Lợi cả đôi bên
PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Hiện nay các doanh nghiệp, nhà máy đang có nhu cầu rất lớn về thiết bị, hệ thống dây chuyền sản xuất. Nếu mua ở ngoài sẽ khó có sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nên doanh nghiệp đã tìm đến các trường ĐH đề nghị trường nghiên cứu, chế tạo theo đúng tiêu chí đặt ra. Việc hợp tác này có lợi cho cả đôi bên. Doanh nghiệp giảm chi phí còn giảng viên và sinh viên sẽ có cơ hội cọ xát thực tế và thể hiện năng lực nghiên cứu, sáng tạo của mình”.
Hằng năm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận khá nhiều đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Các dự án chủ yếu ở các lĩnh vực như thực phẩm, công nghiệp, hàng tiêu dùng, đồ chơi trẻ em... Trong đó, khoa cơ khí chế tạo máy cung cấp cho doanh nghiệp rất nhiều máy móc như máy bán hàng, máy làm nha đam, máy làm chạo tôm tự động… Trong đó có những dự án trị giá hàng tỉ đồng.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhiều khoa chuyên môn cũng nghiên cứu và chế tạo các dây chuyền công nghệ, sản phẩm phục vụ nông nghiệp, thực phẩm... Thạc sĩ Đào Thanh Khê, giảng viên khoa hóa, chia sẻ: “Có những dự án khoa huy động 30 - 40 sinh viên tham gia, trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Bằng kiến thức được học, các em vừa nghiên cứu, vừa khảo sát, sau đó cho ra thành phẩm. Ví dụ, dây chuyền sản xuất dầu gấc mà sinh viên tham gia nghiên cứu, chế tạo đã được hoàn thiện gồm 6 máy, trị giá 800 triệu đồng. Ngoài ra, còn có máy sấy, bảo quản nông sản, sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học... cũng đã được nghiên cứu, chế tạo thành công”.
Những sinh viên ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng được thỏa mãn đam mê nghiên cứu đồng thời áp dụng được kiến thức của mình thông qua nhiều công trình, dự án mà Trung tâm khoa học và công nghệ sinh học của trường mang về. PGS-TS Phan Thị Phượng Trang, trưởng nhóm nghiên cứu của trung tâm cho biết: “Trung bình hằng năm trung tâm thực hiện khoảng 5 gói dịch vụ khoa học công nghệ lớn. Chẳng hạn các hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với Công ty Mobitec (Đức), ĐH Oxford (Anh), Công ty HT Biotech, bệnh viện phụ sản… Ngoài ra còn rất nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, thành phố, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH từ nhiều nước Anh, Mỹ, Đức, Hà Lan… Sinh viên các ngành liên quan đều được tham gia vào các công trình trên”.
Học hỏi, trải nghiệm, sáng tạo
Hà Châu Trinh, sinh viên ngành cơ điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể: “Em và 2 bạn nữa được giao thực hiện nghiên cứu hệ thống máy làm chạo tôm tự động dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Đây là đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp nhằm giảm nhân công, nâng cao năng suất vì trước đều làm thủ công. Đầu tiên tụi em tìm hiểu quá trình sản xuất chạo tôm bằng tay rồi nghiên cứu cơ cấu biến đổi từ quá trình bằng tay sang máy móc, sau đó chế tạo thử nghiệm”.
Sau khi khắc phục sai sót, hệ thống máy đã hoàn thiện, có thể làm 500 sản phẩm trong một giờ chỉ với một người vận hành. Trong khi từng đó sản phẩm nếu bằng phương pháp thủ công thì phải cần 10 người làm liên tục. Ngoài ra, Trinh còn cùng giảng viên và các bạn sinh viên chế tạo ra máy bán phở tự động, máy nướng bánh mì tự động... “Nhờ được tham gia những dự án nghiên cứu, chế tạo này mà sinh viên tụi em học hỏi, trải nghiệm được rất nhiều. Các kỹ năng nghiên cứu khoa học, làm việc nhóm, quản lý thời gian… đều được rèn luyện; đặc biệt là tăng khả năng sáng tạo”, Trinh nhận định.
Với Trịnh Đình Khiêm, sinh viên ngành hóa - công nghệ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, việc tham gia nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án chế tạo, sản xuất ngay từ năm 2 đã giúp Khiêm am hiểu tường tận các quy trình làm việc liên quan đến chuyên môn của mình. Khiêm cho biết: “Học lý thuyết xong, nếu không có cơ hội để áp dụng lý thuyết đó vào thực tiễn thì sau này ra trường sẽ khó có thể làm việc nhuần nhuyễn. Thời gian vừa học vừa làm việc giúp em hình thành được kỹ năng sắp xếp, quản lý thời gian và công việc, tác phong công nghiệp, thái độ làm việc nghiêm túc”. Bên cạnh đó, Khiêm và các bạn còn được trả thù lao mỗi ngày làm việc từ 250.000 - 500.000 đồng.
Khiêm hy vọng doanh nghiệp sẽ tìm đến với trường học nhiều hơn, đưa đơn đặt hàng nhiều hơn để không chỉ giảng viên, mà sinh viên sẽ có nhiều cơ hội cọ xát thực tế.
|
Bình luận (0)