Trang kể cơ duyên để cô và bạn sáng tạo cùng cây sả và cây khoai nước đó chính là thói quen dùng lá cây của ông bà. “Tôi luôn hãnh diện kể cho bạn bè nghe ông bà mình luôn sử dụng các loại lá cây sẵn trong vườn như lá chuối, lá dong… để gói đồ. Tàu lá cau rụng ông để làm chổi quét còn cuống lá khoai, lá sả… bà làm dây buộc. Ông bà ít khi dùng túi ni lông, chẳng mấy khi mua rổ đựng ly, chén bát bằng nhựa”, Trang kể.
Ở xã Khánh Nhạc, kế bên nơi Trang và Chung đang sống có nghề đan thủ công từ cói, cây bèo tây (lục bình). Hai người bạn luôn suy nghĩ ngoài cói và bèo tây, có thể dùng những loại cây gì dễ trồng, dễ kiếm ngoài tự nhiên để có thể làm nên những vật dụng thân thiện trong cuộc sống, giảm thiểu dùng đồ nhựa, thải nhựa ra môi trường?
Hai bạn Chung (phải) và Trang với đồ thủ công từ cây sả, khoai nước |
Nguyễn Hiền |
Trang và Chung tìm hiểu, họ nhận ra cây sả rất dễ trồng ở các khu đất bỏ hoang, thiếu nước, không mất nhiều công chăm sóc. Cây sả khô còn có mùi thơm đặc trưng, ít ngấm nước, dai, bền. Bên cạnh đó, cây khoai nước dễ sống, thân khoai dài, phơi khô dẻo, dai, nhẹ… có thể đan thành các vật dụng rất tiện lợi.
Bắt tay vào đan thử, nhờ sự hỗ trợ của cô giáo và các cô chú chuyên đan đồ thủ công trong vùng, Trang và Chung đã tạo ra nhiều đồ vật rất dễ thương. Với cây sả phơi khô, họ tạo ra khay, hộp đựng, búi rửa bát, đồ trang trí, giỏ ủ nước nóng, mũ (nón)… Trong khi từ thân cây khoai nước phơi khô có thể làm thành khay, hộp đựng hạt quả khô, giỏ đi chợ, túi xách, thảm lau chân, thảm lót sàn…
“Đồ dùng đan từ cây sả có ưu điểm là mùi thơm đặc trưng, nhẹ, ít thấm nước. Nhưng khi phơi khô thì sả giòn, dễ gãy vì vậy phải đan kết hợp với cói, mây… Đồ đan từ cây khoai nước nhẹ, dai, bền, mềm, dù không cho mùi thơm như cây sả. Các vật dụng trong gia đình đan từ cây sả, khoai nước dễ làm, cho tính thẩm mỹ cao. Nếu được dùng rộng rãi sẽ giúp hạn chế đồ nhựa, thân thiện với môi trường”, Chung hào hứng kể.
Vùng quê Yên Khánh của Trang và Chung từng là vùng trồng lúa, sau đó khu công nghiệp mọc lên, người dân ít trồng lúa dần, ruộng vườn, hoa màu bị bỏ hoang. Khoai nước cũng mọc hoang dại khắp các bờ ao, kênh, vốn chỉ được lấy về làm đồ ăn cho lợn.
Hai học trò mong muốn dự án được áp dụng trong thực tế. Khi ấy, những vùng đất hoang hóa được phủ xanh bằng cây sả, vừa thu hoạch làm thực phẩm - dược phẩm, vừa tận dụng để đan đồ thủ công. Nhờ đó, bà con có thêm một nguồn thu nhập.
Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên sinh học Trường THPT Yên Khánh A, người đồng hành cùng 2 học trò trong dự án trên cho hay các sản phẩm đan từ cây sả, khoai nước chưa được áp dụng các biện pháp bảo quản, sấy, nhuộm màu như với các sản phẩm cói, bèo ở địa phương. Điều này cần khắc phục để đảm bảo thẩm mỹ, độ bền...
Bình luận (0)