Khi áp lực bủa vây, chọn đương đầu hay chạy trốn?

04/04/2022 18:53 GMT+7

Trong cuộc sống, không ít lần bạn trẻ phải đối mặt áp lực lớn từ học tập, công việc, gia đình… Vậy làm cách nào để vượt qua được những áp lực đó?

Nhiều áp lực bủa vây trong cuộc sống

Phạm Đức Trung, sinh viên năm 4 Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng mỗi người luôn có những áp lực tiềm ẩn xuất phát từ tác nhân bên ngoài hoặc bên trong. Theo Trung, riêng sinh viên thì phải đối mặt áp lực từ việc học tập, áp lực tài chính, cuộc sống ở trọ và cả mối quan hệ với cha mẹ.

Áp lực là điều hiển nhiên trong xã hội hiện đại

đào ngọc thạch

Ở góc độ người đã lập gia đình, chị Linh Kona (38 tuổi, sống và làm việc tại Hà Nội) cho rằng mỗi gia đình đều có những áp lực riêng từ việc dạy con, quan điểm về phương pháp dạy con, áp lực từ công việc, các mối quan hệ…

Theo quan điểm của chị Linh, áp lực luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. "Bản chất của áp lực tồn tại trong chính mỗi cá nhân. Ngoài các yếu tố bên ngoài tác động, hoàn cảnh thay đổi... thì áp lực vô hình bên trong mỗi chúng ta thật sự nguy hiểm hơn rất nhiều. Cuộc sống không có áp lực sẽ trở nên nhàm chán, thiếu động lực vươn lên nhưng đôi khi cũng dẫn đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực...", chị Linh chia sẻ.

Đồng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, chuyên viên tư vấn tổng đài 1022, cho biết: "Áp lực là điều xuất hiện hiển nhiên trong xã hội hiện đại. Có nhiều loại áp lực khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn xoay quanh vấn đề về học tập, thành công vội, áp lực đến từ gia đình, bản thân, từ sự kỳ vọng của nhiều người. Những người đi làm còn đối diện áp lực cơm áo gạo tiền, công việc, định mức, gia đình, từ sự thành công của bạn bè…".

Chuyên viên này chia sẻ thêm: “Những diễn biến tâm lý đó khiến bạn trẻ bị cuốn vào một vòng xoáy mà không có cách nào thoát ra được, dần dần cuộc sống trở nên bất lực, bế tắc, cảm thấy vô dụng và đi vào ngõ cụt”.

Ngày càng có nhiều người gặp áp lực về mặt tâm lý

ảnh chụp màn hình

Theo chuyên viên tâm lý, áp lực luôn khiến tâm lý người trẻ bị chi phối và phải suy nghĩ nhiều về một vấn đề, chưa kể tác động đến sức khỏe, hệ thần kinh, làm thay đổi thái độ sống, hành vi. Vì thế chuyên gia Hoàng An cảnh báo: "Nếu bạn trẻ để áp lực kéo dài thì hậu quả càng lớn. Trong một số trường hợp, bạn trẻ có những suy nghĩ quá xa như kết thúc cuộc đời để giải thoát áp lực đó".

Do đó, thạc sĩ Hoàng An cho rằng những người trẻ có kỹ năng đương đầu áp lực thì sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự tiến bộ. "Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vượt qua nếu chưa có kỹ năng. Những hậu quả từ việc chưa có kỹ năng là bản thân mất tập trung trong công việc, học tập, xảy ra những điều không hay trong các mối quan hệ", anh Hoàng An lưu ý.

Cần đối diện và vượt qua áp lực

Theo chuyên viên tâm lý Hoàng An, bạn trẻ nên giải quyết triệt để từ những vấn đề nhỏ nhất, đừng để nó lớn dần đến khi quá sức chịu đựng. “Những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống thì nên tập chia sẻ với mọi người xung quanh, gia đình, bạn bè, thầy cô… hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý, tránh ôm đồm những phiền não đó”, thạc sĩ Hoàng An nói.

Ngoài ra, bạn trẻ nên tham gia các hoạt động cộng đồng, du lịch, tìm đến những điểm vui chơi lành mạnh, theo anh Hoàng An.

Học sinh tìm đến thầy cô để chia sẻ tâm tư, giảm áp lực tâm lý

Phạm Hữu

Bên cạnh đó, chị Linh Kona khuyên các bạn trẻ để sống cùng với áp lực thì chính người trong cuộc phải dám nhìn thẳng vào vấn đề đang gặp phải trên góc độ tích cực nhất. "Từ đó, bạn trẻ có thể cảm nhận được rằng trong thách thức luôn có cơ hội. Khi đó, việc thích ứng với cuộc sống mới và sống trọn vẹn từng ngày trở nên vô cùng ý nghĩa", chị Linh chia sẻ.

Chị Linh đồng thời khuyên các bạn trẻ: "Hãy luôn suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống, không hoài nghi, không toan tính. Nhìn sự việc luôn bằng góc nhìn rộng hơn, thoáng hơn, dù bất cứ vấn đề gì xảy ra vẫn luôn có giải pháp tối ưu. Yêu thương lắng nghe bản thân, tập thể dục, nâng cao tư duy qua việc mở mang kiến thức, học hỏi điều mới hằng ngày. Khai phá năng lực bản thân, dám tiếp cận và thay đổi sẽ giúp chính mình có năng lượng tràn trề, tươi mới mỗi ngày".

“Bạn có thể đọc sách, xem phim, ăn món bạn thích cùng gia đình, đi bộ, hít khí trời, nhìn cảnh vật xung quanh yên bình”, chị Linh chia sẻ thêm.

Còn Đức Trung thì hiến kế giảm tải áp lực học tập bằng cách tự thưởng cho bản thân một ngày nghỉ hoặc một buổi thư giãn, sau đó sẽ dồn sức vào để hoàn thành nhiệm học tập. "Nếu bạn trẻ gặp áp lực về mặt tài chính thì nên tìm sự trợ giúp của người thân trong gia đình để vượt qua giai đoạn khó khăn”, Trung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.