Khi các 'đại gia' ngoại đổ vốn vào thị trường bảo hiểm

05/11/2013 05:15 GMT+7

Những năm gần đây, cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ diễn ra hết sức khốc liệt. Đặc biệt, khi có sự “bắt tay” của các công ty bảo hiểm trong nước với các nhà đầu tư ngoại đã khiến sự phân hoá và phân khúc thị trường ngày càng rõ rệt.

 

Nếu tính chung 6 tháng đầu năm nay, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ chỉ tăng trưởng ở mức 2,2%, thấp nhất từ trước đến nay. Mức tăng trưởng của các “đại gia” trong ngành cũng đang ở mức không tăng trưởng hoặc tăng trưởng ở mức rất thấp.

Đứng trước tình hình khó khăn này, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đã ra sức cải tổ, tập trung tái cơ cấu để quản lý tốt hơn các rủi ro, lựa chọn dịch vụ tốt để tham gia bảo hiểm, thu hồi triệt để công nợ, chú trọng công tác giám định bồi thường, tăng cường chất lượng dịch vụ khách hàng và áp dụng các biện pháp để tiết giảm tối đa chi phí... Bên cạnh đó, việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nhằm khắc phục những điểm yếu, nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển công nghệ bảo hiểm chuyên nghiệp cũng là chiến lược mà các công ty bảo hiểm đang làm.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, chính sự “bén duyên” giữa các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước với các “đại gia” ngoại đã khiến cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ngày càng khởi sắc. Việc các đại gia ngoại đổ vốn vào thị trường bảo hiểm đã giúp các công ty trong nước giải bớt bài toán áp lực về huy động vốn, áp lực chuyên nghiệp hóa hoạt động bảo hiểm và áp lực mở rộng thị phần. Đơn cử như trường hợp của công ty bảo hiểm Toàn cầu (GIC).

Cách đây 2 năm, thương vụ hợp tác chiến lược giữa GIC và tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng của Đức ERGO trị giá 380 tỷ đồng đã làm thay đổi vị thế của GIC sau đó. Sau khi ERGO mua lại 10 triệu cổ phiếu của GIC, tương đương 25% cổ phần của GIC và hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm của GIC tương đương 46 tỷ đồng, GIC đã dần “lột xác” với những cải tiến tích cực về mặt quản lý và khai thác thị trường.

 

Sự hợp tác này được giới tài chính đánh giá là một sự kết hợp khá khôn ngoan, nhất là trong bối cảnh thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt và đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao.

Với con mắt tinh tường của nhà quản lý bảo hiểm danh tiếng trên thế giới có mạng lưới hoạt động trên 30 nước châu u và châu Á, ERGO đã tiến hành “cài cắm” các “hạt giống” vào trong bộ máy GIC nhằm khắc phục những điểm hạn chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đây cũng là cách ERGO chuyển giao dần các công nghệ bảo hiểm chuyên nghiệp cũng như hoạch định các chiến lược kinh doanh đúng đắn, giúp GIC ngày càng khẳng định vị thế của mình trên thị trường.

Sau khi các doanh nghiệp nhà nước tiến hành thoái vốn theo các quy định của chính phủ về đầu tư ngoài ngành, ERGO lập tức yêu cầu mua lại số cổ phần này, nâng tỉ lệ sở hữu tại GIC lên tới mức 35%. Động thái này đã cho thấy, các “đại gia” ngoại đang rất quyết tâm và có chiến lược bài bản trong việc đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ còn nhiều tiềm năng như Việt Nam.

 

 “Việc các công ty bảo hiểm nước ngoài mạnh dạn rót vốn vào thị trường bảo hiểm VN nói chung và khối bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng là một xu thế tất yếu. Trong khi hầu hết các ông lớn đều đã “bén duyên” với các cổ đông chiến lược ngoại, thì các công ty nhỏ hơn cũng đang ra sức tìm kiếm đối tác nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Chính điều này đã khiến cho thị trường bảo hiểm tại VN càng thêm sức hút”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.