Vay nóng lãi cao để trả lương nhân viên
Lãnh đạo Công ty ASW, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực mua bán, sản xuất vật liệu xây dựng tại TP.HCM, cho biết hiện nay làm hồ sơ vay vốn các ngân hàng (NH) đều xét rất kỹ, yêu cầu nhiều điều kiện nên thời gian kéo dài, chưa kể lãi suất cũng tăng cao hơn trước. Không những vậy, việc nhập khẩu nguyên vật liệu, nhất là Trung Quốc cũng gặp khó khăn do chính sách Zero Covid của nước này, cũng như tỷ giá USD đang tăng khiến chi phí của doanh nghiệp (DN) tăng nhanh.
Khó khăn trong vay vốn đang tác động dây chuyền đến nhiều doanh nghiệp sản xuất |
Mai Phương |
Nguồn vốn vay NH không có, trong khi công nợ từ các đối tác cũng thu không được khiến công ty có những tháng phải vay nóng bên ngoài với lãi suất 5 - 7%/tháng để chi trả lương nhân viên, duy trì hoạt động. “Đơn hàng không có, việc buôn bán cũng chậm hơn rất nhiều so với trước. Hai năm dịch Covid-19 trước đây còn buôn bán, làm ăn được, nhưng qua năm nay mọi thứ đình trệ. Đi đến đâu cũng nghe đối tác nói bị tắc vốn. Nếu cứ đà này, DN sẽ sớm phá sản mất”, lãnh đạo công ty này than thở.
Công ty bất động sản (BĐS) S.D với hàng trăm nhân viên kinh doanh cũng lao đao khi thị trường rơi vào trầm lắng, hàng bán không được trong khi chi phí cứng cho thuê văn phòng, trả lương nhân viên mỗi tháng khoảng 10 tỉ đồng. “Thê thảm” hơn, lãnh đạo Công ty này cho biết đã mấy tháng nay vì NH “cắt” tín dụng, không cho DN cũng như cá nhân ông vay nên ông buộc phải bán dần các tài sản của mình để nuôi bộ máy. “Hiện nay DN đang cố gồng để chờ thị trường tốt hơn. Nhưng nếu từ đây đến cuối năm NH vẫn siết tín dụng, kinh doanh không được và đến khi bán hết tài sản mọi việc vẫn như vậy thì chắc sẽ dẹp DN, đi làm thuê”, vị này chán nản.
Thậm chí, ngay cả các công ty lớn cũng rơi vào tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Công ty HK, một DN có tiếng tại Lâm Đồng với quỹ đất lên đến 200 ha, nhưng khi NH hạn chế cho vay, đồng thời giao dịch giảm trầm trọng cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy. Theo lãnh đạo Công ty HK, do đa số đất của công ty là đất nông nghiệp nên NH định giá quá thấp. Không những vậy, hồ sơ thủ tục cũng vô cùng khó khăn.
Lãnh đạo công ty đang chạy đôn chạy đáo tìm đến các nguồn vốn từ bên ngoài, sẵn sàng vay với lãi suất 20 - 30%/năm nhưng cũng không dễ bởi hầu hết các DN đều kẹt vốn. Cực chẳng đã, DN này phải gửi thông báo đến khách hàng, kêu gọi ký thêm phụ lục hợp đồng theo hướng những khách hàng nào thanh toán trước hạn, số tiền đó sẽ được DN trả lợi nhuận 25%/năm. Nếu thanh toán một lần hết hợp đồng, khách hàng sẽ được trả lợi nhuận 30%. Nhưng giải pháp này cũng không mấy khả quan vì đa số khách hàng mua đất đều vay NH.
Ở thời điểm hiện tại, họ cũng rất khó được giải ngân. “Khi công ty đem sổ đất nông nghiệp đã mua để đi vay nóng bên ngoài, sẵn sàng để họ cầm sổ với giá trị bằng 50% giá công ty đã mua, nhưng đều bị từ chối cho vay vì số tiền DN cần cũng nhiều. Trong khi đó, việc tìm kiếm đối tác để bán lại những quỹ đất này cũng khó khăn vô cùng khi thị trường BĐS đang trầm lắng, sụt giảm thê thảm. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc DN khó trụ được hết năm nay”, vị này cho hay.
Ảnh hưởng dây chuyền vì cạn room tín dụng
Không chỉ lĩnh vực BĐS vốn bị “chỉ mặt” hạn chế cho vay, ngay cả các DN sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề cũng bị liên đới. Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty XNK trái cây Chánh Thu, cho hay câu chuyện khó vay vốn, lãi suất cho vay tăng thêm 1,5 - 2%/năm cho cả hợp đồng vay bằng tiền đồng lẫn USD là tình hình chung của các DN hiện nay. Trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ vẫn chỉ đang làm thủ tục nên khó khăn bao vây. Từ tháng 5 đến hết tháng 11 là vào mùa cao điểm của ngành nông sản nên DN thường cần nguồn vốn lớn để thu mua nông sản, tích trữ hàng hóa và sản xuất bán thành phẩm, nhưng vốn thì kẹt. Vì vậy, nhà nước cần có quy chế cụ thể, ưu tiên cho DN sản xuất như ngành nông nghiệp, nông sản tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là khi vào mùa vụ chính.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ công ty rất hiếm khi phải sử dụng vốn vay, tuy nhiên hiện cũng phải làm hồ sơ vay vốn từ NH để bổ sung vốn lưu động do bị ảnh hưởng bởi câu chuyện cạn “room” của các NH. Chẳng là gần đây, nhiều đối tác đã kéo dài thời gian thanh toán, nguyên nhân liên quan đến việc NH chậm giải ngân dù hạn mức vay đã được ký hợp đồng từ đầu năm. “Ví dụ, khi bán nguyên liệu sản xuất bánh trung thu thì sau mùa trung thu, khách hàng mới thanh toán. Trong khi công nợ từ các đối tác thu hồi quá chậm khiến dòng tiền bị thiếu hụt nên chúng tôi phải đi vay. Phía công ty phải bao tiêu cho người nông dân, trại chăn nuôi nên phải luôn có dòng tiền để duy trì hoạt động. Có đối tác quá chậm, buộc DN ngưng cung cấp thêm hàng. Cứ đà này kéo dài thì không chỉ 1 - 2 DN khó mà tác động dây chuyền”, ông Thiện chia sẻ thêm.
Câu chuyện cạn room của các NH đã được đặt ra hơn 2 tháng qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Thông thường, vào cuối tháng 6, NH Nhà nước (NHNN) sẽ có thông tin về việc cấp room tín dụng cho các NH kể từ đầu tháng 7, nhưng đến nay vẫn lặng im khiến cả NH lẫn DN đều mong ngóng. Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nhu cầu vốn của các DN sản xuất đang tăng cao, nhất là trong giai đoạn phục hồi và tăng tốc sản xuất sau đại dịch Covid-19 cũng như dịp cuối năm. Trong bối cảnh chính sách vĩ mô còn bất ổn, áp lực cả trong và ngoài nước còn lớn, vì vậy chính sách tiền tệ cần phải mềm dẻo, linh hoạt. Nếu vẫn duy trì room trong điều hành hoạt động tín dụng của hệ thống NH thì phải điều chỉnh nhanh hơn, có thể 2 - 3 tháng thay vì 6 tháng như trước đây. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải thực hiện tốt chính sách tài khóa, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, thì nhấn mạnh NHNN nên giao chỉ tiêu tín dụng còn lại cho các NH thương mại càng sớm càng tốt để họ lên kế hoạch cho vay từ nay đến cuối năm. NHNN luôn khẳng định ưu tiên lĩnh vực hoạt động sản xuất thì nên có giải pháp để thúc đẩy các NH thương mại tiếp tục cho vay đối với DN đáp ứng đủ điều kiện. Trong bối cảnh đầu tư công giải ngân còn chậm thì việc nhiều DN “kêu cứu” do khó khăn về vốn sẽ khiến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bị ảnh hưởng.
Kinh tế còn nhiều khó khăn
Tăng trưởng tín dụng có xu hướng chậm lại, số liệu từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 đạt 9,4%, không có nhiều thay đổi so với dữ liệu vào cuối tháng 6. Còn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022 có 94.600 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân một tháng có 13.500 DN rút lui khỏi thị trường cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Bình luận (0)