Muốn triển lãm thương mại, chờ 1 - 2 năm sau
Thông tin tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ mới đây, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết trong 6 địa phương vùng Đông Nam bộ, có 3 đầu tàu ngoại thương, công nghiệp của cả nước là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, nhưng hạ tầng để tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại vô cùng khiêm tốn. Ngoài Bình Dương có một trung tâm triển lãm (TTTL) quốc tế lớn, TP.HCM lớn nhất chỉ có Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) luôn trong tình trạng kín chỗ. Thậm chí, có trường hợp khi Cục đã liên kết với các doanh nghiệp (DN), tổ chức nước ngoài để tổ chức hội chợ thương mại quốc tế tại TP.HCM thì SECC đã kín hết chỗ, chờ đến 1 - 2 năm sau.
Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP Vinafor Sài Gòn, thừa nhận: Với quy mô đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM chỉ có một trung tâm SECC đủ quy mô để làm hội chợ quốc tế là quá ít, nếu không nói là thiếu trầm trọng. Bởi chỉ riêng ngành gỗ xuất khẩu, DN cần không gian tổ chức hội chợ lớn, sang trọng để chào mời, tiếp cận khách hàng quốc tế. Thế nhưng, việc "chờ nhau" để có chỗ làm hội chợ quốc tế đang là chuyện thường ngày. Riêng ngành gỗ, thường có 2 công ty chuyên tổ chức hội chợ và triển lãm quốc tế, khi DN này tổ chức sự kiện, DN kia ngồi chờ. DN muốn tham gia quảng bá, trưng bày hàng hóa cũng phải chờ theo. Chưa kể SECC có quy mô tương đối lớn, nhưng so với các trung tâm hội chợ triển lãm lớn của các nước thì vẫn còn quá nhỏ.
"TP.HCM không chỉ cần thêm các trung tâm tổ chức hội chợ quốc tế lớn cho từng ngành hàng mà cho nhiều ngành hàng tham gia cùng một lúc. Chẳng hạn, hội chợ về ngành điện gia dụng, phải có khu vực ngành hàng điện tử riêng, thiết bị chiếu sáng, năng lượng mới, vật liệu mới, hóa chất, máy móc… Tôi vẫn thường ao ước TP.HCM có TTTL hội chợ lớn, thu hút DN trong và ngoài nước, quy mô mà người tham dự đi gặp gỡ, làm việc trong vài ngày chưa hết. Không dám nói đến các trung tâm hội chợ triển lãm lớn cỡ như Canton Fair tại Quảng Châu (Trung Quốc), rộng đến 110 ha, trưng bày đến 16 ngành công nghiệp. Tôi từng tham dự trung tâm hội chợ ở huyện của tỉnh này cũng thấy quy mô hoành tráng hơn trung tâm tại TP.HCM", ông Ngời nói.
Bà Đào Mỹ Linh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP quốc tế Dony, chia sẻ đã làm hàng xuất khẩu, thường DN mỗi năm đều tham gia hội chợ triển lãm quốc tế 1 - 2 lần. Ngoài tìm kiếm, mở rộng khách hàng thì việc cập nhật các công nghệ tiên tiến, tiếp cận nguyên phụ liệu trên thị trường quốc tế là rất quan trọng. Tiếc là đối với ngành hàng may mặc, TP.HCM chưa có một hội chợ triển lãm quy mô quốc tế lớn để DN có thể tiếp cận đa dạng các nguyên vật liệu. Hiện thỉnh thoảng có một vài hội chợ triển lãm vải của Ấn Độ hay một số công nghệ dệt may của Trung Quốc…, chưa thể đáp ứng nhu cầu, trong khi ngành xuất khẩu dệt may của VN rất lớn.
Thế nên vừa rồi, Công ty Dony sang tham dự hội chợ hàng dệt may tại Canton Fair ở Trung Quốc và có thể nói là "mở mang tầm nhìn đáng kể". "Chúng tôi đã tiếp cận được nhà cung cấp vải kaki tốt, phục vụ làm hàng xuất khẩu sang thị trường phát triển, trừ mọi chi phí về thuế nhập khẩu, chi phí đi lại, giá mua từ Trung Quốc đưa về tận xưởng vẫn rẻ hơn 20% so với giá chúng tôi mua lâu nay qua nhà cung cấp phụ liệu Trung Quốc tại VN", bà Linh nói.
Gấp rút triển khai dự án càng sớm càng tốt
Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược, chia sẻ khu vực tổ chức triển lãm tại TP.HCM ngoài SECC ở Q.7, TTTL Tân Bình hay kiêm thêm như trung tâm Phú Thọ chỉ ở mức triển lãm hàng hóa phục vụ thị trường nội địa. Thậm chí, để phục vụ thị trường trong nước với quy mô như vậy cũng quá nhỏ và rất "cò con". Trong khi một đầu tàu kinh tế cả nước như TP.HCM, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng phục vụ thị trường trong nước rất lớn.
Vì thế, SECC đã quá tải từ nhiều năm trước, song đến nay, việc TP không có thêm TTTL quy mô mới là rất chậm. Ngược lại, các nước trong khu vực, nước nào cũng có TTTL hoành tráng, xứng tầm vóc quốc tế. Ngay thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) có 2 trung tâm lớn, Singapore có 3, Indonesia có 4 TTTL… Mỗi trung tâm rộng hàng trăm ngàn mét vuông, trong khi SECC ở Q.7 chỉ 20.000 m2. Các trung tâm này diện tích lớn, nhờ vậy giúp giảm chi phí rất nhiều cho DN xuất khẩu.
"Xuất khẩu là một trong những ngành mũi nhọn VN chọn để tăng trưởng, song không gian cần để quảng bá tầm vóc quốc tế lại quá eo hẹp, khiêm tốn. TP.HCM cần gấp rút triển khai dự án TTTL quốc tế càng sớm càng tốt", ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Tô Ngọc Ngời gợi ý, việc chọn xây dựng các TTTL quốc tế phải gần các tuyến metro trong tương lai, để DN nước ngoài di chuyển dễ dàng. "Có thể mở ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, nhưng kết nối giao thông thật tốt. Mở TTTL cần chiến lược cho 10 - 20 năm sau, khi phương tiện công cộng hiện đại phát triển mạnh mẽ tại TP.HCM và miền Nam nói chung", ông Ngời đề xuất.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết Sở Công thương đã và đang phối hợp Q.12 để rà soát, tìm kiếm địa điểm để xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm. Bên cạnh đó, tại TP.Thủ Đức, TP cũng đã chọn được một số địa điểm, dự kiến sẽ xây dựng các TTTL với quy mô quốc tế nhằm "chia lửa" với SECC tại Q.7 đang quá tải.
Bình luận (0)