|
Vở kịch là câu chuyện hậu chiến khi chủ tịch huyện trong một lần hỏng xe bỗng phát hiện giấy tờ đánh rơi của mình trên bàn thờ của gia đình một nữ bộ đội phục viên. Chị làm mẹ đơn thân, sống cùng cậu con trai hễ cứ bị nói không có bố là lên cơn tâm thần. Tuy ông không phải là bố cậu, chị xin giữ lại mảnh giấy cũng là giữ cho con khỏi sang chấn tâm lý lần nữa. Trước nguy cơ cậu bé bị điên trở lại, ông chủ tịch và vợ đã lựa chọn và cùng nhận cậu bé là con. Họ không thể mất cậu, không thể để cậu bé mất niềm tin cũng như tình đồng đội...
Được dựng “thần tốc” trên chính những gì tác giả kịch bản Lê Quí Hiền đã viết, đạo diễn Đỗ Kỷ đã dựng từ 2003, vở diễn phần nào trở nên lạc hậu với những cái ác đã cũ kỹ và quá đơn giản so với nhận thức khán giả đương thời. Những câu nói không biết mà như mách tội kiểu “Em ủng hộ anh ấy, thế anh chưa biết là họ đang đồn về việc…” chỉ còn là trò đưa chuyện dễ dãi. Món quà biếu là chiếc radio cassette chẳng còn gợi tầm vóc của một phi vụ lợi dụng chức vụ… Hiện hình của cái ác vì thế đã kém thâm độc, tráo trở và tàn nhẫn đi nhiều.
Tuy nhiên, vẫn lẫn đây đó trong vở một vài đoạn diễn rất ngắn khá cảm động. Một trong những đoạn đó là cảnh người nữ bộ đội đi xin con. Khi xung quanh tối đen, đèn pholo rọi thẳng vào chị, người phụ nữ khi thì khước từ kẻ quá ham hố, tát kẻ mang tiền đến cho để rồi dịu dàng chia sẻ mong muốn làm mẹ với một người lái xe Trường Sơn tốt bụng. Rất ngắn, nhưng nhân cách của chị được khắc họa rõ nét. Có lẽ, chính những mẩu nhỏ của tình người như thế đã khiến vở diễn thuyết phục. Khi cái ác đã khác xưa, thì trên nền kịch bản quá cũ, những vai diễn chính luận đúng chất Nhà hát kịch Việt Nam vẫn còn có thể gửi đến khán giả bài học về tình người.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)