Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính Phủ chiều 30.1, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết theo yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Bộ đã có văn bản đề nghị Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an xem xét điều tra vụ 'bút phê' để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường - Ảnh: Nguyễn Tuấn
|
Câu chuyện bắt đầu từ việc lùm xùm tin nhắn qua lại giữa bà H.T.D.H., Chủ tịch HÐQT Công ty CP đầu tư TH và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, rồi dư luận xôn xao khi một số báo điện tử đưa thông tin về bút phê của ông Thứ trưởng tại một số công văn đề nghị giải quyết công việc của doanh nghiệp. Về vấn đề này, tôi thấy cần phân biệt hai loại bút phê hiện tồn tại trong nhiều cơ quan quản lý:
Thứ nhất, bút phê chỉ đạo trong nội bộ cơ quan quản lý. Khi các doanh nghiệp, tổ chức gửi văn bản đến trụ sở cơ quan quản lý, ví dụ một cơ quan bộ thì căn cứ lĩnh vực phụ trách, Văn phòng Bộ sẽ trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê ý kiến trên văn bản để giao nhiệm vụ cho đơn vị cấp dưới hay chuyên viên trợ lý tham mưu giải quyết. Việc giải quyết thế nào thì bộ sẽ có văn bản chính thức gửi cho doanh nghiệp, tổ chức cùng các đơn vị liên quan, tất nhiên văn bản sẽ được lưu trữ theo chế độ văn thư đi. Doanh nghiệp hay tổ chức gửi văn bản không có trong tay bút phê vì đây là chỉ đạo nội bộ của lãnh đạo bộ và nếu lọt ra ngoài là điều không bình thường. Bút phê trong trường hợp này của lãnh đạo bộ chỉ là thông tin chuyển văn bản cho các cơ quan, đơn vị, chuyên viên trong hệ thống và hoàn toàn cần thiết để chỉ đạo điều hành và được lưu trữ trong hồ sơ của bộ.
Thứ hai, bút phê giải quyết công việc trên công văn của doanh nghiệp, tổ chức, do tổ chức, doanh nghiệp trực tiếp xin lời phê, hệ thống quản lý cơ quan không biết.
Với quan sát của người có 8 năm làm việc tại UBND của một tỉnh, tôi thấy rằng bút phê loại này là một kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước cần phải được chấm dứt hẳn bởi các lý do sau:
- Bút phê của lãnh đạo cơ quan quản lý trên công văn của doanh nghiệp, tổ chức ít nhiều thể hiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp, tổ chức với người phê vì không có mối quan hệ thì không thể tiếp cận để xin “phê” được. Cơ quan, cán bộ cấp dưới khi nhận bút phê do tổ chức, doanh nghiệp mang đến có thể suy diễn nhiều điều cho dù bút phê không thể hiện, và cũng không loại trừ việc doanh nghiệp, tổ chức thêm mắm thêm muối, tô đậm về mối quan hệ đó hòng được việc của mình. Do bút phê không phải là chỉ đạo chính thức nên khi xảy ra hậu quả xấu thì người phê dễ thoái thác trách nhiệm. Vấn đề là tuy không phải văn bản chỉ đạo chính thức nhưng nhiều khi bút phê lại có hiệu lực chả kém gì.
- Bút phê của lãnh đạo cơ quan quản lý vào công văn của doanh nghiệp, tổ chức trong trường hợp này sẽ do doanh nghiệp, tổ chức giữ, không ghi số vào sổ công văn của cơ quan quản lý nên cũng không được bộ phận văn thư theo dõi theo chế độ lưu trữ tài liệu. Hệ thống quản lý của cơ quan không kiểm soát được vì không hề biết có bút phê trừ người phê. Đã có nhiều trường hợp, chỉ đến khi thanh tra “sờ” tới thì người ta mới phát hiện trong hồ sơ vụ việc có bút phê của lãnh đạo.
- Không ít trường hợp doanh nghiệp, tổ chức gặp nhiều lãnh đạo khác nhau của cơ quan quản lý để lấy bút phê cùng một việc và họ chỉ triển khai bút phê nào có lợi cho doanh nghiệp, tổ chức và ỉm đi bút phê không mặn mà với đề xuất của họ.
Vì những lý do trên, cần có chỉ thị của Thủ tướng chấm dứt chỉ đạo, điều hành bằng bút phê loại hai này trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Bình luận (0)