Kết quả cho thấy 66% cử tri phản đối đề xuất “luật pháp Thụy Sĩ, chứ không phải thẩm phán nước ngoài”. Đề xuất trên được đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP), đảng lớn nhất trong quốc hội, ủng hộ nhằm bổ sung một điều khoản vào hiến pháp, qua đó ưu tiên hiến pháp hơn các thỏa thuận quốc tế. Điều khoản mới đồng nghĩa nếu có sự xung đột giữa luật pháp Thụy Sĩ và luật pháp quốc tế, thỏa thuận quốc tế sẽ phải được sửa đổi hoặc loại bỏ.
Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sau nhiều năm tranh luận ở Thụy Sĩ về chủ quyền của đất nước. Những người ủng hộ sự thay đổi này nhấn mạnh chủ quyền của Thụy Sĩ đã bị các thỏa thuận quốc tế làm suy yếu. Họ lập luận truyền thống dân chủ trực tiếp của quốc gia, nơi công dân có tiếng nói cuối cùng về các quyết định chính trị thông qua trưng cầu dân ý, đang bị các thỏa thuận quốc tế đe dọa. SVP cho biết đề xuất mới sẽ giải phóng đất nước khỏi sự can thiệp của EU và các cơ quan quốc tế khác.
Tuy nhiên, chính phủ Thụy Sĩ, giới doanh nghiệp và hầu hết các đảng khác phản đối vì đề xuất trên sẽ buộc nước này hủy bỏ mọi hiệp ước hiện hữu. Theo họ, lá phiếu “có” sẽ khiến Thụy Sĩ phải đàm phán lại hàng ngàn thỏa thuận đã ký kết, làm tổn hại một nền kinh tế mở phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, cũng như làm suy yếu hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Bộ trưởng Tư pháp Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga tiết lộ chính phủ hài lòng với kết quả trên.
Bình luận (0)