Khi điêu khắc vào phòng khách

17/02/2020 07:05 GMT+7

Theo nhà điêu khắc Phạm Thái Bình, có thể tin vào sự gia tăng nhu cầu tác phẩm điêu khắc nhỏ tại Việt Nam. “Các nhà sưu tập trong nước đang mua nhiều hơn và họ chơi đẹp”, ông nói.

Mang tượng về nhà

Đó cũng là một xu hướng. Vì các nhà thuộc tầng lớp trung lưu, có biệt thự
hay nhà đẹp thì có nhu cầu bày những tượng như thế kèm với tranh

Nhà nghiên cứu mỹ thuật, dịch giả Phạm Long

Ngày làm việc của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt ngay từ đầu năm đã bận túi bụi vì những đơn hàng nối đơn hàng. Cùng lúc, ông Đạt còn triển lãm điêu khắc mang tên Giấy và hồ tại Mỹ. Triển lãm này gồm 42 bức tượng, gồm 31 trẻ em và 11 người lớn bằng giấy bồi, hồ dán và gốm sứ. Những bức tượng có chiều cao 50 - 60 cm mô tả bạn bè cũ của ông được đánh giá là mang chất hài hước. Chúng cũng đã được bán hết trước khi triển lãm dừng. “Tôi nghĩ nó sẽ có mặt trong phòng khách của nhiều gia đình”, ông Đạt nói. Tại VN, ông Đạt cũng phải làm việc liên tục, sáng tác liên tục. Những tác phẩm điêu khắc giấy kết hợp sơn mài của ông hiện ra đến đâu có khách đến đấy.
Nhiều người vẫn nghĩ đến các tượng đài hoành tráng khi hình dung về điêu khắc. Tuy nhiên, nhiều nhà điêu khắc hiện tại không nổi tiếng vì tượng đài mà vì những tác phẩm với kích thước từ nhỏ đến vừa. Những tác phẩm này vừa vặn với không gian trong gia đình. Có thể kể đến các điêu khắc gia như Thái Nhật Minh, Vương Văn Thạo, Lê Đình Nguyên, Phạm Thái Bình…

Chim giấy là “thương hiệu” của Thái Nhật Minh

Ảnh: NVCC

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), hiện một số người bắt đầu sưu tập tác phẩm điêu khắc nhưng là những tác phẩm nhỏ. So với số lượng tranh được mua thì tác phẩm điêu khắc không nhiều bằng. “Tuy nhiên, khách mua tác phẩm điêu khắc vẫn nhiều hơn nhiều so với trước đây. Các bảo tàng đương nhiên không có sự phân biệt gì về chuyện tranh hay tượng, nếu đúng nội dung họ cần thì họ vẫn mua. Riêng tư nhân thì mua nhiều hơn trước”, ông Thành cho biết.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật, dịch giả Phạm Long cho biết, theo dõi những triển lãm điêu khắc gần đây, ông thấy tác phẩm bán được. “Đó cũng là một xu hướng. Vì các nhà thuộc tầng lớp trung lưu, có biệt thự hay nhà đẹp thì có nhu cầu bày những tượng như thế kèm với tranh”, ông Long nói.
Nhà điêu khắc Phạm Thái Bình cũng cho rằng có thể thấy rõ thị trường đang trong tay những người có phong cách riêng. “Khách mua rất quan tâm đến tác giả, chất lượng nghệ thuật bên cạnh việc họ đã thích tác phẩm đó rồi. Họ ý thức là mua một tác phẩm thì cần quan tâm đến tác giả, ngôn ngữ nghệ thuật và cách tác giả đã theo đuổi đề tài ra sao. Những đề tài nghệ sĩ theo đuổi càng lâu càng tốt”, ông Bình nhận xét.

Tác phẩm của Phạm Thái Bình được yêu thích vì nhịp điệu và sự trong trẻo

Chất nghệ sĩ trong tác phẩm

Ông Vi Kiến Thành cho rằng các tác phẩm bán được thường là các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ hoặc gốm. “Các nhà sưu tập thường mua những chất liệu đó. Đó là những chất liệu gần gũi với đời sống của người Việt. Hơn nữa, khuôn khổ của tác phẩm cũng vừa phải”, ông Thành nói.
Về kích cỡ tác phẩm, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cũng đồng ý kiến về sự ưu việt của tác phẩm nhỏ - dễ bán vì dễ đặt trong không gian nhà hơn. Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng chất liệu không quyết định sự ăn khách của tác phẩm điêu khắc. “Tôi thường chọn loại vật liệu khá nhẹ, dễ vận chuyển, tiếp xúc nó cũng thuận tiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là giá cả phải hợp lý và tác phẩm phải mang cá tính nghệ thuật rõ ràng. Khi đó, chất liệu không còn quá quan trọng”, ông Đạt nói.
Về cá tính nghệ thuật, theo ông Đạt là phụ thuộc vào việc nghệ sĩ theo đuổi một phong cách nhất quán, với cách biểu đạt riêng qua nhiều năm. Chẳng hạn, nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên có phong cách dân gian với những tạo hình kèm theo các chuyển động và âm thanh như lục lạc, sáo diều. Thái Nhật Minh lại có những câu chuyện về chim rất độc đáo. Vương Văn Thạo nổi bật khi tạo những khối “hóa thạch” di sản văn hóa như tòa nhà, chú Tễu. Phạm Thái Bình có câu chuyện trẻ em trong trẻo giàu nhịp điệu…
Ông Phạm Long cho rằng: “Các tác phẩm điêu khắc bán được đều mang dấu ấn tác giả khá rõ. Về kích cỡ, đó thường là tượng nhỏ 40 - 60 cm. Các tác giả có tên tuổi làm tượng đài cũng làm tượng nhỏ để bán”.

Chỉnh giá vì thị trường nội địa

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm về sự điều chỉnh của giá cả để điêu khắc gần với thị trường hơn. Bà Vũ Ngọc Trâm, chủ không gian nghệ thuật Manzi (Phan Huy Ích, Hà Nội) cho biết, hằng năm bà vẫn tổ chức hoạt động Art for you để phát triển thị trường nội địa. Chương trình này bán những tác phẩm có giới hạn là 900 USD. Chính vì thế, tham gia bán tác phẩm ở đây, nhà điêu khắc Vương Văn Thạo cũng làm những tác phẩm nhỏ hơn bình thường. “Thường anh ấy bán tác phẩm nhà hóa thạch từ 7.000 - 9.000 USD. Nhưng mang tới đây thì nhỏ hơn và bán 900 USD. Đấy là giá cao nhất của Art for you”, bà Trâm nói. Thông thường, khách luôn “mua sạch” tác phẩm của ông Thạo tại đây.
Ông Phạm Thái Bình cho biết các nhà điêu khắc cũng có tâm lý có thể bớt chút đỉnh cho người mua trong nước. “Khách nước ngoài mua rất nhanh, rất dễ nhưng nó lại như mang “con” đi rất xa, không còn mối liên lạc. Thứ nữa, nghệ sĩ còn làm ra gu thẩm mỹ ở ngay vùng mình sống nữa. Vì thế, tâm lý là cũng có giảm chút cho người VN. Nhưng nhà sưu tập trong nước nhiều người cũng chơi đẹp”, ông nói.
Mặc dù vậy, việc giảm giá này cũng có ngưỡng của nó. “Chúng tôi bớt chút thôi. Có hai lý do. Một là nhiều người có xu hướng ép giá xuống. Thứ hai, chúng tôi cũng tôn trọng các gallery bán tác phẩm của mình. Nếu người mua đến nhà mua cũng không thể bán phá giá để các gallery thiệt thòi được”, ông Bình cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.