Khi chàng về muộn

11 giờ đêm. Tiếng xe máy vù ga lên cực độ rồi tắt lịm. Chàng về.

Loạng choạng đẩy được chiếc xe vào nhà, “nheo nheo bắn bắn”, thấy truyền hình đang phát bản tin cuối ngày, màn hình có chạy dòng chữ những người thực hiện, chàng lại cứ tưởng đó là karaoke nên cất giọng hát lay động đến nỗi... những người hàng xóm bị đánh thức bởi những âm thanh càng về sau càng to và bè nhè hơn trước.
Và kết cục là màn đối thoại sau:
- Mẹ mày hay nhỉ, phải để tớ hát thì mới hả được rượu ra chớ.
- Ai bảo đi cho lắm vào?
- Này, tớ mà còn đi tức là còn đáng mặt, khi không còn ai mời, không phải đi nữa thì lúc đó coi chừng cũng tàn đời rồi, mẹ con mày đừng tưởng sướng nhé!
- Kiếm được mấy đồng bạc rồi ỷ thế với vợ con. Đi thì đi luôn đi...
Xoảng, xoảng...
Biết chuyện, hôm sau, thấy Hương đã có vẻ bình tĩnh, tôi đề xuất: “Chấp làm gì mấy cái ông say. Lúc đấy mình có nói cũng chỉ tổ hao hơi, để lúc khác tỉnh táo nói có hơn không?”. Chưa cho tôi hết lời, chị đã quắc mắt: “Bộ tôi muốn nói lắm à? Ổng đi làm, mình cũng đi làm, quần quật cả ngày về còn lo đón con, nấu nướng. Còn ổng sáng mở mắt ra là xách xe biến, nửa đêm mới về. Thằng nhỏ ốm, dỗ mãi nó mới thiêm thiếp, về là dựng dậy. Ổng uống vô hát cho hả rượu, còn mình tức thì cũng phải nói cho hả bức xúc ra chớ. Mà không nói lúc đó thì còn lúc nào? Nhịn mãi không nổi u nổi cục trong người thì cũng sinh trầm cảm chết non chớ ích gì?”.
Quả không phải không có lý. Bình là giám sát thi công thuộc bên A. Mỗi tháng mươi lần về muộn. Là dân kỹ thuật nhưng lại có máu văn nghệ, hễ có tý men vào là mọi người thường được phục vụ thơ nhạc miễn phí. Từ tôi vẫn đi về qua ngõ nhà em đến đoàn giải phóng quân một lần ra đi... thôi thì đủ cả!
Không hiểu làm sao mà mấy ông đàn ông hỏi thì bảo chẳng có chuyện gì, chỉ lai rai vài chai bia mà nửa đêm mới về. Suốt ngày mọi chuyện cần nói thì nói ở cơ quan rồi, ngồi râm không nói khôn chuyển thành dại thì cũng chỉ có bồ bịch nhân tình mới sáng đêm vậy chớ? Nghĩ đến vế sau, vợ nào là vợ không nổi cơn tam bành lục tặc...
**
Có một lần, Hùng về nhà muộn, sau nhiều lần gọi cửa chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ thay cho câu trả lời đanh thép của vợ như vốn dĩ, đành lang thang khắp phố. 1 giờ sáng, anh gõ cửa một nhà trọ ngủ luôn đến hôm sau. Báo hại Sương, chờ mãi không thấy chồng gọi tiếp, nhìn qua khe cửa thấy trống không, sáng vẫn không thấy Hùng về, gọi điện thoại thì máy ọ i è, liền bổ đi tìm khắp nơi. Cả bạn bè lẫn cảnh sát được một phen hoảng loạn.
Tuy nhiên, sau chuyện đó tình hình vẫn không cải thiện được mấy. Bây giờ, mỗi buổi chiều nếu ai vô tình bảo mới gặp Hùng đâu đó, mắt Sương lạnh tanh với một câu trả lời cũng lạnh: “Bây giờ mà ổng có mặt ở nhà mới là chuyện lạ!”.
Sương là người độc lập.Thấy chồng hay về muộn, mình cũng không có nhiều thời gian, thay vì tất tả nấu cơm rồi chờ chồng và để cơm nguội, mẹ con chị chọn cho mình giải pháp ăn đồ hộp hoặc nhà hàng, đỡ tốn thời gian, chỉ có điều, chiều đến ngôi nhà của họ cứ thiêu thiếu thế nào ấy. Có hôm, Hùng chưa ăn cơm nhưng vợ con thấy anh về muộn nên đã ăn cơm tiệm, thế là anh ta cũng đành ăn đồ nguội, đi ngủ. Hôm sau thức dậy, đã cáu: “Tưởng về nhà để ăn cơm một bữa, ai dè cũng chỉ có đồ nguội, thế thì về nhà làm gì?”
Hình như mỗi người đàn ông đều có những lý do để về nhà muộn: Công việc, đàm phán, khách bạn, thậm chí là xả... stress sau mỗi ngày làm việc (cũng phải nói là căng thẳng). Nhưng hầu như ông nào cũng không nghĩ đến vợ mình, họ cũng làm việc căng thẳng, đôi khi cũng bị stress... sao họ vẫn phải về nhà?
5 giờ chiều.
Khi những nhân viên nữ hối hả tắt máy vi tính, đóng cửa để người kịp đón con, người kịp đi chợ... thì mấy gã đàn ông liên tục nháy nhau: “Phải tiếp tục nghiên cứu chớ?”. Anh nào cũng nhoẻn miệng cười đầy ý nhị. Chỗ của họ thường là mấy cái quán nhậu vỉa hè. Và sự nghiệp nghiên cứu ít khi kết thúc trước 10 giờ đêm. Lại còn có ông bia rượu vào bạo miệng tuyên bố: “Về sao được mà về. Về sớm, vợ nó lại bảo: Anh sống thế nào mà đến bạn bè cũng không có, chiều thấy chồng người ta bù khú ở quán nhậu với bạn bè, còn chồng mình thì lủi thủi về nhà, nhục thế!”.
Ngoại trừ mấy cha thích đàn đúm mỗi chiều, cũng có những trường hợp “ngoại lệ” phải ngồi ở quán. Chinh là phó giám đốc của một trung tâm tư vấn, tính thường không thích bù khú, thế mà, một dạo, chiều nào cũng thấy anh một mình trong góc quán nhỏ, gương mặt ưu tư. Hoá ra là vì công việc không được thuận lợi cho lắm...
*
Nói chồng người, chuyện chồng mình thì sao?
Anh là một con người yêu công việc trên mức bình thường. Về nhà, không nói chuyện thì thôi, nói chuyện cũng chỉ về công việc. Công bằng mà nói, sếp và đồng nghiệp không có ai phàn nàn về chuyên môn, nên ham mê công việc coi như không có gì đáng trách, dù nghe mãi các thuật ngữ khoa học ngành chàng cũng đa đà (đau đầu).
Anh có một nguyên tắc khá hay là không bao giờ uống một giọt bia vào ban ngày, dù ngoài giờ làm việc và trưa nào cũng nhất định về nhà ăn cơm với vợ con, cho dù ai rủ cũng nhất định không tham gia. Nhưng chàng là “vua về muộn”. Thoạt đầu cũng bực, sau cố chịu nên thành quen. Sau mỗi ngày công việc hanh thông, anh vẫn rủ bạn bè để thưởng cho thành quả làm việc của mình, quanh đi quẩn lại mấy cái quán đó, cũng mấy con người đó, nói chừng đó chuyện nhưng không hiểu sao vẫn cứ thấy buồn... Nên yêu cầu: “Nếu chiều không ăn cơm thì điện về nhà một cái”, cũng không điện, hỏi, lại bảo: “Từ nay khi nào ăn cơm thì điện về. Không điện coi như không ăn!”. Người lạ thế đó!
Cần mấy người để tạo nên một bữa cơm gia đình thì ai cũng biết. Chồng không ăn tối ở nhà là chuyện thường xảy ra thời hiện đại, ai cũng biết (Hơn nữa đàn ông sau giờ làm chỉ về với vợ, không bạn bè thì chắc gì đã... tốt?). Vậy mà mắt cứ ngóng ra cửa mỗi tối, thôi thì cứ coi như đó là chuyện bình thường, gọi điện nhắn tin làm gì... tốn tiền.
Những cuộc nhậu thì thường rất dài, có khởi động, có tăng tốc, có về đích, có khi 11 giờ đêm về đến nhà điện thoại vẫn còn reo...
Chiều mai, lại ngóng ra cửa để chờ... một năm, mười năm... Không khéo đến lúc lại được phong danh hiệu “bà mẹ hai con... ngóng cửa” chưa chừng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.