Ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã bắt đầu việc vẽ tranh rất tình cờ vào năm 2005. “Dịch giả Phạm Long Quận gửi tranh, toan và màu vẽ từ Cuba về để nhờ tại nhà anh Thiều. Anh đã thử những vệt màu đầu tiên, đó là màu vàng. Rồi anh Thiều bị toan và màu cuốn đi”, ông Lê Thiết Cương nói.
Ông Cương cũng làm giám tuyển triển lãm cá nhân đầu tiên của ông Thiều. Triển lãm mang tên “Người thổi sáo” diễn ra từ từ 7 - 15.1 tại Trung tâm Art Space, 42 phố Yết Kiêu, Hà Nội.
Mặc dù vậy, “họa lộ” của ông Thiều đã bị đứt quãng khá lâu. Sau triển lãm nhóm đầu tiên năm 2005, phải tới 7 năm sau, ông Thiều mới vẽ lại.
“Một người thổi sáo mù đi ngang qua quán cà phê tôi đang ngồi và đang buồn chán. Tôi chợt thấy chúng ta vẫn tưởng bóng tôi giăng khắp thế gian nhưng thực ra nó chỉ mỏng như màng mắt của người mù thôi. Và khi ông ấy nhìn tôi, bên trong tôi đã thay đổi”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông có tên "Người thổi sáo" cũng vì vậy.
|
Tại triển lãm đa chất liệu của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam này, hình ảnh cây sáo lặp đi lặp lại nhiều. Trong các tác phẩm của mình, ông Thiều cho thấy nhiều tưởng tượng khác nhau về cây sáo.
Có tác phẩm, cây sáo của ông có tỷ lệ giống như nó vẫn vậy trong đời sống. Ở một tác phẩm khác, chúng lại được kéo dài ra mãi và uốn cong như những thân cây. Ông cũng vẽ cây sáo cuộn tròn như những con rắn. Cảnh trí trong bức tranh vẽ sáo - rắn này cho cảm giác về sự tò mò mà con rắn đã gợi cho Eva ở vườn địa đàng. Có nghĩa là, từ cây sáo, ông Thiều đã gợi mở về sự thèm muốn khám phá.
Cũng có những hình ảnh khác lặp đi lặp lại trong tranh của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đó phần lớn là những hình ảnh biểu trưng của làng quê như những bình nồi gốm, cây đàn bầu...
Dù chưa tả ra chất của chất liệu gốm, những hình hài gốm trong tranh ông vẫn gợi ra phần nào đời sống làng quê. Làng quê trong tranh ông Thiều cũng gần gũi với làng quê mà ông vẫn tả trong truyện hay thơ. Ở đó, có những câu chuyện ấn giấu trong nồi đất kho cá, vại muối dưa cà, tiếng gió ở trong vườn.
|
Giám tuyển Lê Thiết Cương cho biết, sự tự do trong sáng tác đã đem lại sự hồn nhiên trong tác phẩm của ông Thiều. Nói cách khác, cuộc “đi ngang cánh đồng hội họa” của ông Thiều là một trải nghiệm tinh thần cho cả nghệ sĩ và người xem.
Trong khi đó, vị Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tâm sự, ông đã vẽ một cách tự nhiên, không học hỏi bài bản về hình họa. Điều quan trọng nhất, ông muốn vẽ những trải nghiệm, những câu chuyện của mình để đời sống chính mình trở nên dài rộng hơn.
Mặc dù vậy, ông Thiều có lợi thế là luôn gắn bó với đời sống mỹ thuật qua việc thường xuyên xem tranh ảnh, tác phẩm cũng như các cuộc đàm đạo với bạn bè là văn nghệ sĩ.
Bình luận (0)