Khi dâm ô học trò chỉ được xem là 'trêu đùa quá mức'!

19/04/2019 09:05 GMT+7

Hàng loạt vụ việc thầy giáo dâm ô , quấy rối tình dục học sinh xảy ra gần đây nhưng đã bị người lớn xử lý theo kiểu 'đóng cửa bảo nhau' đang khiến dư luận cực kỳ phẫn nộ và lo ngại tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

 

Bị tố dâm ô, thầy giáo vẫn... đi dạy

Không thể nghỉ vài hôm rồi dạy lớp khác
Ngày 17.4, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về an toàn trường học và phòng chống bạo lực học đường, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, không đồng tình với việc một số địa phương khi GV vi phạm đạo đức nhà giáo đình chỉ có 3 ngày hoặc 1 tuần sau đó lại dạy lớp khác. Ông Nhạ cho rằng đó là cách xử lý không nghiêm túc, sẽ khiến các quy định bị “nhờn”.
Tháng 3.2019, ông Dương Trọng Minh, giáo viên (GV) Trường tiểu học Tiên Sơn, H.Việt Yên, Bắc Giang bị phụ huynh tố cáo và ký vào biên bản thừa nhận có hành vi sàm sỡ, “sờ vào vùng nhạy cảm” của hàng loạt nữ học sinh (HS) lớp 5. Nhưng sau đó kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an H.Việt Yên kết luận thầy Minh chỉ véo tai, véo mũi, sờ mông, sờ đùi một số HS nữ, ngoài ra, thầy Minh không có hành động nào khác. Sau kết luận này, ông Minh vẫn đi dạy bình thường!
Kết luận này đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của dư luận. Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN có công văn đề nghị xử lý nghiêm, loại khỏi danh sách GV của trường, cấm giảng dạy dưới mọi hình thức đối với ông Minh. Gần một tháng sau khi vụ việc xảy ra, đầu tháng 4, UBND H.Việt Yên đã buộc phải ra quyết định điều chuyển ông Minh về làm nhân viên hành chính ở một trường khác trên địa bàn huyện, chấm dứt công việc giảng dạy, đứng lớp.
Đầu tháng 4.2019, dư luận lại “dậy sóng” bởi thông tin một GV dạy toán ở Trường THCS Trần Phú, Q.Hoàng Mai, Hà Nội bị tố có hành vi dâm ô với 7 nam HS lớp 6 mà GV này đang bồi dưỡng trong đội tuyển của trường. Sự việc xảy ra trong một thời gian khiến 5/7 HS sợ hãi không dám đến học giờ học bồi dưỡng và cha mẹ học sinh đã đến “làm việc” với nhà trường. Tuy nhiên, thay vì lên án tố cáo mạnh mẽ hành vi của thầy thì trao đổi với phóng viên Thanh Niên, một trong số những phụ huynh của các HS này chỉ trả lời ngắn gọn mong phóng viên “thông cảm” vì cả nhà trường và thầy giáo muốn cùng phụ huynh “xử lý nội bộ”.

Ngày 11.4, Trường THCS Trần Phú có tổ chức họp báo về vụ việc nhưng mọi câu hỏi liên quan đều được bà hiệu trưởng trả lời là “cơ quan công an đang điều tra” và “tạm kết luận” là thầy giáo chỉ “trêu đùa quá mức” đồng thời nhấn mạnh thông tin thầy H. là GV giỏi, được đánh giá có trách nhiệm, có chuyên môn trong việc bồi dưỡng HS giỏi. Trong quá trình công tác tại trường, thầy được các đồng nghiệp tin yêu...
Đến ngày 16.4, trả lời PV Thanh Niên, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai, dù cho biết cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục xác minh và chưa có kết luận nhưng thầy giáo đã kết thúc 3 ngày tạm đình chỉ và trở lại trường giảng dạy, nhà trường chỉ đình chỉ việc giảng dạy của thầy giáo này với đội tuyển có 7 HS nói trên. Bà Hạnh còn nhấn mạnh thông tin chính 7 phụ huynh của HS và hội đồng sư phạm nhà trường, ban đại diện cha mẹ HS đã làm “đơn minh oan” cho thầy giáo gửi đi các nơi.

Không thể chấp nhận cách “giải quyết nội bộ”

Tại hội thảo Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH và Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức sáng 18.4, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết theo thống kê của bộ này, trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Đáng chú ý, tính chất của các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt trong những tháng gần đây có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại với nhiều độ tuổi, thậm chí có cả trẻ dưới 6 tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, GV và bạn bè trong trường học.
Ông Võ Anh Dũng, Trưởng ban Giám sát, tư vấn, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, cho rằng thách thức chung của các tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em là nhận thức của một bộ phận người dân về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em còn hạn chế, nhiều gia đình nạn nhân có xu hướng "giải quyết nội bộ" hoặc thỏa thuận dân sự với thủ phạm, chưa quan tâm giáo dục tâm sinh lý cho trẻ em và quy trình tố tụng đối với các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em còn kéo dài, không thân thiện với trẻ em...
Ông Võ Anh Dũng đề nghị: “Bộ GD-ĐT cần tạo tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền trẻ em trong hệ thống giáo dục, đặc biệt là bạo hành, xâm hại trẻ em trong trường học. Bộ cần có chương trình tập huấn cho lực lượng GV kể cả cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục về luật Trẻ em và kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trong và ngoài nhà trường. Tổ chức dạy hoặc tập huấn cho HS kỹ năng tự bảo vệ.

Phải thay đổi các tiêu chuẩn văn hóa

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: “Đối với những vụ việc có hành vi dâm ô trẻ em, kể cả khi các gia đình, phụ huynh không lên tiếng, không khởi kiện nhưng một khi đã có đủ yếu tố, đủ căn cứ điều tra cơ quan tư pháp vẫn vào cuộc và tiến hành tố tụng bình thường. Việc sớm đưa thực hiện theo quy trình tố tụng thuộc phạm vi cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng”.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình bảo vệ trẻ em (Unicef), nhìn nhận giải quyết vấn đề xâm hại trẻ em ở VN đòi hỏi phải thay đổi các tiêu chuẩn văn hóa về kỷ luật xâm hại với trẻ em đồng thời tăng cường nỗ lực của Chính phủ, gia đình, trường học, đoàn thể và chính các em. Ngoài cải thiện hệ thống pháp luật, bà Loan khuyến nghị: “VN cần thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức quy mô lớn hơn trên toàn quốc về tác động tiêu cực của xâm hại đối với trẻ em”.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.