Lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận nói rằng không chỉ BVĐK Bình Thuận mắc rất nhiều khoản nợ không có khả năng chi trả, mà hiện nay, hầu như BV công nào cũng bị tình trạng nợ, mất cân đối nguồn thu hoặc thu không đủ chi. Đơn cử, tại BVĐK Bình Thuận, tiền nợ thuốc đã mua của 205 công ty chưa trả hơn 58 tỉ đồng. Đó là chưa kể tiền nợ từ mua thiết bị y tế, hóa chất của hơn 40 công ty khác với số tiền gần 10 tỉ đồng. Ngoài ra, còn khoản "nợ" do bị thâm hụt từ các quỹ như: phúc lợi, thi đua khen thưởng, hoạt động sự nghiệp hàng tỉ đồng.
BVĐK Bình Thuận, một BV quy mô lớn nhất của tỉnh Bình Thuận, đang bị Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận xuất toán, hoặc từ chối chi trả hàng chục tỉ đồng từ hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Và như dự báo của lãnh đạo BVĐK Bình Thuận tại cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh này hôm 6.8, dự kiến năm 2023, nguồn kinh phí tại đơn vị này sẽ thâm hụt khoảng 11,3 tỉ đồng.
Vậy thì, nguyên nhân, trách nhiệm trong câu chuyện này từ đâu, thuộc về ai?
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận lý giải chỉ tính riêng BVĐK Bình Thuận hiện có gần 1.000 nhân viên, quy mô hơn 900 giường bệnh. Nhưng hiệu suất sử dụng giường bệnh (trong 5 năm gần nhất) chỉ đạt chưa tới 70%. Điều này dẫn đến dư thừa nhân lực. Dù thu không bù chi, nhưng vẫn phải trả lương cho nhân viên y tế. Đó là chưa nói đến còn nhiều nguyên nhân khác, khách quan lẫn chủ quan. Thậm chí có lúc BV này phải lấy kinh phí mua thuốc men để trả lương cho nhân viên.
Để tình trạng này xảy ra, theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận, trước hết thuộc về trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập. Nhưng cái quan trọng hơn lúc này vẫn là phải tìm ra giải pháp tháo gỡ, chứ không chỉ có quy trách nhiệm. Theo đó, BV cần hướng đến xã hội hóa một số dịch vụ khám chữa bệnh; tinh giản biên chế, sắp xếp lại khoa, phòng cho phù hợp quy mô. Mặt khác, tỉnh cần đầu tư nguồn lực, trong đó bổ sung kinh phí để BVĐK tỉnh Bình Thuận hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, tương xứng với vai trò BV tuyến đầu của tỉnh.
Bình luận (0)