Thằng bé chìa hộp khẩu trang về phía Mến nài nỉ. Ánh mắt khẩn khoản như thể Mến không mua ngay thì thằng bé sẽ chết đói tắp lự. Nhưng Mến không quen dùng khẩu trang y tế. Trông mỏng manh và không mềm mại bằng những khẩu trang vải Mến đang dùng.
- Cô mua rồi con.
Thằng bé van lơn.
- Làm ơn đi cô.
Mến bắt đầu thấy bực bội. Kiểu bán hàng này không ổn tí nào. Nhất là khi tâm trạng Mến đang không hề thoải mái. Những cơn đau quặn thắt thúc từ bụng lên ngực làm Mến khó chịu. Hai bầu vú căng cứng. Chưa đến tháng. Chẳng nhẽ nào... Mến chậc lưỡi. “Chậm một vài ngày chắc không sao”. Thằng bé vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Miệng đã thôi nói nhưng ánh mắt tha thiết vẫn còn đeo đẳng. Mến đành móc ví.
- Cô cho con 10 ngàn.
Cô không lấy khẩu trang, được không?
Thằng bé lắc đầu.
- Thôi cô, con đi.
Nỗi day dứt cồn lên đột ngột, Mến thấy xấu hổ với sự thương hại rẻ mạt của mình. Thằng bé không cần mấy đồng tiền lẻ của Mến. Cái nó cần là sự tử tế của người mua hàng.
- Thì con cho cô mua 2 hộp. Lần sau thấy mặt cô thì tránh nhé. Chừng này cô dùng chắc đến trăm năm.
Mặt buồn biến mất nhanh chóng, thằng bé cười lỏn lẻn.
- Dạ, con cảm ơn cô. Ngày mới an lành nghe cô.
- Ôi trời. Thằng quỷ sứ. Mày làm cô hết hồn. Thôi đi đi, bán đắt hàng nha.
Cái mặt buồn diễn cũng chuyên nghiệp có kém chi lời chúc dễ thương này đâu chứ. Mến vừa giận vừa thương. Bóng thằng bé khuất sau cổng phòng khám, Mến chần chừ một lúc rồi về. “Cứ theo dõi thêm thời gian nữa, chắc cũng không sao”. Mến tự trấn an. Hai hộp khẩu trang quá cồng kềnh so với cái túi xách tay nhỏ, Mến để lại ở cổng bảo vệ, ai đó cần thì dùng. Mang về cũng chẳng làm gì hết. Mến đã quen với khẩu trang vải.
Từ ngày yêu Thành, với Mến khẩu trang không chỉ để che bụi, che nắng mà còn là một sự nghe lời. Là Thành dặn mỗi lần ra đường. “Em đeo khẩu trang vào đi, gặp người quen đỡ lèo nhèo”. Mấy lần Mến phụng phịu thắc mắc rằng đi với người yêu mắc mớ chi mà ngại. Thành ậm ờ bảo là anh quen thế rồi. Đã yêu thì chi Mến cũng chiều huống hồ là cái việc đeo khẩu trang dễ bỡn này. Nên mỗi lần lên phố hai đứa hai cái khẩu trang, đi xe cũng như bách bộ.
Mến yêu Thành không đòi hỏi. Mà tính Mến cũng không quen đòi hỏi. Ngay từ ngày rời nhà bác Hai năm lên tám tuổi, Mến cũng không đòi hỏi gì ngoài việc xin hai bác thi thoảng cho con về thăm nhà. “Ở lâu quá chắc nó quên mất thân phận ở đợ…”. Trước cặp mắt ngơ ngác của Mến, hai bác đã kịp dừng tiếng. Chỗ làm mới của Mến cách nhà bác Hai hơn hai chục cây số thôi. Không có tuyến xe buýt thì Mến đi xe lai, càng tiện chứ sao. Thấy Mến sắm nắm sắp đặt, bác gái im lặng, bác trai miễn cưỡng gật đầu: “Về thì nhớ báo trước một câu. Có người ở nhà thì mở cửa. Không thì chấp nhận đứng ngoài”...
Mến không biết tuổi mình, chỉ nghe loáng thoáng bác Hai nói với người mướn mới là tám tuổi, thì Mến biết mình tám tuổi. Nên khi bà chủ hất hàm hỏi: Quê đâu, Mến lắc đầu. Bố mẹ ở đâu? Mến lắc đầu. Nhà có anh chị em gì không? Mến lắc đầu. Chỉ đến khi bà chủ bớt căng thẳng và dịu giọng: Thế đã cơm nước gì chưa? Mến mới gật đầu. Thực ra là Mến chưa ăn gì. Cổ họng khô khét, đắng ngắt. Mến sợ bị cho ăn khi chưa làm việc. Thế sẽ rất xấu hổ. Bác Hai bảo rồi. Không làm mà ăn chỉ có loại rác rưởi, đến con chó còn biết giữ nhà. Đêm đó, ở nhà mới, vừa đói, vừa mệt, Mến đã có giấc ngủ ngon.
Đó là chuyện của hai mươi năm về trước. Được cái bà chủ mới xồn xồn tính nóng nhưng rõ ràng, sòng phẳng. Việc nào ra việc nấy. Bà bắt đầu để ý đến Mến. Mến cặm cụi. Mến lặng im. Mến tỉ mẩn và chăm chút. Mến tận tâm năm này qua năm khác. Bà cũng vì thế mà bớt cục cằn. Đàn bà sống một mình thường trái tính. Thực lòng Mến đã coi đây là nhà mình từ khi bước chân vào. Trong suy nghĩ của Mến, nhà là nơi mình được ăn, được ngủ trong đó. Không coi đây là nhà thì Mến biết ở đâu. Cánh cổng nhà bác Hai khép chặt lại rồi. Mến trở thành “người nhà” trong gia đình bà chủ. Kể cả công việc Mến đang làm cũng là con trai của bà chủ tạo điều kiện, khi nhà máy đang thiếu người gia công. Mến còn biết đòi hỏi gì hơn.
Tính không đòi hỏi nên khi Thành bảo cô có thể đổi ca làm không? Mến im lặng.
- Quản đốc muốn sao cũng được ạ.
- Cô này kỳ. Sao cũng được là sao. Ông chủ bảo cô có thể chuyển sang ca ngày, đứng vị trí trưởng nhóm gia công. Buổi tối tôi sẽ hướng dẫn thêm để cô có thể thay tôi quản lý xưởng một.
Nghe thế, tim Mến chỉ muốn văng ra khỏi lồng ngực vì vui sướng. Vậy mà Mến lý nhí.
- Thế cũng được ạ.
- Cô có vướng gì về thời gian khi bị thay đổi ca làm không?
- Không ạ.
Thành lắc đầu.
- Thôi cô ra ngoài đi.
Hôm đó Thành nhìn cô lâu hơn.
Khi Mến muốn chuyển ra ngoài ở chung với chị em công nhân cho có bè có bạn, bà chủ bảo mày đi tao ở với ai, nhà cửa thì thênh thang thế này, Mến lại đành vui vẻ ở lại. Bọn trẻ con đã lớn, có thể tự lập nên gia đình anh cả dọn ra riêng. Mến một tầng. Bà chủ một tầng. Con Phốc một tầng.
Mến thèm quê lắm. Cứ cuối tuần thấy ai đó chào về quê mà thèm. Thèm nhất là mỗi lần chở đồng nghiệp ra bến. Người ta lên xe, vù phát là được gặp quê. Mến tần ngần ở lại, vê mãi gấu áo rồi cũng phải quay mặt, đôi ba lần nước mắt chảy ngược vào trong.
- Quê có xa không mà chị sắm nhiều đồ vậy? - Mến hỏi đồng nghiệp khi cùng chị ra bến.
- Phải ba, bốn chuyến xe đò em ạ. Mỗi lần về là một lần cực. Chị còn bị say xe nữa. Hay hớm gì đâu mà tay xách nách mang. Nhưng tuần nào không về là lão già lại nghĩ chị bồ bịch gì trên này rồi.
Mến bật cười.
- Còn tụi nhỏ nữa mà chị, đâu riêng gì lão già.
- Tụi nhỏ đi làm công cả rồi, nhà bây giờ còn mỗi lão già. Mấy lần rủ lên phố làm công cho người ta luôn thì không chịu. Lão bị bệnh nghiện quê em ạ, không rời được.
Quê Thành xa lắm. Mến chỉ mới biết qua lời Thành kể. Cũng hiền lành và bình yên như bao làng quê khác. Giọng kể của Thành cũng vậy. Chậm rãi lắm. Mến thường gục đầu vào vai Thành mỗi lần bắt đầu câu chuyện. Lần nào cũng háo hức, chờ đợi. Những ngọn khói chiều trong lời Thành kể thơm vương vít.
- Chắc là có rất nhiều trâu bò, gà vịt gì đó, đúng không anh?
- Ờ, nhiều. Con gì cũng có...
- Có sông suối, có cánh đồng... Em chưa bao giờ nhìn thấy cánh đồng vào mùa lúa chín. Chắc thơm lắm...
- Có nhiều, nhiều lắm. Rồi anh sẽ đưa em về quê.
Lần nào trong câu chuyện Thành cũng hứa vầy. Thành thử Mến thấy an tâm. Mà kỳ thực, nếu Thành không hứa, Mến cũng chẳng đòi hỏi gì. Mến nghĩ nhiều về những bữa cơm, tiếng loảng xoảng va đập của mâm bát, tiếng cười nói của trẻ nhỏ. Mến chỉ đang nghĩ một mình, chưa bao giờ kể lại cho Thành. Lâu dần Mến không thể phân biệt được đâu là quê trong lời Thành kể, đâu là quê trong những tưởng tượng sắp đặt của Mến.
- Bộ em không thấy chán sao, cứ kiếm chuyện quê hoài.
- Ừm, thì em cũng không biết sao nữa, giống như anh quen đeo khẩu trang mỗi lần ra đường.
Thành bật cười định nói gì đó. Thấy mắt Mến buồn như mèo đói, Thành ôm chặt Mến hơn, hôn nhẹ vào mấy sợi tóc mai lòa xòa trước mặt.
- Em nói vậy thì anh biết vậy, mai mốt anh đưa em về quê.
Thành nhìn xa xăm. Nếu Thành biết mình là đứa không quê liệu có bớt thương mình không nhỉ? Chẳng nhẽ không có quê cũng là một cái tội. Yêu đương hò hẹn bao lần rồi mà Mến vẫn chưa đủ can đảm nói ra.
Làm cùng nhà máy nhưng hẹn hò của Mến và Thành chỉ tính được trên đầu ngón tay. Thành suốt ngày bận bịu. Đâu như Mến, hết ca làm thì về. Thành bận những gì Mến không rõ. Mến cũng không hỏi. Tính Thành ít nói như Mến. Đôi lần hẹn hò, hai đứa như hai cái bóng lặng im bên nhau. Chiếc khẩu trang vẫn ngoắc trên mặt mỗi lần ra đường. Mến không buồn hỏi cho cặn kẽ dẫu cũng có lúc thắc mắc. Cơ bản là Mến thấy cũng tiện.
Chiếc khẩu trang sẽ mãi là một dấu hỏi cắc cớ nếu như một hôm hết ca Mến không nấn ná ở lại. Người phụ nữ ấy bế theo đứa trẻ. Người phụ nữ ấy cũng đeo khẩu trang.
- Cô gì ơi, tôi muốn hỏi một người tên Thành, người ta chỉ anh ấy làm ở đây.
Mến bắt đầu thấy tê lạnh ở sống lưng. Linh tính, linh tính… Mày làm ơn đừng linh tính gì bây giờ đi Mến. May còn có chiếc khẩu trang nên người đối diện không đọc được sự hoảng hốt đang hiện rõ trên mặt, giọng Mến run rẩy.
- Có việc gì à chị? À, ý tôi là chị có thể tả rõ hơn về người ấy, ở đây nhiều người tên Thành lắm - Mến cố trấn tĩnh.
- Đây, anh ấy đây.
Người phụ nữ lập cập đưa cho Mến xem ảnh trên chiếc điện thoại. Trong ảnh là Thành, bị quây giữa một bầy trẻ con, mặt đứa nào đứa nấy tèm lem mà tươi tỉnh. Mến cố gắng tìm kiếm một khuôn mặt để làm nguyên cớ cho nghi ngờ của mình nhưng những ánh mắt cứ hồn nhiên cười như chả thèm phả hờn dỗi vào Mến. Người phụ nữ nhẹ nhàng giục.
- Chị, chị có biết anh ấy không?
Tự thấy sự tò mò của mình nếu tiếp tục chẳng khác gì bị cuốn vào ma trận, Mến cố kiềm chế và giữ khoảng cách.
- Chị đi hết đường nhỏ này rồi rẽ trái. Có dãy nhà biệt lập với dãy nhà lớn này. Phòng anh Thành là phòng quản đốc.
Người phụ nữ rối rít cảm ơn Mến. Chiếc khẩu trang che kín mặt không giấu được nụ cười hiền trên mắt. Đứa trẻ vẫn ngủ ngoan trên tay. Mến không đoán được nó bao nhiêu tháng tuổi. Mến cũng không đoán được tuổi người phụ nữ ấy. Mến chẳng thể nghĩ được gì hay ho để trấn an mình.
Những cơn đau tức ngực lại mò đến. Lần này dữ dội hơn mấy lần trước. Toàn thân Mến căng cứng. Những tưởng tượng đua nhau chạy trong trí não. Bước chân nặng trịch. Mấy người ngược đường xì xào gì đó Mến nghe không rõ nhưng cảm giác người họ đang nhắc tới là Thành.
- Thằng dở người đó lại bày thêm trò gì nữa rồi.
- Ốc còn không mang nổi mình ốc còn bày đặt.
Mến bước chậm, kéo kín lại khẩu trang. Cảm giác tủi thân xộc lên. Mến định quay lại hòa vào nhóm người đi qua. Có thể họ sẽ cho Mến biết thêm một chút thông tin gì đó về Thành. Nhưng rồi Mến đã không đủ can đảm. Mến khóc. Chiếc khẩu trang che được phần nào cơn tức tưởi. Rồi thấy sự tức tưởi ấy cứ mãi thế cũng không giải quyết được gì, Mến bước nhanh về phía nhà xe. Đời Mến đã bao lần quệt nước mắt đứng dậy rồi. Lần này, nếu có cũng chỉ thêm vào bộ sưu tập khổ đau của Mến một vết sẹo đời thôi. Không sao. Mến trấn an mình. Đáng lẽ Mến sẽ về nhà, nấu món gì đó ngon ngon tí cho cả ba cùng ăn nhưng những cơn đau giục Mến qua phòng khám. Suy nghĩ tích cực thì những cơn đau sẽ dịu lại. Lời chúc dễ thương của thằng bé bán khẩu trang cũng làm Mến thấy dễ chịu hơn. Mến quyết định chưa khám vội. Trên đường về Mến ghé chợ mua hộp xoài dầm, mấy cái bánh giò bà chủ thích ăn, ít đồ ăn nguội cho con Phốc. Đợt rồi Mến tăng ca tối liên tục nên không bày vẽ được món gì cho ngon mắt, đợt này chắc Mến sẽ ở nhà nhiều hơn với bà. Những cơn đau lại xộc lên tức ngực. Mến hít một hơi dài. Thôi, về với bà thôi. Những miếng xoài dầm vàng óng, chua chua, giòn giòn làm Mến phấn khởi vặn ga.
Bà chủ đứng đợi trước cổng, mặt thất thần.
- Mày đi đâu cả ngày vậy Mến. Thằng Thành kiếm.
- Con qua nhà bạn, rồi vòng qua chợ. Con mua mấy cái bánh giò.
Mến cố gắng để tự nhiên.
- Lần sau thì biết đường mà về sớm. Tối mù tối mịt rồi còn chưa thấy vác mặt về. Tao già rồi, đừng để tao chết vì lo.
Mắt Mến rơm rớm. Đang sẵn cơn buồn, muốn vòng tay ôm chặt bà. Muốn gọi bà bằng một tiếng mẹ. Nhưng bà đã ngoay ngoảy bước đi. Mến thấy bà vừa quệt nước mắt. Chắc bà đã rất lo vì đây là lần đầu tiên Mến về muộn mà không báo trước.
- Con xin lỗi. Thành dặn gì không bà?
- Nó không nói gì. Gửi mày túi gì đó tao để trên phòng. Nó cắt phép hai tuần thì phải. Tao thấy thằng Cả bảo thế. À, mà thằng Cả nhắn mày về thì sang nhà gặp nó luôn. Có thể mày sẽ phải đảm nhiệm công việc của thằng Thành trong hai tuần nó nghỉ phép.
Thành gửi lại mấy cuốn sách. Trong đó có bức thư. Nét chữ nguệch ngoạc, Mến biết là Thành đã phải viết rất vội.
“Mến à, anh phải về quê. Không phải là quê anh mà là quê của những đứa nhỏ không biết vì sao mình có mặt ở trên đời này. Như anh. Như em. Gọi là quê vì nơi này xa thành phố. Ở đó có ngôi nhà nhỏ, anh và vài người bạn nữa xây lên. Người góp công, người góp của cưu mang chúng. Mà thực ra là bọn chúng đang cưu mang anh. Nhìn chúng, anh thấy được tuổi thơ mình ở đó. Một vùng ký ức đã bị xóa sạch nhờ có chúng mà anh hồi phục lại dần dần. Những đứa trẻ hồn nhiên lắm em ạ. Đó thực sự là những thiên thần. Một vài người phụ nữ không có chốn để về cũng ở lại. Đó là một gia đình. Thành thử bọn trẻ có nhiều bố nhiều mẹ lắm. Anh xin lỗi đã không chia sẻ sớm hơn với em. Lại còn bắt em đeo khẩu trang nữa. Từ ngày có mấy người trong nhà máy biết chuyện, anh quen với tấm vải mỏng ấy. Anh trốn cảm xúc mình trong đó. Đôi lúc giữa đám đông, anh được khóc một mình mà không ai hay. Gặp em, anh nghĩ là mình đã gặp được đúng người. Anh thương em rồi đây sẽ phải chia sẻ và gánh vác cùng anh. Anh không có quê. Sự háo hức với quê của em làm anh yếu đuối. Anh ngại. Đôi lần anh tự hỏi. Nếu biết mình là đứa không quê, liệu người ta có vì thế mà bớt thương mình. Là thế đó Mến...”.
Gấp bức thư, Mến không khóc. Cảm giác nhẹ nhõm khó tả.
Hai tuần ở vị trí công việc mới chắc Mến lóng ngóng lắm, nhưng không sao. Mến biết là mình làm được. Tạm thời cứ phải dùng khẩu trang đã. Hai tuần là quá dài. Khẩu trang để che sự mong ngóng, để giấu nụ cười hạnh phúc đang ngập tràn. Nếu không có chiếc khẩu trang chắc đám chị em ở nhà máy sẽ bu vào tra tấn Mến đến khổ. Dạo này Mến hay trốn vào nhà vệ sinh nôn khan lắm thôi...
Bình luận (0)