Khi chủ tịch Hội phụ nữ liên kết chị em… 'biến rác thải' thành tiền

21/10/2022 15:17 GMT+7

“Biến rác thành tiền” là mục tiêu mà chị Trần Thị Hoa, chủ tịch Hội phụ nữ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đề ra khi bắt đầu “chiến dịch” vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường từ việc phân loại rác thải sinh hoạt ở địa phương.

“Em ơi, thu xếp ra gặp tí cho vui nhé! Bây giờ thì đang liên hoan mừng ngày phụ nữ Việt Nam bằng lợn rác. Nấu 40 mâm mời hết các chị em ở các chi hội thôn về đây vui lắm.” – Chị Trần Thị Hoa (SN 1968), chủ tịch Hội phụ nữ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đã reo lên như thế trong điện thoại gọi bằng chế độ video cho tôi thấy gương mặt tươi rói của phụ nữ toàn huyện với thành quả có được từ việc nuôi lợn bằng vi sinh – một giải pháp “biến rác thải thành tiền” mà huyện hội phụ nữ đang áp dụng.

Chị Trần Thị Hoa (đội nón lá) chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải với lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Ảnh: Minh thùy

Chị Nguyễn Thị Hợi, người đem ứng dụng vi sinh vào nuôi lợn đã hớn hở khi đưa chúng tôi đi xem thùng vi sinh mà chị làm để nuôi lợn. Nó gồm cá hư đi xin ở chợ, ốc bắt ngoài đồng, thân cây chuối, IMO (giải pháp vi sinh theo phương pháp Bản địa hoá)…

Chị Hợi không giấu được sự vui mừng khi “tìm ra” bí quyết nuôi lợn bằng vi sinh không chỉ giúp cho lợn mau lớn, khỏe mạnh, mà nguyên mùa dịch lợn xung quanh chết hết, chỉ có lợn nhà chị là còn sống mà còn khỏe nữa. Khi chúng tôi đóng máy ra về, chị với lại e thẹn đề nghị: Cô chú cho tôi gửi lời cảm ơn chị Hoa, chủ tịch hội phụ nữ huyện Gia Bình và thầy Công đã dạy cho tôi những giải pháp hay để tôi có thể phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Không chỉ nuôi lợn mà cánh đồng lúa của tôi bây giờ cũng không còn sâu rầu nữa. Bây giờ rác trong nhà tôi dùng không đủ tôi còn đi…xin thêm rác của hàng xóm để biến nó thành tiền đấy.

“Biến rác thành tiền” là mục tiêu mà chị Trần Thị Hoa, chủ tịch Hội phụ nữ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đề ra khi bắt đầu “chiến dịch” vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường từ việc phân loại rác thải sinh hoạt ở địa phương. Nhưng để làm được điều đó thì tiêu chí đầu tiên chị Hoa đặt ra lại là “Phụ nữ muốn hạnh phúc thì phải đẹp”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú: 3 năm trước chỗ này là một núi rác, bây giờ thì không có mùi hôi luôn.

minh thùy

Chị Hoa hào hứng, Tôi tìm thấy “chân lý” đó khi 3 năm trước tôi tham gia một lớp tập huấn do tỉnh hội phụ nữ Bắc Ninh tổ chức. Ở đó tôi gặp chuyên gia Hoàng Sơn Công - anh có cách xử lý rác thải rất hay. Có thể nói là biến rác thành tiền. Thế là tôi đã chủ động gặp và đề nghị anh Công về Gia Bình tập huấn cho chị em ở đây.

Để tiện theo dõi hoạt động và tư vấn giải pháp đến tận cấp chi hội, chị Hoa đã lập ra một nhóm trên zalo với tên gọi Nhóm IMO trong đó mời tất cả các cán bộ phụ nữ từ cấp xã đến thôn vào để… báo cáo công việc hàng ngày và chia sẻ giải pháp. Thậm chí, trong nhóm IMO này còn có cả chuyên gia Hoàng Công hỗ trợ giải pháp khi cần.

Hội phụ nữ xã báo cáo hoạt động hàng ngày trong nhóm IMO

minh thùy

Cũng bởi cảm kích người cán bộ phụ nữ hết lòng vì dân và làm việc khoa học, hiệu quả mà chuyên gia Hoàng Sơn Công, Viện phó viện phát triển tài năng Việt Nam đã tình nguyện chia sẻ nhiều giải pháp cho phụ nữ huyện Gia Bình: “Tôi cảm nhận được sự vì dân của chị Hoa, chị ấy có sự hiểu biết về kinh tế và khả năng quyết đoán. Chị làm việc có mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể. Trong quá trình tập huấn người dân phản hồi rất tốt. Sau đó chị Hoa đề xuất là phải đến từng hộ dân thì tôi đồng ý làm thí nghiệm mô hình đào tạo tại thôn. Một người làm tốt họ nhân rộng ra vậy là thành công.”

Chị Hoa đã tổ chức để chuyên gia tập huấn từ cấp huyện, xuống xã và vào tận thôn với gần 100 buổi giảng. Trong 3 năm có 10.000 người được tập huấn, trong đó có khoảng 1000 người khỏi bệnh đại tràng, dạ dày, vài trăm người có sắc mặt thay đổi đẹp lên, khoẻ hơn, vui vẻ hơn. Chị Hoa lý luận, khi người ta khỏe mạnh, người ta cảm thấy vui vẻ hơn, lúc đó mình vận động cái gì cũng dễ. Bây giờ nhiều người dân đã chủ động tự thu gom rác không đợi nhắc nhở hay chờ Chính quyền hỗ trợ gì.

Chi hội phụ nữ thôn báo cáo hoạt động xử lý rác qua nhóm IMO

minh thùy

Chị Ngọc, một phụ nữ ở thôn Phú Dư, xã Quỳnh Phú luôn xởi lởi với gương mặt lúc nào cũng tươi như hoa. Chị Ngọc kể, trước kia phụ nữ ở đây hiếm ai dám nghĩ đến việc làm đẹp, vì một hộp kem có giá rẻ nhất cũng là bạc trăm nghìn. Trong khi chị em làm nông thì số tiền đó dùng được cho rất nhiều việc khác “thiết thực” hơn. Từ lúc được chị Hoa tổ chức cho chúng tôi học được cách chăm sóc da bằng chuối, hoa dâm bụt, khế chua và mật ong lên men thì phụ nữ thôn Phú Dư đẹp ra từng ngày. Dù suốt ngày tay lấm chân bùn nhưng da luôn căng mọng, hồng hào, cuộc sống gia đình vì thế cũng hạnh phúc hơn.

Chị Hoa liên tục theo dõi và chỉ đạo cập nhật xuống từng thôn cho hội viên xử lý rác.

minh thùy

Phụ nữ Gia Bình hôm nay không chỉ biết làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ bản thân mà còn tiết kiệm, làm giàu từ rác thải. Ngày nào chị Ngọc cũng chạy xe dọc quanh thôn để… xin rác đem về ủ phân bón ruộng. Từ ngày biết được giải pháp này, mấy bãi rác cao như núi của huyện Gia Bình dần biến mất. Người dân không còn đem rác đi đổ mà tự ủ men tưới cho cây trồng, vật nuôi, tiết kiệm đáng kể chi phí cho ruộng đồng mà sản phẩm thu hoạch được lại đạt năng suất cao.

Đến Gia Bình hôm nay sẽ khó ai tìm được rác, bởi người dân đã coi rác như một thứ tài nguyên mà họ cần biến nó thành tiền rồi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.