'Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm', vận dụng trong tiết kiệm điện lúc khó khăn

Thời buổi khó khăn hậu Covid-19, có được một cuộc sống vừa đủ, phù hợp với thu nhập thật không dễ dàng gì. Nhiều gia đình lao đao ứng phó với bài toán kinh tế nên buộc người phụ nữ trong gia đình phải triệt để tiết kiệm, nhất là điện nên cần vận dụng câu đúc kết của cha ông mình: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm…”.

Rõ ràng, muốn gia đình trụ vững và vẫn giữ được ngọn lửa ấm áp thì phải biết tiết kiệm và cắt giảm bớt một số khoản chi không cần thiết, thay vì ngồi đó mà lên mạng than thở mãi về tiền. Sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các thành viên trong gia đình nếu biết tiết kiệm, biết đoàn kết, giỏi tính toán vấn đề tài chính.

 'Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm', vận dụng trong tiết kiệm điện lúc khó khăn  - Ảnh 1.

Hưởng ứng Giờ trái đất tại TP.HCM

Người chủ tay hòm chìa khóa của gia đình phải khéo léo kêu gọi các thành viên sống tiết kiệm, sắp xếp lại chi tiêu, lên kế hoạch cắt giảm những khoản chi không cần thiết, nhất là tiết kiệm điện. Đầu tiên là thay tất cả các bóng đèn trong nhà bằng compact hay tuýp LED, có thể dùng quạt nước thay cho máy điều hòa. 

Thay vì trước đây cứ đến mùa hè là phòng nào cũng bật điều hòa, năm nay cùng rủ nhau cả nhà ngủ chung một phòng, đỡ tốn khối tiền điện. Thời gian con cái nghỉ hè, tự tay các con vệ sinh máy điều hòa, máy quạt nước, thay phiên nhau tự dọn dẹp, lau chùi sàn nhà, ngủ dưới sàn cho mát. Tuy có hơi cực một chút nhưng cả nhà có được một mùa hè vui vẻ, đoàn kết, và trên hết là tiết kiệm được túi tiền, vừa gắn kết các thành viên trong gia đình lại cùng nhau.

Thay vì trước đây tiện đâu là bật đèn thì bây giờ tự cắt giảm khi không cần sử dụng. Thời gian trời chuẩn bị tối, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu là bật đèn. Nhưng suy nghĩ tiếp theo chợt nảy ra, thật sự cần thiết bật đèn lúc này không, hay chờ thêm một lúc nữa?

Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Những thứ mà trước đây tôi từng nghĩ là rất cần cho ngôi nhà, như bật đèn chiếu sáng và trang trí sân vườn trong tâm trạng nhất thời. Bây giờ nhờ việc bản thân không... ham bật đèn, tránh trả thêm tiền điện.

Khi mua lương thực phẩm, tương ứng với lượng thức ăn cần chế biến trong tuần, chứ không dư thừa như những lần trước, dùng không hết thì vứt, lại tốn thêm tiền điện để trữ trong tủ hạnh. Cửa tủ lạnh đóng kín, hạn chế mua thực phẩm quá nhiều, đến nổi tủ lạnh không khép được cửa và mở ra đóng lại quá thường xuyên…

Khi mà cả gia đình hòa thuận, cùng nhau có trách nhiệm tiết kiệm điện thì cuộc sống gia đình sẽ ổn định, đầm ấm, vui vẻ. Tiết kiệm điện không hề dễ khi mà ai cũng có nhu cầu của người đó. Thế nhưng khi mọi người chung tay tiết kiệm điện thì tự nhiên cảm thấy thích thú rất nhiều, ngoài ra nó còn gắn kết giữa các thành viên trong gia đình khi dạy được con cái biết yêu lao động. 

Thành quả ngọt ngào nhất là cả nhà có một mùa hè an lành, yên tâm, vui vẻ, an toàn. Điều tôi nhận ra, một thời gian theo đuổi lối sống tiết kiệm điện, bỏ bớt tính thích là bật điện không suy nghĩ, rèn luyện cho cả nhà một thói quen, một lối sống giản dị. Mà để có được điều đó, tôi phải chiến thắng được tính sĩ diện, vượt lên sự cám dỗ của bản thân. 

 'Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm', vận dụng trong tiết kiệm điện lúc khó khăn  - Ảnh 2.

Thời gian trời chuẩn bị tối, suy nghĩ đầu tiên trong đầu là bật đèn. Nhưng suy nghĩ tiếp theo chợt nảy ra là thật sự cần thiết bật đèn lúc này không và chờ thêm một lúc nữa.

Nguyễn Thị Thu Hiền

Trước đây cứ thấy tối là bật đèn chiếu sáng và trang trí cả khu vườn cho đẹp. Té ra những gì tôi thấy cần là những thứ không cần. Có thể nhiều người sẽ e ngại rằng, sống như thế thì tiết kiệm được bao nhiêu, nhưng thực ra số tiền điện chi ra không hề nhỏ, chính tôi đã kiểm chứng. 

Từ khi nhất quán một tinh thần tiết kiệm điện, tôi thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Tôi sẽ duy trì như thế trong tương lai, sống tiết kiệm điện không có nghĩa là vất bỏ hết những đồ đạc không thực dụng, vẫn mua kha khá những món đồ cả nhà thích, như đồ điện trong nhà bếp. Cái quan trọng ở đây là tiết kiệm điện, chứ không phải keo kiệt, cả nhà luôn sống trong vui vẻ…

Tiết kiệm điện là tiết kiệm cho sản xuất và ngân quỹ gia đình. Hè năm nay khác với mọi năm, nhà tôi vẫn nhộn nhịp, ấm áp nhưng về chi phí tiền điện thì chỉ bằng một nửa của các năm trước nên càng vui vẻ hơn.

"Tiết kiệm điện thành thói quen" với tổng giải thưởng 99 triệu đồng và quà tặng

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi dành cho các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6-31.8.2023.

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.