS Điệp (hiện phụ trách chuyên môn chương trình Vắc xin tinh thần của trường, hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại TP.HCM) cho rằng: “Phim ảnh, chỉ khi đụng vào chính cảm xúc thật của khán giả thì mới có thể xoa dịu, chữa lành. Khi xem bộ phim đề cập các triệu chứng rối loạn lo âu, căng thẳng, hoảng loạn hay trầm cảm…, nếu nhà làm phim làm tốt các vấn đề bất ổn tâm lý đó, người xem sẽ thấy giống như họ đang là nhân vật trong phim, muốn theo dõi, cũng để diễn giải những vấn đề của mình… Bằng cách đó, họ có thể ngộ ra mình đang gặp trục trặc gì, đang ở giai đoạn nào của căn bệnh… Như thế, xem phim cũng là cách tháo gỡ, chữa trị vấn đề của họ”. Theo ông, hiện nay các game show phần nào giải quyết được nhu cầu thư giãn, giảm căng thẳng cho mọi người khi giãn cách xã hội; nhưng với phim ảnh thì có thể làm tốt hơn nữa vai trò này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.