>> Khi đại biểu hội đồng nhân dân 'im lặng
>> Khi đại biểu hội đồng nhân dân 'im lặng' - Kỳ 2: Ngậm miệng ăn tiền!
|
Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 10, hôm qua HĐND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức phiên chất vấn lãnh đạo một số sở, ngành trong tỉnh như Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường…
Lần lượt lãnh đạo các sở ngành trên trả lời chất vấn các câu hỏi được HĐND tổng hợp, chuyển đến trước đó về các vấn đề người dân địa phương đang đặc biệt quan tâm, như làng quê ngập rác thải, nhiều khu vực thiếu nước sạch; vấn đề chăm lo cho người có công và gia đình chính sách; nạn ô nhiễm môi trường; nhiều công trình công cộng chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…
Đáng nói là sau khi lãnh đạo các sở ngành trên đọc xong văn bản trả lời chất vấn, chủ tọa đứng dậy hỏi: “Có đại biểu nào hỏi thêm gì không?” thì cả hội trường im phăng phắc, không một cánh tay nào giơ lên chất vấn trực tiếp, khiến chủ tọa phải lặp đi lặp lại câu nói: “Không có ý kiến nào chất vấn thêm. Xin cảm ơn!”.
Toàn bộ phiên chất vấn, ngoài việc đọc văn bản, không có bất cứ một câu hỏi nào được đại biểu dân cử đưa ra, không có bất cứ màn hỏi - đáp nào.
“Chán” không hỏi nữa
Hơn 10 năm trước, các phiên thảo luận hoặc chất vấn của HĐND TP.Hải Phòng luôn “dậy sóng” bởi ý kiến của ông Lã Trọng Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.Hải Phòng. Tiếng nói của ông Long khi ấy có sức nặng đến nỗi theo cử tri Vũ Văn Tâm ở thị trấn Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, có người còn phải mang phong bì đến nhà ông này (nhưng bị từ chối) để xin ông hỏi ít hơn trong các kỳ họp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các phiên chất vấn của HĐND TP.Hải Phòng nguội dần. Ba kỳ họp gần đây, HĐND TP.Hải Phòng phải đổi mới bằng cách phát video các vấn đề cử tri bức xúc để đại biểu chất vấn và cơ quan chức năng trả lời.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, cho rằng: “Ở Quốc hội thì có đại biểu chuyên trách, người ta có sự hiểu biết và nghiên cứu các vấn đề rất kỹ lưỡng, sâu sắc, còn ở địa phương, do cơ chế nên đại biểu là đương nhiệm, ít nhiều cũng hạn chế hơn”.
Trong khi đó, ông Lê Vũ Thành, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hải Phòng cho rằng: “Kỳ họp nào thường trực HĐND cũng đưa phiếu chất vấn cho đại biểu, nhưng đại biểu không say sưa với chất vấn. Một là do họ có thể không hiểu biết, không nắm được vấn đề cần chất vấn, hai là họ nghĩ có chất vấn cũng không giải quyết được vấn đề gì, ba là có thể ngại va chạm vì nếu đại biểu là lãnh đạo quận huyện mà chất vấn giám đốc sở thì có thể ảnh hưởng đến công việc. Bản thân tôi cũng từng chất vấn nhiều nhưng cũng không giải quyết được vấn đề gì, nên giờ cũng chán và gần như không chất vấn, hỏi han gì nữa”.
Ở một góc độ khác, dễ thấy là các nội dung được chất vấn ở HĐND TP.Hải Phòng, dù đã được đổi mới về hình thức nhưng nội dung vẫn chưa chạm đến những vấn đề trọng yếu của TP, mà mới chỉ đề cập đến bức xúc về dân sinh của cử tri.
Theo ông Lê Vũ Thành thì “đúng là chất vấn mới chỉ nói đến các vấn đề dân sinh. Quan trọng hơn, là cái tầm cỡ, vị thế, cái tiềm năng cực lớn của TP này… còn chưa được khai thác thì không được đặt ra trong các kỳ họp. Vì sao, tôi nghĩ một phần vì nó là cái chẳng liên quan trực tiếp đến ai nên khó chất vấn, khó giải quyết và vì thế cử tri chưa đặt vấn đề”.
Kỳ Văn - Quang Duẩn - Đinh Dụng
Bình luận (0)