Khe Sanh tiễn các anh về…

20/10/2020 18:32 GMT+7

Dưới chân tượng đài Chiến thắng Khe Sanh (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), đoàn xe cứu thương chở thi hài các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 tử vong trong vụ sạt lở đất lặng lẽ băng qua màn mưa.

Ông Nguyễn Hùng (53 tuổi, trú tại xã Tân Hợp, H.Hướng Hóa) cứ mỗi lần nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương là bật dậy, nước mắt lưng tròng.
Hàng chục người khác cũng đã đứng dưới chân tượng đài Chiến thắng Khe Sanh ở ngã 3 đường 9 và đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ sáng sớm 19.10. “Biết xe đưa các anh sẽ chạy qua lối này, tôi đến đây từ sớm để chào lần cuối. Đất trời khắc nghiệt, sao lại cướp đi cả 22 sinh mệnh người lính giữa thời bình?”, ông Hùng xót xa.

Tìm thấy toàn bộ 22 thi thể quân nhân Đoàn 337 gặp nạn vì sạt lở đất

“Đất trời khắc nghiệt”

Sau khoảng 38 giờ nằm dưới đống đất đá buốt lạnh, 22 thi hài là cán bộ, chiến sĩ tử vong trong vụ sạt lở tại nơi đóng quân của Đoàn kinh tế - quốc phòng 337 (Đoàn 337), Quân khu 4 đã được lực lượng cứu nạn đưa ra ngoài. Có lẽ chưa khi nào mảnh đất anh hùng này chứng kiến cảnh bộ đội ngã xuống giữa thời bình đớn đau như thế…

Người dân H.Hướng Hóa ngóng tin tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sĩ trong lo lắng

Ảnh: Hoàng Sơn

Hẳn cái tên Khe Sanh sẽ gợi lên cho không ít người những ký ức khốc liệt về một thời đạn bom. Để làm nên chiến thắng, giải phóng hoàn toàn Khe Sanh vào ngày 15.7.1968 - mệnh danh là chiến thắng Điện Biên Phủ thứ 2, biết bao người lính đã nằm xuống. Trong thời bình, những bộ đội Đoàn 337 lại về đóng quân gần địa danh lịch sử này để xây dựng kinh tế, quốc phòng ở 5 xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của H.Hướng Hóa. Trong tháng 10 này, Đoàn 337 lao vào khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Và rồi, sau những ngày mệt nhoài giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, thảm nạn xảy ra…
Bà Trần Thị Loan (50 tuổi, trú tại TT.Khe Sanh) kể, trong số những người lính tử nạn, bà quen biết vài người. Thế nên, khi nghe tin dữ, bà rụng rời chân tay. “Hôm nay, bà con trong xóm không ai thiết làm gì cả. Họ cứ vào ra hóng theo đoàn xe cứu thương. Cách đây vài hôm còn thấy các anh còn đi ngang nhà, còn cười tươi…”, bà nghẹn giọng.

Cuộc điện thoại cuối cùng của quân nhân Đoàn 337 cho vợ con trước khi gặp nạn

Đêm của tiếng thở dài

Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Km 15 đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Hiện trường vụ sạt lở nằm ở Km 17. Bên trong sở chỉ huy, khuya 18.10, nghe nặng những tiếng thở dài. Những người ở lại Sở chỉ huy lúc đó gồm những cán bộ chiến sĩ tinh nhuệ được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy, theo dõi công tác mở đường trong đêm. Đêm tối, cũng có nhiều cán bộ chiến sĩ khác phải cơ động ra khỏi khu vực sạt lở, để đảm bảo an toàn.

Bữa cơm vội vã nơi lực lượng cứu nạn tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 mất tích

Ảnh: Hoàng Sơn

Có mặt tại hiện trường từ sớm, trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, sốt ruột cứ đội mưa liên tục vào ra kiểm tra xe tải đổ đá “vá” một phần quả núi gần đó. Ông tỏ ra rất xúc động. “Thực ra chỗ đấy (hiện trường ở Km17 - PV) không ai bảo bị sạt. Khu nhà ở của anh em Đoàn 337 rất tốt, không nghĩ sạt ngay phía núi đó xuống. Sạt từ trên kia xuống, cách xa đến 200 m”, trung tướng Cương nói.
Ngoài trời mưa như trút, bên trong Sở chỉ huy diễn ra cuộc họp khẩn cấp giữa các vị tướng quân đội với chính quyền tỉnh Quảng Trị để bàn phương án cứu nạn. Những PV tác nghiệp không được dự họp, nhưng vẫn cảm nhận được sự căng thẳng hiển hiện trên từng khuôn mặt trong bữa cơm vội vã lúc hơn 21 giờ tối. Những cán bộ từ cấp tướng cho đến sĩ quan không nói với nhau lời nào… Một cán bộ của Quân khu 4 vừa nhắc chúng tôi ra sau lán trại để cùng ăn cơm với công binh vừa thở dài: “Không nuốt nổi. Trong khi mình còn ngồi đây với bát cơm nóng thì ngoài kia anh em đang nằm dưới đống đất đá buốt lạnh. Nhói lòng lắm đồng đội ơi…”. Chúng tôi rời Sở chỉ huy tiền phương trên thùng xe tải của bộ đội công binh lúc 23 giờ đêm 18.10. Trên thùng xe chao lắc dữ dội vì đường sá nham nhở, những lính công binh trẻ cũng lặng im. Ai cũng đè nén cảm xúc.

Người lính trẻ Đoàn 337 và giấc mơ dang dở vì thảm nạn sạt lở

“Vét” nhiên liệu để cứu nạn

Mãi đến khi đã phát hiện toàn bộ 22 thi thể vào chiều 19.10, nhiều người mới có thời gian “soát lại” công việc. Trong điều kiện hiện trường bị cô lập hoàn toàn với hàng loạt điểm lở núi, nếu không có 2 chiếc xe xúc hạng nặng của dự án điện gió Hướng Phùng 2-3 cách đó khoảng 5 km, có lẽ công tác tìm kiếm sẽ còn kéo dài. Ông Trần Hoài Nam, giám đốc dự án, kể rằng sau khi nhận tin báo lúc rạng sáng 18.10, ông tức tốc điều động 2 máy xúc đến Đoàn 337. “Nhưng xe vừa ra khỏi công trường khoảng 200 m thì gặp quãng đường sạt lở. Lại phải chỉ đạo anh em khẩn cấp lái xe máy khoét núi vào ta-luy dương để thông tuyến. Mặt khác, do gần 10 ngày xảy ra mưa lớn, nhiên liệu máy móc cạn kiệt, tôi huy động gần 10 người đi “vét” nhiên liệu ở các xe khác”, ông kể. Khoảng 200 lít dầu mang đến châm vào xe xúc theo cách như thế, để công việc tiếp tục…

Ông Hồ Qua (thứ 2 từ phải sang) nhường ngôi nhà cho quân đội để sử dụng làm Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn

Ảnh: Hoàng Sơn

Những ngày có mặt ở xã Hướng Phùng, PV Thanh Niên nhận ra tình cảm cả nước của người dân không chỉ dành cho những người đã khuất, mà với cả lực lượng đang cứu hộ. Người đàn ông Vân Kiều Hồ Qua (57 tuổi) đã xui vợ con rời khỏi nhà sàn để dành chỗ lập Sở chỉ huy tiền phương. Con ông, mới lập gia đình, cũng tự nguyện dành phòng ngủ cho cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi… Ngồi trong căn nhà sàn đang thấm dột vì mưa lớn, ông Qua tâm sự: “Ngày thường, hay bão lụt, các anh cũng đều giúp đỡ đồng bào chúng tôi. Tôi đang ngồi đây, dù sao cũng có gian bếp ấm áp, còn trên núi kia các anh lạnh lẽo quá...”.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng vào rừng sâu Quảng Trị để chỉ huy tìm kiếm 22 cán bộ, chiến sĩ mất tích do sạt lở

Ảnh: Hoàng Sơn

Chiều muộn, chiếc xe cứu thương chở thi hài cuối cùng băng màn sương quánh đặc trên đường Hồ Chí Minh rồi vào đường 9. Khe Sanh không nức nở mưa như chiều hôm trước. Mà chỉ trầm buồn như thể muốn tiễn các anh về trong thanh thản…

Đưa các quân nhân Đoàn 337 gặp nạn về thành phố Đông Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.