'Khát' tài năng đỉnh cao

15/09/2018 06:23 GMT+7

Sau 1 tuần tranh tài, cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ 4 sẽ bế mạc vào tối nay (15.9) mà không có tên thí sinh VN được xướng lên ở bảng thi cao nhất.

Không có thí sinh VN nào lọt vào vòng chung kết bảng B (14 - 17 tuổi) và cũng không có thí sinh VN nào có mặt trong chung kết bảng C (18 - 25 tuổi). Trong khi đó, những thí sinh thuộc bảng thi có độ tuổi cao là lứa nguồn nghệ sĩ, giáo viên giảng dạy tại trường âm nhạc chuyên nghiệp.
Trông người, ngẫm ta
Số lượng thí sinh nước ngoài dự thi năm nay tăng đáng kể với 34 thí sinh (trong tổng số 82 thí sinh) đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Úc và Israel. Trong 2 bảng B và C, số lượng thí sinh nước ngoài trội hơn thí sinh trong nước với 17/32 thí sinh ở bảng B, và đặc biệt lên tới 10/12 thí sinh ở bảng C. Đại diện ban tổ chức cho biết, nhiều thí sinh VN đang học tập tại nước ngoài không kịp về nước tham dự. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được thực tế, VN không có nhiều thí sinh ở lứa tuổi lớn.
“Điều đó cũng phản ánh tính đào thải của âm nhạc đỉnh cao. Càng lên cao càng nhiều khó khăn, gian khổ. Những người trụ với nghề và sống với nghề đòi hỏi sự phấn đấu, khổ luyện không ngừng”, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, chia sẻ. Bên cạnh đó, cho đến giờ, số lượng học sinh, sinh viên theo học piano chuyên nghiệp cũng không nhiều. Ngay tại Khoa Piano, Học viện Âm nhạc quốc gia, cũng chỉ có khoảng trên dưới 270 em theo học, hầu hết là hệ sơ trung; chỉ 20 em trong số đó theo học hệ đại học.
“Khoảng cách trình độ thí sinh VN với thí sinh quốc tế đang thu hẹp dần. Nhìn vào thực tế, việc phát hiện và phát triển tài năng ở lứa tuổi nhỏ đã có chất lượng cao hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, để những tài năng nhỏ tuổi tiếp tục phát triển vẫn là con đường phải phấn đấu nhiều. Ví dụ, chúng ta đã có hai anh em Lưu Đức Anh, Lưu Hồng Quang đoạt nhiều giải quốc tế ở bảng lứa tuổi lớn, nhưng những người đạt được thành tích như vậy chưa nhiều”, GS-TS NGND Trần Thu Hà (Chủ tịch Hội Chopin Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi Piano quốc tế lần thứ 4) nhìn nhận.
Đào tạo đỉnh cao
“Trong khoảng thời gian gần đây, nhiều gia đình đã tạo điều kiện cho con em đi học piano một phần do cuộc sống vật chất được nâng cao, nhưng mặt khác, nhiều người đã nhận thức được việc phát triển đời sống tinh thần, năng lực thông qua lĩnh vực nghệ thuật”, GS Trần Thu Hà chia sẻ. Tuy nhiên, bà cho rằng thực tế lĩnh vực đào tạo âm nhạc đỉnh cao rất đặc thù. Việc đào tạo tại nước ngoài có học phí rất đắt đỏ nên không có nhiều gia đình có thể tự túc đưa con em đi học. “Hầu hết các em du học đều nhờ hoặc là học bổng của nhà nước, hoặc học bổng từ các trường ở nước ngoài”, GS Trần Thu Hà cho hay.
Hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 đề án giao Bộ VH-TT-DL tổ chức thực hiện: Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2030 và Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. PGS-TS Lê Anh Tuấn cho biết, hiện đã có một số sinh viên thuộc một số ngành tại Học viện Âm nhạc quốc gia được đi đào tạo tại nước ngoài theo đề án. Trong thời gian tới, sẽ có những sinh viên ngành violin và piano tiếp tục được đưa sang những nước có nền âm nhạc phát triển đào tạo. “Chúng tôi hy vọng việc này sẽ được triển khai trong khoảng 1 - 2 năm tới”, GS Trần Thu Hà nói.
Lần đầu tiên, GS Jean Sauniel tham gia làm thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội. Ông đang giảng dạy tại Đại học Montréal, Canada cùng NSND Đặng Thái Sơn.
Chia sẻ với Thanh Niên, GS Jean Sauniel cho rằng VN có nhiều việc cần làm để phát triển âm nhạc đỉnh cao, cũng như với việc đào tạo các nghệ sĩ âm nhạc đỉnh cao, trong đó có nghệ sĩ piano. “Đã có những sinh viên VN theo học tại trường mà tôi giảng dạy đạt được điểm số cao trong các kỳ thi, cho thấy khả năng của các em. Tôi biết một vài em trong số ấy đã về nước để giảng dạy. Đó là điều tốt trong việc đào tạo những thế hệ tài năng mới nối tiếp. Việc này rất cần được khuyến khích”, ông nói.
GS Jean Sauniel cũng cho biết, trong cuộc thi lần này, ông đặc biệt ấn tượng với một số thí sinh ở lứa tuổi nhỏ của VN (10 - 13 tuổi). “Những tài năng mới khoảng 10 tuổi, một quãng đường dài để có thể trở thành nghệ sĩ cống hiến cho nền âm nhạc VN và xa hơn là của thế giới. Bởi vậy, cần rất nhiều sự hỗ trợ để các em có thể tiếp tục phát triển và giữ niềm tin. Thực tế, cuộc sống của một nhạc công phải đối mặt với không ít thách thức”, GS Jean Sauniel chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.