Khi đại học trở thành đại trà

30/04/2016 07:06 GMT+7

Các trường ĐH phải lao vào cuộc đua tuyển sinh như Thanh Niên đã phản ảnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất hiện nay là nguồn cung lớn hơn cầu.

Người học ít nhưng chỉ tiêu và trường đh đều tăng
Kỳ tuyển sinh năm 2015, nhiều trường ĐH không tuyển sinh đủ chỉ tiêu và đứng trước nguy cơ đóng cửa nếu tình trạng này kéo dài. Theo phân tích của Báo Thanh Niên lúc bấy giờ, một trong những nguyên nhân là số lượng học sinh (HS) giảm dần. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm học 2006 - 2007 đến năm học 2013 - 2014, số HS THPT giảm đáng kể. Cụ thể, năm học 2006 - 2007 có lượng HS cao nhất là 3,075 triệu, sau đó giảm dần đều. Đến các năm gần đây, giảm đến khoảng 500.000 HS. Chẳng hạn, năm học 2012 - 2013 lượng HS là 2,675 triệu, năm học 2013 - 2014 là 2,532 triệu. Số HS tốt nghiệp 3 năm trở lại đây cũng ngày càng giảm. Năm 2013, cả nước có 946.064 HS thi tốt nghiệp, năm 2014 có 910.000 và năm 2015 chỉ còn 871.935.
Số thí sinh (TS) đăng ký ĐH, CĐ hằng năm cũng giảm. Năm 2011 - 2015 từ gần 1,7 triệu TS xuống còn 1 triệu. Chẳng hạn năm 2013 có 1.298.522 TS đăng ký dự thi, năm 2014 còn 1.190.546. Năm 2015 giảm còn 1.004.487 TS, trong đó khoảng 279.000 chỉ xét tốt nghiệp chứ không sử dụng kết quả để xét tuyển các trường ĐH, CĐ.

Cuộc đua tuyển sinh giữa các trường đại học

Đã qua rồi cái thời trường ĐH “ngồi yên” đợi thí sinh. Ngày nay, ở nhiều trường (cả công lập và ngoài công lập), thậm chí hiệu trưởng cũng phải đích thân thực hiện các chiến dịch nhằm tìm kiếm thí sinh.
Dù nguồn tuyển giảm nhưng chỉ tiêu ĐH, CĐ lại tăng lên hằng năm. Theo số liệu của Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu của các trường hằng năm tăng lên nhanh chóng, từ 165.570 (năm 2001) lên 640.000 (năm 2014). Thống kê của Bộ cho thấy trong 10 năm chỉ tiêu phình lên gấp 3 - 4 lần kể cả ĐH lẫn CĐ. Chẳng hạn năm 2005, nguồn tuyển nhiều gấp 6,5 lần so với chỉ tiêu ĐH thì năm 2015 con số này chỉ còn 1,52. Năm 2013, chỉ tiêu ĐH là 329.896, năm 2014 là 370.000 và năm 2015 là 439.000 vừa xét theo kỳ thi THPT quốc gia vừa xét phương thức riêng.

5, 7 năm trở về trước, sự cạnh tranh trong tuyển sinh giữa các trường không gắt gao như bây giờ. Lý do là vì số lượng các trường ngày nay nhiều quá. Thêm nữa, một ngành học cũng được đào tạo ở rất nhiều trường

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang
Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ

Tuy số HS và TS giảm dần nhưng số lượng trường lại tăng nhanh chóng. Theo Tổng cục Thống kê, trong vòng 10 năm, từ 2003 - 2013 số lượng trường ĐH, CĐ trong cả nước đã tăng từ 214 lên 427 trường, đến đầu năm 2014 tiếp tục tăng lên 443 trường.
Điều kiện trúng tuyển dễ dàng hơn
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng những thay đổi về hình thức tuyển sinh theo hướng dễ hơn khiến một số trường gặp khó khăn. Điều này đòi hỏi các trường phải cạnh tranh nhau nhiều hơn, bắt buộc các trường phải đi để quảng bá hình ảnh của mình vì với các trường, tuyển sinh là tiêu chí hàng đầu duy trì sự tồn tại và phát triển. “Ngay ĐH Quốc gia TP.HCM cũng bị tác động bởi bối cảnh chung này, ĐH dù lớn nhưng nếu không xuất hiện nhiều thì HS giỏi vẫn sẽ dễ dàng bị chiêu dụ sang các trường khác. Nếu nỗi lo của các trường ngoài công lập là không tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường công lập lại lo lắng không tuyển được HS giỏi. Do vậy, các trường dù công lập hay ngoài công lập giờ đây cũng không thể ngồi yên một chỗ mà phải đi để tìm đến TS”, tiến sĩ Nghĩa phân tích.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, nhìn nhận: “5, 7 năm trở về trước, sự cạnh tranh trong công tác tuyển sinh giữa các trường không gắt gao như bây giờ. Lý do là vì số lượng các trường ngày nay nhiều quá. Thêm nữa, một ngành học cũng được đào tạo ở rất nhiều trường. Trong khi đó, số lượng TS cứ ít dần đi. Thành ra các em có quá nhiều chọn lựa. Không học ở trường này thì có thể học trường khác, với mức điểm chuẩn ở nhiều trường cũng không quá cao”.
Cơ hội trúng tuyển của TS quá dễ dàng, chỉ cần đạt điểm sàn là có thể đậu vào nhiều trường ngoài công lập, thậm chí ở một số trường công. Không những thế, thêm hình thức xét tuyển bằng học bạ (thậm chí ở 2 học kỳ năm lớp 12) khiến HS chỉ cần tốt nghiệp là có thể đậu ĐH. “Bây giờ, TS thi THPT quốc gia xong, biết điểm là lựa chọn xem mình nên học trường nào thôi. Vấn đề chỉ là trường tốp trên hay tốp dưới, chứ cơ hội trúng tuyển đã nắm chắc trong tay. Việc học ĐH trở nên đại trà hơn bao giờ hết”, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM lý giải.
Vì thế, giờ đây sự cạnh tranh của TS chỉ còn rơi vào nhóm HS giỏi muốn xét tuyển vào những trường ĐH tốp trên. Tuy nhiên số này không nhiều.
Hậu quả khi “vượt rào”
Quảng bá hình ảnh đến người học không phải là hiện tượng mới mẻ và các trường ĐH trên thế giới, kể cả những trường có tên tuổi cũng thực hiện điều này. Nói như lãnh đạo một trường ĐH thì tư vấn tuyển sinh là cần thiết để giúp TS nắm rõ quy chế và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, nếu tư vấn không lành mạnh như nói quá, nói không đúng bản chất vấn đề hoặc “mua bán” sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng như HS chọn không đúng ngành, trường hoặc nhận thức không đúng về thực tế. Nếu các trường nói không đúng về nhu cầu thị trường lao động cũng sẽ khiến TS chọn ngành theo phong trào, gây nên tình trạng thất nghiệp khi ra trường.
Thậm chí, để tuyển được TS, không ít trường vượt rào, làm sai quy chế. Chẳng hạn gửi giấy báo trúng tuyển cho TS khi chưa có kết quả xét tốt nghiệp, cấp giấy báo trúng tuyển cho TS ngay khi nộp hồ sơ xét tuyển. Thậm chí, có một số trường còn nhận cả TS dưới điểm sàn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.