Khi diễn viên truyền hình 'ngược sóng'

11/06/2024 06:40 GMT+7

Vân Dung chịu đánh, chịu khóc như thể bị rút hết sức lực. Cù Thị Trà chuyên vai tiểu tam lại trở thành người cương trực…

Rũ bỏ hình tượng cũ

Cù Thị Trà coi vai vận động viên đấu kiếm Đông trong Những nẻo đường gần xa như một cơ hội lớn để "rũ bỏ" bóng dáng tiểu tam đã "hằn sâu" trong khán giả về mình. Chính vì thế, cô đầu tư rất nhiều thời gian cho vai diễn. Cù Thị Trà xin học tại lò tập đấu kiếm để có thể hiểu được môn thể thao và nắm bắt tinh thần của bộ môn này.

"Tôi nói với huấn luyện viên, anh cứ cho em tập nhiều hơn nữa lên, gấp mấy lần người mới tập cũng được. Dù vai của tôi có thể dùng người đóng thế cảnh đấu kiếm nhưng tôi vẫn muốn tập để tự đóng các cảnh này", Cù Thị Trà chia sẻ.

Khi diễn viên truyền hình 'ngược sóng'- Ảnh 1.

"Táo bà" Vân Dung (giữa) có một vai diễn khó đoán trong Người một nhà

VFC

Chọn ngược như vậy một phần do ê kíp sản xuất, muốn thử khả năng của diễn viên, và họ cũng tin diễn viên có thể thay đổi được. Thứ nữa, họ muốn xây dựng một nhóm diễn viên nòng cốt, vẫn những con người đấy và khả năng diễn xuất ứng biến được mở rộng dần ra.

NSND Trung Anh

Trong khi đó, ở Người một nhà, vai diễn bà Thư của "Táo bà" Vân Dung cũng là một vai "ngược sóng" với những gì danh hài thường diễn. Trước đó, chị từng vào vai mẹ Diễm trong phim truyền hình Ghét thì yêu thôi, mẹ Diễm Loan trong Hướng dương ngược nắng, bà chủ trọ Vân trong 11 tháng 5 ngày, bà Thanh trong Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ… Ở những vai diễn này, nhân vật của Vân Dung có điểm chung là các bà mẹ có con gái, có duyên nhờ những miếng hài xinh xinh nho nhỏ trong phim. Tuy nhiên, ở Người một nhà, bà Thư dường như bị "dìm" trong đòn roi, hành hạ và nước mắt. Một nhân vật khá u ám, thậm chí ở những tập đầu tiên khiến khán giả vô cùng ức chế.

Đến chính Vân Dung cũng chia sẻ sự "ngược sóng" này. Nữ diễn viên cho biết đây là lần đầu tiên vào vai không đánh người mà bị người đánh. Thậm chí, có cảnh quay bị đánh khiến chị choáng 2 ngày liền.

"Đây là vai diễn đầu tiên tôi ngoan, tôi hiền, tôi lành và tôi cam chịu như thế… Tất cả những cảnh khóc với tôi thì không khó, nhưng tôi rất sợ vì những cảnh đó làm tôi rất mệt. Hầu như là rút hết 200% sức lực của tôi, rút ruột rút gan và cứ mỗi một cảnh như thế khóc xong, quay xong tôi không thể thở được, tim tôi cứ đập thình thịch", Vân Dung nhớ lại.

Khi diễn viên truyền hình 'ngược sóng'- Ảnh 2.

Cù Thị Trà trong phim Những nẻo đường gần xa

CHỤP MÀN HÌNH

NSND Thu Hà, vốn luôn gắn với hình tượng tiểu thư "lá ngọc cành vàng", vẻ dịu dàng ngoan hiền, lại liên tiếp có những vai diễn "ngược sóng". Năm 2021, chị nhận vai bà Bạch Cúc trong Hướng dương ngược nắng, một người đàn bà mưu mô. Đây là vai diễn mà chính NSND Thu Hà cũng phải thốt lên là trái ngược hoàn toàn với mình ngoài đời đến 80% về tất cả mọi thứ. Năm 2024, NSND Thu Hà vào vai bà Hạ Lan trong Trạm cứu hộ trái tim, một người đàn bà có vẻ ngoài lạnh lùng, cay nghiệt với chồng con, luôn có những quyết định cực kỳ tỉnh táo. Đặt trên nền Trạm cứu hộ trái tim có nhiều tình tiết thiếu logic, vai diễn Hạ Lan thậm chí còn được coi là "gánh team" cho tác phẩm này.

Cũng có thể kể đến nhiều nghệ sĩ khác đã đi theo sóng ngược, để có những vai diễn khác phù hợp với mình. Đó là NSND Trung Anh, người từng thành công nổi bật với vai xã hội đen Lương Bổng trong Người phán xử. Trước đó, NSND Trung Anh vẫn được đánh giá cao với những vai hiền lành kiểu như ông bố quốc dân của Về nhà đi con thì Lương Bổng lại là nhân vật cực kỳ máu lạnh, có số má trong giang hồ. NSƯT Thanh Quý đột nhiên trở thành một bà mẹ chồng ghê gớm trong Hoa hồng trên ngực trái, sẵn sàng đặt điều cho con dâu, cố tình cho con dâu uống thuốc tránh thai để không thể có con…

Tăng khả năng diễn xuất ứng biến

Tới thời điểm này, vai diễn của Cù Thị Trà ở Những nẻo đường gần xa vẫn đang dừng lại ở mức tàm tạm. Cô chưa có được những phân cảnh đắt giá, khiến khán giả phải nhớ và nhắc đến như khi làm tiểu tam trong các phim Hành trình công lý, Đừng làm mẹ cáu, Chúng ta của 8 năm sau, Gặp em ngày nắng. Mặc dù vậy, bộ phim vẫn tiếp tục lên sóng và khán giả có thể chờ đợi cô thể hiện ở những tập tiếp theo. Trong khi đó, vai diễn của Vân Dung đã qua thời điểm bị khán giả thắc mắc về độ u ám.

NSND Trung Anh cho biết: "Nói về tâm lý diễn viên, ai cũng muốn làm nhiều dạng vai, nhất là những dạng vai ngược. Tức là mình luôn được chọn ở cái dạng vai này, bỗng dưng được chọn cái dạng vai ngược lại thì diễn viên thường thích làm kiểu như thế". NSND Trung Anh cũng cho biết, chính trong sự đi ngược này, diễn viên sẽ phải tìm kiếm những điều phù hợp với mình. Chẳng hạn, Lương Bổng là vai ông bị làm khó nhất.

Khi diễn viên truyền hình 'ngược sóng'- Ảnh 3.

NSND Thu Hà trong Trạm cứu hộ trái tim

CHỤP MÀN HÌNH

"Vai đó làm khó tôi rất nhiều. Hình thể như tôi thì không thể đóng ngầu kiểu đi đứng khuỳnh khoàng hay xăm trổ được, làm thế thì không thể lại được với những người có hình thể cao lớn. Tôi phải chọn cách dùng ánh mắt để thể hiện kiểu ngầu của mình. Tôi thường xuyên chiếm gương, tập với gương ở nhà liên tục", NSND Trung Anh chia sẻ.

Về việc liệu có phải do thiếu diễn viên phim truyền hình nên các diễn viên được đề nghị đóng vai "ngược sóng" không, ông Trung Anh cho rằng không phải. "Chọn ngược như vậy một phần do ê kíp sản xuất, muốn thử khả năng của diễn viên, và họ cũng tin diễn viên có thể thay đổi được. Thứ nữa, họ muốn xây dựng một nhóm diễn viên nòng cốt, vẫn những con người đấy và khả năng diễn xuất ứng biến được mở rộng dần ra", NSND Trung Anh nói.

Việc xây dựng những "diễn viên nòng cốt" như vậy có vẻ đúng với nhiều trường hợp như NSND Lan Hương "Bông", hay NSƯT Thanh Quý, nghệ sĩ Tú Oanh… Họ được mời liên tục ở nhiều dạng vai khác nhau, hiền có, dữ có, chính có, phụ có. Điểm chung của họ là dù ở vị trí nào cũng tạo nên những vai diễn thú vị và được nhiều khán giả yêu quý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.