Khi con thích làm theo ý mình

12/12/2013 03:10 GMT+7

Nhiều ông bố, bà mẹ rất khổ sở và đôi lúc bế tắc trong việc dạy những đứa con có tính cách ngang bướng.

Chị Mai Thị Bạch Hường, ngụ P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), tâm sự: “Tôi có đứa con trai 5 tuổi nhưng tính bướng bỉnh chịu không nổi. Buổi sáng bé ưa ngủ dậy trễ, thường là sát với giờ đi học, vì vậy lúc nào tôi cũng chuẩn bị sẵn một bộ quần áo để sau khi bé thức dậy tắm rửa, đánh răng xong thì thay đồ để còn có thời gian đến trường cho kịp. Khổ nỗi, thằng bé chỉ thích có một vài bộ đồ nên cứ mặc lui mặc tới hoài. Hôm nào chẳng may mấy bộ đồ cháu ưa thích bị dơ chưa kịp giặt, tôi chọn cho cháu bộ đồ khác dù có đẹp cách mấy cháu cũng không chịu, nhất quyết không đi học với lý do không được mặc bộ đồ cháu thích”.

Con gái 6 tuổi của chị Nguyễn Thị Huyền, ngụ đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), chỉ thích làm theo ý của mình, hay  thẳng thừng cãi bố mẹ. Theo lời chị Huyền, mỗi khi bị bố mẹ la rầy là bé tỏ ra giận dữ, càng tỏ ra lì lợm và bướng bỉnh hơn. Con gái chị Nguyễn Thị Liễu (6 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) có thói quen ngồi xem ti vi đến khuya không chịu đi ngủ. Mẹ nói mãi không được phải tắt ti vi là con bé giãy nảy, chụp và ném tất cả đồ đạc xung quanh.

Theo thạc sĩ tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính, cơ sở TP.HCM, thái độ ngang bướng ở trẻ là hiện tượng tự nhiên của con người một khi muốn tự rèn luyện ý chí tự lập và thể hiện cá tính. Do vậy, khi cha mẹ gặp phải tình huống trẻ bướng bỉnh cũng đừng quá bực mình mà chỉ cần thực hiện những phương thức khéo léo để uốn nắn trẻ. Khi trẻ bướng, thay vì nóng giận, bố mẹ cần kiềm chế cảm xúc, hãy giữ bình tĩnh bằng cách nghĩ trẻ bướng là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang lớn lên. Bố mẹ càng bình tĩnh, giữ nét mặt bình thản càng dễ dàng ngăn chặn cơn bướng bỉnh của trẻ. Thay vì mắng chửi, đánh đập, bố mẹ nói cho con nghe những cảm xúc của mình lúc đó, cách này sẽ giúp con hiểu bố mẹ hơn mà không xúc phạm đến con.

Tất nhiên có những lúc cha mẹ phải tỏ ra cứng rắn để con mình biết rằng có những chuyện hoàn toàn nghiêm túc, không thể đùa giỡn được. Chẳng hạn cấm tuyệt việc sờ tay vào ổ cắm điện, leo trèo cạnh cửa sổ hay buông tay mẹ ra trong khi đi trên đường phố, đòi mua đồ chơi đắt tiền ở siêu thị… Thạc sĩ Phạm Thị Thúy khuyên: “Nếu đứa trẻ bướng bỉnh trong những lúc như vậy, bố mẹ có thể im lặng đưa con ra chỗ khác mà không cần mềm mỏng hay giải thích gì. Cứ để cho cô cậu hờn khóc một lúc, rồi giải thích lần nữa cho con tại sao không nên làm thế”.

Lê Thanh

>> Giáo dục con kiểu Hoàng gia Nhật
>> Hạn chế sai sót khi giáo dục con
>> Những bài học trong giáo dục con cái
>> Cần xem lại cách giáo dục con cái
>> Tư vấn - giao lưu trực tuyến: Giáo dục con thời hiện đại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.