Con gái tôi từ lâu đã có thói quen tiết kiệm điện và phân loại rác thải. Từ nhỏ, con luôn mong muốn mai sau được làm việc trong lĩnh vực môi trường và góp phần tạo dựng một tương lai bền vững.
Có hôm vợ chồng chúng tôi thầm bảo nhau: "Không hiểu con mình được truyền cảm hứng từ đâu mà lại đam mê như vậy". Ở nhà, tôi có thể phải "cảnh báo" các con phải gấp chăn, màn sau khi thức dậy, nhưng con gái lại là người nhắc nhở mọi thành viên hãy luôn tắt điện khi không sử dụng và tái chế từng chai nước.
Một lần, đi làm về mệt quá, tôi ra chợ mà quên không mang túi vải thay cho túi nilon. Khi con nhắc, tôi khó chịu: "Mình không dùng thì người khác cũng dùng thôi, một ngày cả thế giới dùng cả triệu túi". Con gái tôi tranh luận ngay: "Một chiếc túi cũng có thể cứu một chú rùa. Nhỏ cũng hơn là con không làm gì, không ai làm thì một mình con làm". Nghe con nói, tôi một phần tự hào và nể phục. Bởi vậy, khi cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức được phát động, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là những nỗ lực của con.
Cách đi ngủ "độc lạ" của các con tôi để tiết kiệm điện
Hai con gái tôi đều có phòng riêng và quen tự lập từ nhỏ. Ấy vậy mà khi đọc được các bài viết trên báo về tình trạng thiếu điện, các con tự bảo nhau tối ngủ chung để tiết kiệm điện.
Tháng 6 nóng như lửa vừa rồi, tiền điện nhà tôi không hiểu sao đột ngột giảm đáng kể. Hỏi ra thì hóa ra các con không bật điều hòa vào ban đêm. Cả nhà tôi... ngã ngửa. Khi đã ngủ là con ngủ rất say nên bật quạt rồi chỉnh điều hòa tự động tắt sau khi bật 2 tiếng. Hơi điều hòa lạnh lại thêm gió từ quạt khiến căn phòng vẫn mát đến 6 giờ sáng. Sau đó con dậy, kéo hết các rèm cửa, tận dụng ánh sáng tự nhiên để sinh hoạt cá nhân.
Tiết kiệm điện còn có mặt trong mọi hành động của con. Con chủ động phơi áo quần thay vì dùng máy sấy khi giặt đồ. Con thích làm bánh nên tìm tòi các công thức bánh làm bằng bếp từ thay vì sử dụng lò nướng. Con tìm hiểu và giới thiệu tôi với quần áo làm từ linen, loại vải bền có khả năng thấm hút nhanh, thoáng mát, rất được ưa chuộng tại các nước châu Âu và Nhật Bản.
Khi ra ngoài, thấy các chú công nhân điện lực leo trèo sửa chữa đường dây dưới thời tiết khắc nghiệt, con luôn tôn trọng và lễ phép. Tại trường học, con tham gia các dự án, các câu lạc bộ bảo vệ môi trường, cùng các bạn tuyên truyền và thực hành nhiều phương pháp tiết kiệm, tái chế năng lượng, nguyên vật liệu. Con kể rằng các bạn cũng như con, đều rất hứng thú góp phần giảm thiểu điện năng tiêu thụ, giảm thải rác.
Bởi vậy mà tôi mới thấy, nói về cách tiết kiệm điện, chúng ta có muôn vàn phương pháp để thực hành, để dạy trẻ. Tuy nhiên, có một điều tôi học được từ con: Chỉ khi thật sự để tâm trong từng hành động nhỏ hằng ngày, ta mới có thể biến điều đó thành một thói quen và cảm thấy hạnh phúc khi ta thực hiện nó. Một tương lai bền vững tưởng chừng xa vời, lại đang phần nào đang diễn ra mỗi ngày nhờ vào những hành động nhỏ, trong căn nhà nhỏ của mỗi gia đình.
99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":
Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.
Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: [email protected] hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).
Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.
Bình luận (0)