Khát vọng không sống hoài, sống phí

24/07/2024 06:19 GMT+7

Với những người bạn học K8 khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực sự sống một cuộc đời 'không sống hoài, sống phí'…

Hơn 60 năm đã trôi qua, nhưng PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện vẫn nhớ như in mùa thu năm 1963, khi mình còn là cậu học trò 17 tuổi rời xa gia đình, chân ướt chân ráo lên Hà Nội nhập học K8 khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong lớp thì Nguyễn Ngọc Thiện (cùng một bạn nữ khác) là người ít tuổi nhất, còn các anh chị khác đều tầm mười tám đôi mươi, một số người đã suýt soát tuổi "băm".

Một con người "tuệ nhãn về văn chương"

Một trong những gương mặt giúp nam sinh Nguyễn Ngọc Thiện khi ấy thấy ấm lòng trong những ngày tháng xa gia đình, lạ lẫm nơi phố thị, là người anh hơn cậu 3 tuổi, anh Nguyễn Phú Trọng. "Anh Trọng đồng hương Kinh Bắc với tôi (lúc đó cả xã tôi và xã của anh Trọng đều thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Anh lại là bí thư chi đoàn, còn tôi là một trong số khoảng 10 người chưa là đoàn viên, nên anh có nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi về mặt phấn đấu rèn luyện để trở thành đoàn viên", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện kể.

Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất về "anh Trọng" với cậu sinh viên Nguyễn Ngọc Thiện là anh Trọng học rất giỏi, đồng thời là người sinh viên gương mẫu, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm và khả năng tổ chức rất chu đáo của anh.

Khát vọng không sống hoài, sống phí- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ 2 từ trái sang) và các bạn học K8 khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội vào tháng 2.1965

TL

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện, K8 khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được "trời cho" là khóa học tập trung nhiều tinh hoa "tuệ nhãn về văn chương". Trong đó Nguyễn Phú Trọng là một sinh viên nổi bật về sự mẫn cảm đặc biệt với hồn thơ dân gian, vào đại học mang theo giấc mơ trở thành một nhà nghiên cứu văn học, hoặc là nhà báo. Dưới sự hướng dẫn của GS Đinh Gia Khánh, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nghiên cứu văn học dân gian, sinh viên Nguyễn Phú Trọng khi đó là sinh viên duy nhất mà luận văn tốt nghiệp đạt điểm xuất sắc của K8.

Từ luận văn đó, sinh viên Nguyễn Phú Trọng cô đọng lại thành một bài báo với tiêu đề Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu, được đăng ở Tạp chí Văn học số 11.1968. "Với những sinh viên vừa mới ra trường như chúng tôi thì kết quả đó được xem như một kỳ tích", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Ký ức về người bạn học hiền tài Nguyễn Phú Trọng: 'Danh dự là cái cao nhất'

Còn mãi một người bạn giản dị, chân tình

Một trong những kỷ niệm thú vị nhất về người bạn học cũ đáng kính, với PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện là lần họ cùng nhau làm nên các ấn phẩm đặc biệt của lớp. Đó là mùa hè năm 1967, khi đang học năm cuối.

Khát vọng không sống hoài, sống phí- Ảnh 2.

Trong một lần họp lớp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với người lớn tuổi nhất lớp (ông Đỗ Trung Thản, bên phải) và người ít tuổi nhất lớp (PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện, bên trái)

TL

Trước đó cả lớp được đi thực tế ở đơn vị Thanh niên xung phong N57 (Lạng Sơn). Ban ngày sinh viên ra công trường cùng làm việc với các anh chị Thanh niên xung phong (phá đá mở đường vùng biên giới Việt - Trung), tối về sinh hoạt, thảo luận chung. Cuối đợt, cả lớp thống nhất cùng làm một tập san, Nguyễn Ngọc Thiện được cử vào ban biên tập. Mỗi người tự chép tay các bài viết (thơ, văn, nhạc, họa…) về chuyến đi thực tế của mình thành 3 bản, để đóng thành 3 cuốn. Một cuốn tặng đơn vị Thanh niên xung phong, một cuốn nộp nhà trường, một cuốn giao cho lớp trưởng lưu lại làm kỷ niệm. Trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng "đóng góp" 3 bài thơ với cảm xúc chân thành bày tỏ tình yêu mến với quê hương, đất nước, với những người Thanh niên xung phong kiên cường, anh dũng.

Rất tiếc là bản gốc cuốn tập san mà lớp lưu giữ, trong hoàn cảnh chiến tranh bị thất lạc. Hơn 40 năm sau, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện, lúc đó đang là Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, được một bạn đọc của tạp chí tặng một bản phô tô cuốn tập san.

Khát vọng "không sống hoài, sống phí…"

Dù giữ cương vị là người lãnh đạo cao nhất nước nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất hiếm khi vắng mặt trong các cuộc họp lớp. Một kỷ niệm họp lớp đáng nhớ là vào năm 2011, đại diện lớp tặng "bạn Trọng" bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp ông giữ trọng trách Tổng Bí thư. Lần gần đây nhất Tổng Bí thư dự họp lớp là ngày 19.6.2022. Hôm đó, lớp họp tại trụ sở Báo Nhân Dân, ở phố Hàng Trống (Hà Nội).

PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện cho biết cả lớp đều tự hào về "anh Trọng", không phải bởi anh đạt đến đỉnh cao cương vị, mà bởi sự kiên cường theo đuổi những lý tưởng, khát vọng tuổi trẻ. Từ thời đại học, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã từng rất tâm đắc với lời của nhân vật Pavel Corsaghin trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Xô viết Nikolai Ostrovsky: "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".

"Chúng tôi đều có ý thức mình là "kẻ sĩ", là trí thức xã hội chủ nghĩa nên đều rất tự trọng. Cả hồi đó hay về sau này, với chúng tôi, danh dự là thước đo giá trị cao nhất chứ không phải tiền bạc. Vì thế, sống một cuộc đời thực sự là của "người hiền" như anh Trọng là điều chúng tôi hằng mơ ước, nhưng rất hiếm người làm được", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.

Lớp tôi - có gì đặc biệt?

Lớp tôi - có gì đặc biệt? là tựa đề một bài viết từ tháng 10.1996 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội) đăng trên cuốn Từ mái trường này, cuốn kỷ yếu đầu tiên của các cựu sinh viên khóa 8 khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).

Những nét đặc biệt mà tác giả Nguyễn Phú Trọng kể ra đều là những yếu tố liên quan mật thiết tới giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước (1963 - 1967), khi Mỹ có những động thái leo thang trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

"Lớp tôi", theo như tác giả Nguyễn Phú Trọng, "Học giỏi. Lao động cừ. Làm dân vận khéo. Diễn kịch hay. Sống với nhau đầy tình nghĩa". Dù tập thể lớp cùng trải qua những năm tháng đầy gian khổ, thiếu thốn, nhưng trong tâm thế sẵn sàng vượt qua mọi gian khó để hướng tới tương lai tươi sáng, đầy tinh thần lãng mạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.